Đảng Lao Động thay đổi lập trường về án tù bắt buộc đối với tội ác thù ghét

Prime Minister Anthony Albanese speaking.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese phát biểu trước truyền thông trong một cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Thứ Ba, ngày 23 tháng 8 năm 2022. (Ảnh AAP/Lukas Coch) Source: AAP / Lukas Coch

Các tội danh liên quan đến khủng bố và biểu tượng thù hận sẽ có án tù tối thiểu bắt buộc, sau khi chính phủ chấp nhận các sửa đổi của Liên đảng để giành được sự ủng hộ cho dự luật chống tội phạm thù ghét. Động thái này đi ngược lại lập trường của Đảng Lao Động, vốn cho rằng việc áp dụng án tù bắt buộc làm suy yếu hệ thống tư pháp và không có tác dụng giảm tỷ lệ tội phạm.


Trong một động thái chính trị đầy toan tính vào đêm muộn, Đảng Lao Động đã đi ngược lại lập trường của mình về án tù tối thiểu bắt buộc.

“Không có chuyện nước rút vào đêm muộn. Chúng tôi đã làm việc xuyên suốt về những vấn đề này. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng luật pháp được áp dụng với mức độ nghiêm khắc nhất có thể.”

Đó là Thủ tướng Anthony Albanese bảo vệ quyết định của chính phủ trong cuộc phỏng vấn trên Sky News.

Nhưng làm thế nào mà tình hình lại dẫn đến bước ngoặt này?

Chính phủ đã đề xuất một dự luật nhằm thắt chặt luật chống tội phạm thù ghét, trong bối cảnh các vụ tấn công bài Do Thái gia tăng.

Trong khi việc kích động bạo lực nhắm vào một nhóm đối tượng cụ thể đã bị xem là hành vi phạm tội, các điều luật mới sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ, như Giáo sư Luke McNamara từ Đại học New South Wales giải thích.

“Điều luật này thay đổi yếu tố lỗi từ ‘cố ý’ sang ‘bất cẩn’.”

Điều đó có nghĩa là bên công tố không cần phải chứng minh ý định đằng sau hành vi của bị cáo.

“Điểm thứ hai là bổ sung một tội danh cấp hai đối với hành vi đe dọa bạo lực nhắm vào một nhóm đối tượng cụ thể.”

Tội danh này có thể bị phạt tối đa 5 năm tù.

Ngoài ra, chính phủ cũng mở rộng phạm vi bảo vệ của luật để bảo vệ nhiều nhóm người hơn.

“Chúng ta đang nói về các nhóm người có thể trở thành mục tiêu của ngôn từ thù ghét do bản dạng giới tính, xu hướng tính dục, nhận dạng giới, tình trạng liên giới tính hoặc khuyết tật của họ.”

Khi quốc hội xem xét dự luật, một số đề xuất sửa đổi đã được đưa ra.

Đề xuất của nghị sĩ độc lập Allegra Spender về việc hình sự hóa ngôn từ thù ghét không được thông qua.

Tuy nhiên, đề xuất của Liên đảng về áp dụng mức án tối thiểu bắt buộc đối với một số tội danh đã được chấp nhận.

Những thay đổi này không liên quan trực tiếp đến dự luật chống tội phạm thù ghét, mà là điều chỉnh trong các phần khác của Bộ luật Hình sự.

Thượng nghị sĩ Đảng Tự do James Paterson cho biết đây là điều mà Liên đảng đã thúc đẩy trong nhiều tuần qua.

“Quốc hội sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng những hành vi này sẽ phải chịu hậu quả. Nhưng quốc hội không hành động ngày hôm nay vì sự lãnh đạo của Thủ tướng. Quốc hội hành động vì Thủ tướng đã bị ép buộc, miễn cưỡng đưa ra một đạo luật cứng rắn nhằm đảm bảo có những hình phạt thực sự cho hành vi này. Chỉ mới tuần trước, chính Thủ tướng còn bác bỏ sự cần thiết của án tù tối thiểu bắt buộc.”

Theo luật mới, những người bị kết tội trưng bày biểu tượng phát xít, thực hiện chào kiểu phát xít, công khai trưng bày biểu tượng khủng bố hoặc cố ý liên kết với một tổ chức khủng bố sẽ đối mặt với mức án tối thiểu 12 tháng tù giam.

Tội tài trợ khủng bố sẽ có mức án tối thiểu 3 năm tù, trong khi các tội danh khủng bố khác có mức án tối thiểu 6 năm.

Việc áp dụng án tù bắt buộc đi ngược lại quan điểm chính thức của Đảng Lao Động, vốn khẳng định: “Lao Động phản đối án tù bắt buộc. Hình phạt này không giúp giảm tội phạm mà còn làm suy yếu tính độc lập của ngành tư pháp, dẫn đến những phán quyết bất công và thường mang tính phân biệt đối xử trong thực tế.”

Dự luật ở hình thức cuối cùng đã bị một số thành viên trong khối độc lập phản đối do lo ngại về án tù bắt buộc.

Thượng nghị sĩ Sarah Hanson-Young cho biết Đảng Xanh trước đó đã ủng hộ phiên bản gốc của dự luật.

“Chúng tôi tin rằng dự luật ban đầu đã đạt được sự cân bằng hợp lý. Chúng tôi lo ngại về những sửa đổi vào phút chót này. Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đều không ủng hộ án tù bắt buộc vì nó khiến tòa án gặp khó khăn hơn trong việc thực thi công lý, trong khi vẫn cần đảm bảo trách nhiệm pháp lý đối với những hành vi sai trái.”
Những lo ngại này cũng được Giáo sư McNamara chia sẻ.

“Án tù bắt buộc luôn gây tranh cãi vì chúng đi ngược lại với các nguyên tắc xét xử ở đất nước này. Những nguyên tắc đó khẳng định rằng thẩm phán phải có quyền đưa ra quyết định độc lập về bản án của một cá nhân, và rằng việc tuyên án cần được cá nhân hóa để xem xét toàn bộ hoàn cảnh của hành vi phạm tội cũng như của bị cáo.”

Bộ trưởng Nội vụ Tony Burke cho biết quy định về án tù bắt buộc sẽ được xem xét lại trong tương lai.

“Chính phủ quyết tâm thông qua dự luật này với tỷ lệ ủng hộ cao nhất có thể, nhằm gửi đi thông điệp mạnh mẽ nhất có thể đến người dân Úc. Tuy nhiên, điều đó không thay đổi thực tế rằng trước đây, trong một thời gian dài, chính phủ – bao gồm cả tôi – đã bày tỏ lo ngại về hiệu quả của án tù bắt buộc. Chúng tôi lo ngại rằng trong một số trường hợp, điều này có thể dẫn đến tình huống một số người không bị kết tội dù đáng lẽ họ phải chịu trách nhiệm, hoặc làm mất đi động lực để các bị cáo hợp tác bằng cách nhận tội, hay thậm chí làm giảm khả năng có người tố giác đồng phạm. Chính vì vậy, chúng tôi đã đưa ra thời hạn đánh giá lại trong hai năm tới.”

Giáo sư McNamara nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất trong dự luật chống tội phạm thù ghét chính là thông điệp mà nó gửi đến cộng đồng.

“Tôi nghĩ điều mà chính phủ đang làm ở đây là phản hồi trước những lời kêu gọi mạnh mẽ trong thời gian gần đây về việc cần có các biện pháp bảo vệ tốt hơn, mạnh mẽ hơn, đặc biệt là liên quan đến lo ngại về chủ nghĩa bài Do Thái. Vì vậy, họ đã đáp lại những lời kêu gọi đó. Nhưng tôi cho rằng tác động thực tế của luật này phần lớn chỉ mang tính biểu tượng.”

Kể từ những năm 1980, hầu hết các hành vi kích động thù ghét ở cấp liên bang đều được xử lý theo luật dân sự và không bị coi là tội phạm hình sự.

Trong khi đó, các hành vi bạo lực phân biệt chủng tộc nghiêm trọng, bao gồm phóng hỏa hoặc đánh bom xe, đã được coi là tội hình sự từ trước.

Giáo sư McNamara cảnh báo rằng không thể chỉ dựa vào luật pháp để tạo ra một xã hội gắn kết.

“Việc kỳ vọng rằng một chính quyền có thể liên tục ban hành các đạo luật mới để đạt được kết quả lý tưởng là điều không thực tế. Luật pháp có vai trò nhất định, nhưng hiếm khi là giải pháp cốt lõi.”

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay .

Share