Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày bỏ phiếu cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói Thổ dân trong Quốc hội.
1. Dự thảo Tiếng nói của người Thổ dân trước Quốc hội là gì?
Tiếng nói bản địa trước Quốc hội sẽ là cơ quan tư vấn cho chính phủ về các vấn đề đặc biệt ảnh hưởng đến người Úc thuộc các quốc gia đầu tiên. Cơ quan này sẽ không có quyền phủ quyết luật.
Theo trang web chính thức của chính phủ về Tiếng nói (The Voice), các thành viên của The Voice “sẽ được người thổ dân và người dân đảo Torres Strait lựa chọn dựa trên mong muốn của cộng đồng địa phương”.
Theo trang này, The Voice cũng sẽ được phân bổ đủ kinh phí để “nghiên cứu, phát triển và đại diện” cho cả quốc hội và chính phủ.
The Voice không phải là cơ quan tư vấn bản địa đầu tiên do chính phủ Úc thành lập.
Chính phủ Hawke đã thành lập Ủy ban thổ dân và người dân đảo Torres Strait (ATSIC) vào năm 1990, nhưng nó đã bị bãi bỏ vào năm 2005.
Vào thời điểm đó, chính phủ Howard có thể làm được điều này vì ATSIC chưa được ghi trong hiến pháp.
2. Trưng cầu dân ý là gì?
Trưng cầu dân ý là cuộc bỏ phiếu toàn quốc về câu hỏi cho một đề xuất thay đổi Hiến pháp. Hiến pháp là văn bản lập quốc quy định cách thức quản lý đất nước. Kể từ năm 1901 tới nay đã có 44 cuộc trưng cầu dân ý. Cũng đã khá lâu kể từ khi chúng ta có cuộc trưng cầu dân ý – lần gần đây nhất đã hơn 20 năm là vào năm 1999.
Tổ chức trưng cầu dân ý là cách duy nhất để chính phủ sửa đổi hiến pháp.
3. Trưng cầu dân ý về Tiếng nói Thổ dân là gì?
Chính phủ Lao động Albanese đã cam kết đưa Tiếng nói của người bản địa vào Quốc hội trong Hiến pháp Úc. Để làm được điều này, Úc phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc.
Người dân Úc sẽ được yêu cầu bỏ phiếu Có (Yes) hoặc Không (No) để thay đổi Hiến pháp, chính thức công nhận thổ dân và người dân đảo Torres Strait là những Dân tộc Đầu tiên của Úc và thiết lập Tiếng nói trước Quốc hội.
Nếu cuộc bỏ phiếu Có thành công, Tiếng nói Bản địa theo những hướng được mô tả ở trên sẽ được thiết lập vĩnh viễn hoặc ít nhất cho đến khi một cuộc trưng cầu dân ý khác được tổ chức.
Cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói trước Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 14 tháng 10 năm 2023.
Australia's referendum history. Source: SBS
4. Câu hỏi trưng cầu dân ý của Tiếng nói bản địa trước Quốc hội là gì?
Mọi người sẽ được yêu cầu bỏ phiếu 'yes/có' hoặc 'no/không' cho câu hỏi sau:
“A Proposed Law: to alter the Constitution to recognise the First Peoples of Australia by establishing an Aboriginal and Torres Strait Islander Voice.
Do you approve this proposed alteration?”
Dịch: “Một dự luật được đề xuất: sửa đổi Hiến pháp để công nhận Người dân các Quốc gia đầu tiên của Úc bằng cách thiết lập Tiếng nói của Thổ dân và Dân đảo Torres Strait.
Bạn có chấp thuận sự thay đổi được đề xuất này không?"
5. Cuộc trưng cầu dân ý năm 1967 là gì?
Năm 1967, Úc bỏ phiếu bãi bỏ 2 điều khoản trong hiến pháp Úc có nội dung phân biệt đối xử với thổ dân.
Điều khoản đầu tiên liên quan đến điều được gọi là “sức mạnh chủng tộc” ("race power")
"The Parliament shall, subject to this Constitution, have power to make laws for the peace, order, and good government of the Commonwealth with respect to:- …(xxvi) The people of any race, other than the aboriginal people in any State, for whom it is necessary to make special laws."
Dịch: "Nghị viện, theo Hiến pháp này, sẽ có quyền đưa ra luật vì hòa bình, trật tự và chính quyền quản trị tốt của Khối thịnh vượng chung dựa trên sự tôn trọng với:- …(xxvi) Người dân thuộc bất kỳ chủng tộc nào, ngoại trừ người thổ dân ở bất kỳ tiểu bang nào, cho ai cần phải ban hành luật đặc biệt."
Đề xuất sửa đổi trong cuộc trưng cầu dân ý này là loại bỏ cụm từ "other than the aboriginal people in any State" (“ngoại trừ người thổ dân ở bất kỳ tiểu bang nào” khỏi phần này.
Điều này mang lại cho chính phủ liên bang, chứ không phải chính quyền tiểu bang, quyền đưa ra luật cho người Úc bản địa.
Trước cuộc trưng cầu dân ý năm 1967, có sự khác biệt giữa các tiểu bang về luật áp dụng cho người bản địa.
Ví dụ, ở NSW, Victoria và Nam Úc, người bản địa có thể tự do kết hôn và bầu cử tự do (từ năm 1962), nhưng những người sống ở Tây Úc và Queensland thì không.
6. Tuyên bố Urulu từ Trái tim là gì?
Vào năm 2017, 250 nhà lãnh đạo bản địa từ khắp đất nước đã tập trung tại Uluru.
Ở đó, họ xây dựng và xác nhận Tuyên bố Uluru từ Trái tim.
Tập hợp các từ đơn giản nhưng thơ mộng này gồm ba điều - Tiếng nói, Hiệp ước và Sự thật.
Đó là tài liệu kêu gọi thành lập Tiếng nói bản địa trước Quốc hội được ghi trong hiến pháp và một ủy ban Makarrata nhằm mục đích ký kết hiệp ước và nói lên sự thật. Makarrata là một từ Yolngu có nghĩa là đến với nhau sau một cuộc tranh đấu.
Theo tuyên bố, Makarrata “nắm bắt khát vọng của chúng tôi về một mối quan hệ công bằng và trung thực với người dân Úc và một tương lai tốt đẹp hơn cho con em chúng tôi dựa trên công lý và quyền tự quyết”.
Source: Facebook / The Uluru Statement from the Heart
7. Các cuộc tranh luận ủng hộ Yes và No trong cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói
*Ủng hộ (Yes)
Cuốn sách nhỏ chính thức về chiến dịch Yes, được phát hành thông qua Ủy ban bầu cử Úc (AEC) nêu ra một số lý do chính để bỏ phiếu cho Tiếng nói.
Thứ nhất, về khía cạnh đạo đức, rằng người bản địa phải có tiếng nói chính đáng trong việc định hình các chính sách có ảnh hưởng đến họ.
Thứ hai, về chính sách, nếu chính phủ có nhiều hoạch định chính sách cho người bản địa, rõ ràng sẽ đạt được kết quả tốt hơn về sức khỏe, giáo dục, việc làm và nhà ở cho họ.
Những người ủng hộ Có cũng nói rằng Tiếng nói sẽ là một cơ chế cần thiết để đàm phán các quy trình về Sự thật và Hiệp ước có sự tham gia của chính phủ liên bang. Sự thật và Hiệp ước là những bước tiếp theo để hòa giải dân tộc được nêu trong Tuyên bố Uluru từ trái tim.
*Phản đối (No)
Những người phản đối Tiếng nói xem ý tưởng thay đổi Hiến pháp là tiêu cực.
“Đưa tiếng nói vào Hiến pháp có nghĩa là nó có tính chất vĩnh viễn. Chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực”, cuốn sách nhỏ chính thức về chiến dịch No viết.
Theo đó, việc bỏ phiếu Yes sẽ có rủi ro vì "không có vấn đề nào nằm ngoài tầm với của nó", bao gồm “nền kinh tế, anninh quốc gia, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và hơn thế nữa”.
Những nhà vận động No cũng lập luận rằng một cơ quan được hiến pháp quy định “chỉ dành cho một nhóm người Úc có nghĩa là sẽ chia rẽ vĩnh viễn người Úc”.
8. Truy cập thông tin trưng cầu dân ý bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh như thế nào?
AEC có sẵn thông tin bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để giúp những người có nguồn gốc văn hóa và ngôn ngữ đa dạng hiểu được quy trình trưng cầu dân ý.
Tập sách trưng cầu dân ý chính thức - bao gồm các tập sách nhỏ nêu rõ các lập luận ủng hộ và phản đối Tiếng nói trước Quốc hội - đã được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ quốc tế. Thông tin cũng có sẵn bằng 13 ngôn ngữ của thổ dân.
9. Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc trưng cầu dân ý thất bại?
Nếu cuộc bỏ phiếu No thành công, Tiếng nói Thổ dân sẽ không được lưu giữ và hiến pháp sẽ không thay đổi.
Ít có khả năng một cuộc trưng cầu dân ý khác sẽ được tổ chức về vấn đề này trong thời gian ngắn.
The Voice là một trong ba khía cạnh của Tuyên bố Uluru từ trái tim – cùng với Sự thật và Hiệp ước – mà chính phủ Albanese đã cam kết thực hiện sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang năm 2022.
Việc bỏ phiếu No trong cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói sẽ không tự động cản trở chính phủ thực hiện cam kết của mình đối với các quy trình như thiết lập một hiệp ước.
Nhưng một số người ủng hộ Tiếng nói cho rằng việc thành lập cơ quan này là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu của Sự thật và Hiệp ước.
10. Tiếng nói thổ dân trước Quốc hội có ở những nước nào trên thế giới?
Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển đều có các cơ quan dân cử riêng được thiết lập để bảo đảm các quan điểm của người bản địa được trình bày trước chính phủ của họ để xem xét các vấn đề ảnh hưởng đến các cộng đồng này.
Người Sámi là người bản địa sống ở một khu vực bao gồm một phần của 3 nước nói trên. Nghị viện Sámi được thành lập ở Na Uy vào năm 1989, Thụy Điển vào năm 1993 và Phần Lan vào năm 1996.
Sự đại diện của các cơ quan nói trên giúp cung cấp thông tin pháp luật để phản ánh tốt nhất lợi ích của người Sámi về các vấn đề liên quan. Các đại diện được bầu bốn năm một lần.
11. Bỏ phiếu trưng cầu dân ý như thế nào?
Không giống như các cuộc bầu cử liên bang, mà bạn chọn đảng phái và ứng cử viên bằng cách điền số vào lá phiếu, tờ trưng cầu dân ý sẽ yêu cầu bạn trả lời câu hỏi trên đó bằng cách viết một từ: "Yes" hoặc "No".
Quá trình bỏ phiếu sẽ được AEC giám sát và cũng như các cuộc bầu cử khác, bạn có thể bỏ phiếu bằng nhiều cách.
*Bỏ phiếu trực tiếp
Nếu có tên trong danh sách bầu cử, bạn có thể đến địa điểm bỏ phiếu để bỏ phiếu. Cũng giống như bầu cử liên bang, sẽ có hàng ngàn địa điểm bầu cử trên khắp nước Úc, ở những nơi như trường học, trung tâm cộng đồng, hội trường nhà thờ và câu lạc bộ cứu hộ lướt sóng.
AEC cho biết bạn có thể bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại bất kỳ địa điểm bỏ phiếu nào trong tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ của bạn. Các địa điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều trong ngày. AEC sẽ liệt kê các địa điểm bỏ phiếu trên trang web của mình.
Khi đến đó, tên của bạn sẽ được đánh dấu trong danh sách cử tri và bạn sẽ được trao lá phiếu. Bạn viết Yes hoặc No trên lá phiếu rồi bỏ vào thùng phiếu.
*Bỏ phiếu qua bưu điện
Nếu không thể đến địa điểm bỏ phiếu vào ngày trưng cầu dân ý, bạn có thể bỏ phiếu qua đường bưu điện, vào ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm.
Nếu đủ điều kiện, bạn có thể đăng ký bỏ phiếu qua đường bưu điện thông qua trang web AEC. Đơn đăng ký tham gia cuộc trưng cầu dân ý năm 2023 đã được mở vào ngày 11 tháng 9, sau khi Toàn quyền David Hurley ban hành văn bản cho AEC. Đơn đăng ký bỏ phiếu qua bưu điện sẽ được mở cho đến 6 giờ chiều ngày 11 tháng 10.
*Bỏ phiếu ở vùng sâu vùng xa
AEC sẽ phục vụ nhiều vùng sâu vùng xa hơn trong cuộc trưng cầu dân ý này so với bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào khác được tổ chức tại Úc.
Các nhóm sẽ đến thăm các vùng sâu vùng xa trong ba tuần trước ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý để thu thập phiếu bầu.
*Bỏ phiếu qua điện thoại
Lựa chọn này chỉ dành cho những người mù hoặc có thị lực kém hoặc những người đang làm việc ở Nam Cực.
Bạn sẽ cần liên hệ với AEC để đăng ký và xác nhận rằng đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý qua điện thoại. Sau khi đăng ký, bạn sẽ nhận được một số điện thoại riêng để gọi và bỏ phiếu.
The Voice referendum ballot will come with clear instructions to write "Yes" or "No".
12. Bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói có bắt buộc không?
Luật pháp yêu cầu tất cả các công dân Úc đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên phải đăng ký và bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý.
Nếu bạn không bỏ phiếu, bạn sẽ nhận được thông báo không bỏ phiếu từ AEC, buộc phải giải thích lý do tại sao bạn không bỏ phiếu và có thể bị phạt.
Những người sắp trở thành công dân Úc vào hoặc trước ngày 14 tháng 10 – ngày trưng cầu dân ý – đều đủ điều kiện để bỏ phiếu.
Nếu bạn đã được thông báo về ngày lễ nhập quốc tịch của mình và dự kiến diễn ra vào ngày trưng cầu dân ý hoặc sớm hơn, bạn phải điền vào mẫu đăng ký tạm thời có sẵn trên trang web của AEC.
13. Khi nào chúng ta sẽ biết kết quả của cuộc trưng cầu dân ý?
Quá trình kiểm phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý sẽ tương tự như quy trình được sử dụng để bỏ phiếu cho Hạ viện trong cuộc bầu cử liên bang, với điểm khác biệt chính là mọi người chỉ trả lời Yes hoặc No trên một lá phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý.
Quy trình kiểm phiếu được sắp xếp hợp lý, có nghĩa là có khả năng chúng ta sẽ biết kết quả ngay trong đêm.
Tuy nhiên, AEC sử dụng khẩu hiệu “đúng, không vội” trên trang web của mình và cho biết nếu kết quả chung cuộc sát nút, có thể phải mất tới 13 ngày sau đêm bỏ phiếu để biết kết quả. Đây là khung thời gian mà AEC cho phép bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Về cơ chế kiểm phiếu, AEC cho biết mọi phiếu bầu vào ngày trưng cầu dân ý sẽ được tính vào đêm đó.
Hầu hết các phiếu được kiểm tại các trung tâm bỏ phiếu sớm và một số lượng nhỏ phiếu bầu qua đường bưu điện cũng sẽ được tính.
Kết quả sẽ được tải lên Virtual Tally Room của ACE khi phiếu được kiểm đếm, cả vào ngày trưng cầu dân ý và những ngày tiếp theo.
AEC cho biết họ sẽ chỉ công bố kết quả trưng cầu dân ý khi "về mặt toán học không thể có bất kỳ kết quả nào khác xảy ra".
14. Làm thế nào để nhận biết các thông tin sai lệch về Tiếng nói Thổ dân?
Các chuyên gia đang cảnh báo về một "khối lượng thông tin sai lệch cực kỳ lớn" đang lan truyền trong chiến dịch trưng cầu dân ý.
Mathew Marques, giảng viên cao cấp về tâm lý xã hội tại Đại học La Trobe ở Melbourne, cho biết có hai câu hỏi quan trọng bạn cần tự hỏi bản thân là: nguồn tin ở đâu và nội dung được truyền đạt đến bạn như thế nào?
“Đối với bạn, đó có phải là nguồn đáng tin cậy không? Nguồn tin có khách quan không?"
Sau đó, kiểm tra xem nội dung có bất kỳ "dấu hiệu ngôn ngữ thuyết phục" nào có thể "thu hút bạn" hay không.
Quý vị có thể cập nhật thông tin về cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng nói bản địa trước Quốc hội năm 2023 từ SBS, bao gồm cả quan điểm của các Quốc gia bản địa thông qua NITV.
Xin mời truy cập cổng thông tin Tham khảo về Tiếng nói Bản địa của SBS: