Úc "dẫn đầu" các nước phá rừng

Land cleared for agriculture

Land cleared for agriculture Source: Getty Images

Các nhóm môi trường đang kêu gọi mọi người gia tăng nhận thức về nạn phá rừng ở Amazon, qua đó thúc đẩy các hoạt động bảo tồn rừng tại Úc. Hơn 80% rừng tại Úc dự kiến sẽ bị mất cho đến năm 2030.


Các vụ cháy rừng kéo dài hàng tuần ở Amazon đã khiến nhiều người  trên toàn thế giới lo ngại.

Tuy nhiên các tổ chức môi trường khẳng định rừng của Úc cũng có nguy cơ này.

Giám đốc điều hành của tổ chức bảo tồn Úc, bà  Kelly O'Shanassy cho biết việc bảo vệ rừng của Úc rất kém.

"Úc là một nước đi đầu trên thế giới trong việc hủy hoại môi trường sống. Các khu rừng của chúng ta đang bị giáng một đòn mạnh mẽ vào thời điểm này do tình trạng biến đổi khí hậu và trái đất nóng dần lên, thêm vào đó chúng ta đang đốn rừng để có thêm đất canh tác với tốc độ  khủng khiếp".

Một báo cáo của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới WWF năm ngoái đã "điểm mặt" Úc là một trong 11 điểm nóng với vấn nạn phá rừng toàn cầu, nơi 80% rừng dự kiến sẽ bị mất cho đến năm 2030.

Đông bộ Úc Châu là địa điểm duy nhất thuộc các nước phát triển nằm trong danh sách đen này.

"Vấn đề phá rừng tại Úc rất nghiêm trọng, không chỉ với các khu rừng nhiệt đới, mà tất cả các khu rừng của chúng ta đều phải gánh chịu nạn phá rừng. Chính phủ đã nới lỏng quá nhiều luật lệ".

Đó là ý kiến của nhà bảo tồn học thuộc tổ chức Quỹ Động vật hoang dã Thế giới tại Úc, ông Martin Taylor.

Ông nói rằng Queensland và New South Wales là hai thủ phạm tồi tệ nhất, khi việc đốn rừng được thực hiện để tạo ra đồng cỏ cho việc chăn nuôi.

Chính phủ Queensland đã loại bỏ một phần lệnh cấm của tiểu bang đối với việc mở đất trên diện rộng vào năm 2013.

Chính phủ New South Wales bãi bỏ Đạo luật thực vật bản địa năm 2017.

Tiến sĩ Taylor thể hiện thái độ phản đối.

"Úc đã từng có lệnh cấm đốn rừng mở đất trên diện rộng ở Queensland và New South Wales vào khoảng giữa thập kỷ trước, trong năm 2005 hoặc 2006. Những luật lệ sau đó đã bị chính phủ Queensland bỏ rơi phần nào. Rồi sau đó New South Wales đã làm điều tương tự, khi họ cho phép việc phát triển nông nghiệp diễn ra mà không có giấy phép."

Quỹ Động vật hoang dã Thế giới tại Úc W-W-F cho biết, việc phát quang bụi rậm ở New South Wales đã khiến số lượng koala giảm 1/3 trong 20 năm qua, ước tính khoảng 20.000 trên toàn tiểu bang.

Bà O'Shanassy của Tổ chức Bảo tồn Úc nói rằng Úc cần áp dụng các biện pháp canh tác thông minh và bền vững hơn.

"Việc chặt hạ cây trong rừng của chúng ta  đang gây ra một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng lớn. Động vật hoang dã tuyệt vời của Úc  thực sự cần một ngôi nhà để sống và chúng cần những khu rừng còn sót lại cuối cùng được bảo vệ nguyên vẹn."

Bà O'Shanassy nói rằng các cá nhân có thể làm một số điều đảo ngược vấn nạn này.

"Người dân có thể quyên góp cho các tổ chức từ thiện chống phá rừng; nói chuyện với các doanh nghiệp địa phương để hỗ trợ họ làm nông một cách bền vững; và liên hệ với dân biểu địa phương của mình.

Với tư cách cá nhân, tất cả chúng ta đều có thể sống bền vững hơn. Khi chúng ta đoàn kết nhau và đòi hỏi hành động lớn hơn từ các tập đoàn và chính phủ - đó là lúc chúng ta có được những thay đổi mang tính quy mô lớn - điều cần thiết để bảo vệ Amazon và rừng mưa nhiệt đới của Úc."

Share