“Đạt Lai” có gốc từ tiếng Mông Cổ có nghĩa là biển cả, còn “Lạt Ma” là từ xưng hô dành cho các bậc đạo sư. “Đạt Lai Lạt Ma” có thể tạm dịch là “đạo sư với trí tuệ như biển cả”. Danh hiệu này được một vị vua Mông Cổ phong cho phương trượng của phái Cách Lỗ vào năm 1578. Ngày nay, Đạt Lai Lạt Ma được xem là người lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sinh năm 1935 trong một gia đình nông dân tại một ngôi làng nhỏ phía đông bắc Tây Tạng. Năm 2 tuổi, Ngài được công nhận là hoá thân của Đức Lạt Lai Lạt Ma thứ 13. Ngài bắt đầu quá trình tu học năm 6 tuổi, với các môn như logic, mỹ thuật, Phạn ngữ, y học và Phật pháp… Đến năm 23 tuổi, Ngài được trao bằng tiến sĩ Geshe Lharampa – bậc cao nhất trong triết học Phật giáo.
Sau khi quân đội Trung Quốc đàn áp tàn bạo phong trào khởi nghĩa của người dân Tây Tạng năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã buộc phải rời bỏ quê hương và đến sinh sống tại Dharamshala. Năm 1989, Ngài được trao Giải Nobel Hòa bình vì cuộc đấu tranh bất bạo động cho nền tự do của Tây Tạng.
Vừa đặt chân lên McLeod Ganj, tôi như bước chân sang một thế giới khác, với bầu không khí trong lành, rừng thông xanh bạt ngàn, khói sương bảng lảng trên những đỉnh núi cao phía xa. Đời sống dân cư trên đây có vẻ sung túc hơn nhiều vùng mà tôi đã đi qua trên Ấn Độ, có lẽ một phần vì lượng khách du lịch đông đảo. Những quầy bán đồ lưu niệm, pháp khí, chuông xoay, tranh thangka… mọc san sát bên đường, xen lẫn với những nhà hàng bán đồ ăn Tây Tạng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý…
Dharamshala giữa rừng xanh bạt ngàn ở miền Bắc Ấn. Source: SBS / Đăng Trình
Đông đảo tăng ni và Phật tử tham dự pháp hội của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Source: SBS / Đăng Trình
Vào đầu mỗi buổi thuyết pháp, một điều khiến tôi thú vị là tăng ni và Phật tử của một số nước, trong đó có Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia sẽ tụng đọc một thời kinh bằng ngôn ngữ của mình.
Đại chúng tham dự pháp hội đến từ nhiều nơi trên thế giới, có cả Phật tử Châu Á lẫn Tây phương. Source: SBS / Đăng Trình
Trong buổi vấn đáp, các đoàn Việt Nam, Indonesia, Singapore… đều có cơ hội để đặt một số câu hỏi cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Một số câu hỏi thì không liên quan đến bài giảng, chẳng hạn như: “Cha mẹ vì bận làm việc nên không có thời gian chăm lo cho con cái. Ngài có lời khuyên nào cho họ không?”, nhưng vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng vẫn có những cách trả lời dí dỏm khiến cả hội trường phải bật cười, Ngài nói rằng: “Làm sao tôi biết được? Tôi đã có con bao giờ đâu!”
Các loại tranh tượng, pháp khí Phật giáo được bày bán rất nhiều ở Dharamshala. Source: SBS / Đăng Trình
Kết thúc hai ngày pháp hội, sự tiếp thu của mỗi người chắc chắn sẽ khác nhau, những điều mà Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng cũng không thiếu trong sách vở hay trên mạng internet, thế nhưng việc được tiếp xúc trực tiếp với Ngài, cảm nhận nguồn năng lượng tươi sáng và ấm áp từ một bậc đạo sư có sức ảnh hưởng to lớn, quả thật là một cơ duyên hiếm có, và sẽ khiến các Phật tử vững tâm hơn vào con đường mà mình đã chọn.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại