Bà Lyn Trindall, một người dân sống ở khu vực Blue Mountains sẽ chẳng bao giờ quên buổi chiều định mệnh vào tháng 10/2013. Ngôi nhà của bà nằm giữa rừng. Và khi bà nhìn ra ngoài cửa sổ, ngọn lửa đang tới rất gần. Đến gờ, bà vẫn còn nguyên cái cảm giác rất đáng sợ ấy.
“Thật quá sức kinh hãi và khủng khiếp. Tôi đang ngồi trên chiếc ghế như tôi đang ngồi bây giờ. Tôi nhìn về phía bên tay phải của tôi. Ngọn lửa đã lan xuống cái mà chúng tôi gọi là bờ rào. Và nó liếm qua từng rất bụi rậm. Tất cả đều hừng lên một màu đỏ. Ngọn lửa đang đến thật gần” – bà nói.
Tuy nhiên, hóa ra bà Trindall lại là một trong những trường hợp gặp may, bởi bà và ngôi nhà của bà đã sống sót sau vụ hỏa hoạn ở Blue Mountains, phía tây Sydney, vào năm 2013.
Đây được xem là vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất ở New South Wales trong 50 năm qua. Trong vụ hỏa hoạn này, có 248 ngôi nhà và công trình xây dựng đã bị phá hủy; 2 người thiệt mạng.
Năm 2019 này đánh dấu 5 năm kể từ khi vụ cháy rừng nói trên xảy ra. Và một số hội đồng địa phương trên khắp nước Úc đã tụ họp về khu vực này, không chỉ để tưởng niệm một vụ thảm họa, mà còn nhằm thảo luận một kế hoạch cho tương lai, đặng bảo vệ các cộng đồng của mình tốt hơn.
Nguyên chỉ huy lực lượng cứu hỏa tiểu bang New South Wales, ông Greg Mullins cũng dự họp. Ông là người chịu trách nhiệm cho việc chữa cháy trong vụ hỏa hoạn năm 2013. Ông nói rằng, khi ấy, ông đã nhận ra rằng, những đám cháy ở Úc ngày càng trở nên khó lường và để lại hậu quả rất tàn khốc.
Ông Mullins nói: “Vụ cháy đó xảy ra vào tháng 10, chính xác là vào đầu tháng 10, trong khi các vụ cháy rừng lớn khác ở vùng Blue Mountains từ những năm 1940 đến lúc đó vẫn xảy ra trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 1. Và đây cũng là trận hỏa hoạn tàn phá nhất trong lịch sử của vùng này. Điều đó không phải là đã nói lên điều gì sao”.
Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền hành động để giảm thiểu rủi ro, để thích ứng; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu, với cấp chính quyền cao nhất là chính phủ, phải thực sự bắt tay vào giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Cuộc họp được điều hành bởi Hội đồng Khí hậu thuộc Hiệp hội Chính quyền địa phương Úc, nhằm đưa ra các cách tiếp cận mới, ứng phó với các mùa cháy rừng vốn đang ngày càng kéo dài, với sức tàn phá dữ dội hơn. Nhiều người tin rằng, biến đổi khí hậu đang khiến điều đó gia tăng.
Trong các ủy viên hội đồng địa phương từ khắp nước Úc tham gia cuộc họp, có ông Tim McNaught - một giới chức chuyên về vấn đề cháy rừng, đến từ Tây Úc.
Ông cho hay: “Cũng như ở các tiểu bang khác của Úc, tiểu bang chúng tôi đang chứng kiến xu hướng khí hậu ngày càng nóng và khô hơn. Tất cả đều bị tác động bởi biến đổi khí hậu, theo một cách nào đó. Có thể đó là những khu vực xung quanh chịu lũ lụt nhiều hơn, hay vùng ven biển sẽ bị ngập lụt; là lốc xoáy hay cháy rừng”.
Mới tuần trước đây thôi, ít nhất 120 ngôi nhà và công trình xây dựng cũng đã bị phá hủy ở phía bắc tiểu bang New South Wales trong một loạt các vụ cháy rừng. Đây là mới nhất trong một chuỗi các vụ hỏa hoạn xảy ra trong năm vừa qua.
Ông Greg Mullins cho rằng, với khí hậu khô và nóng ở Úc, nhiều điều nữa sẽ còn xảy đến: “Đó là điều tôi lo sợ, rằng chúng ta sẽ chứng kiến những đám cháy rừng ngày càng nghiêm trọng hơn, nhiều ngôi nhà bị hủy hoại hơn và đáng buồn hơn nữa là nhiều người bị thiệt mạng. Bởi vậy, điều này đang đòi hỏi các cấp chính quyền hành động để giảm thiểu rủi ro, để thích ứng; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu, với cấp chính quyền cao nhất là chính phủ, phải thực sự bắt tay vào giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.
Bà Carole Hammond, từ thị trấn Strathbogie ở tiểu bang Victoria, cũng đến tham dự cuộc họp. Bà Hammond là trưởng nhóm về Biến đổi khí hậu tại Hội đồng Strathbogie. Bà muốn tham gia cuộc họp sau khi chỉ trong có 1 tháng trước, đã có tới 200 vụ cháy xảy ra tại khu vực bà đang sinh sống.
Bà nói rằng, các vụ hỏa hoạn còn để lại hậu quả lâu dài trong sức khỏe tâm thần của mọi người. “Cộng đồng rất lo lắng. Chúng tôi đã chứng kiến nỗi đau và sự căng thẳng về tinh thần ngày càng tăng trong toàn cộng đồng” – bà nói.
Bà Hammond nói rằng, việc tham gia vào các cuộc họp này rất quan trọng trong việc thay đổi tương lai, không chỉ với Strathbogie, mà với tất cả các khu vực dễ bị cháy rừng trên khắp nước Úc.
Hội đồng Khí hậu đã đưa ra 3 khuyến nghị chính. Một là, đẩy mạnh giáo dục cộng đồng về nguy cơ gia tăng của nạn cháy rừng; hai là đưa việc xây vành đai cản lửa vào quy định trong luật pháp địa phương. Cuồi cùng, đưa bản đồ về rủi ro cháy rừng vào sử dụng.
Đây là những khuyến nghị mà theo bà Hammond, cộng đồng của bà đã nhận thức rất rõ là chúng phải được thực hiện.
Tuyên bố của Bộ Môi trường và Năng lượng với SBS News thừa nhận rằng, kể từ những năm 1970 đến nay, đã có sự gia tăng thời tiết nóng một cách cực đoan và mùa cháy kéo dài hơn, trên khắp các vùng của nước Úc.
Tuyên bố cũng cho biết là Nha Khí tượng và Cơ quan Nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ của Úc đang theo dõi và phân tích những thay đổi có hể quan sát được trong khí hậu của nước Úc.
Tuy nhiên, với bà Lyn Trindell, người vẫn lo sợ những vụ hỏa hoạn vụ chết người như vụ xảy ra hồi năm 2013, thì chúng ta cần làm nhiều hơn nữa.
“Chúng tôi sống trong giữa các vùng nhiều bụi rậm, chúng tôi chọn sống ở đó, nhưng chúng tôi không chọn sống với cảnh, cứ sau mỗi 3 đến 4 tháng, lửa lại bùng lên. Và đó chính xác là những gì đang xảy ra. Không chỉ là hội đồng các địa phương mà các chính trị gia cũng cần vào tham gia vào chuyện này” – bà nhấn mạnh.