Những bức ảnh mới nhất trong làn sóng căng thẳng ở Hong Kong làm dấy lên quan ngại của công chúng. Xe tăng chở quân đội Trung Quốc lăn bánh trên đất Hong Kong – nơi những người biểu tình ủng hộ dân chủ của đất nước này không chịu lùi bước.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chia sẻ hình ảnh những chiếc xe bọc thép kiên cố và binh lính với vũ khí trên tay di chuyển thành một đoàn dài nối đuôi nhau ở biên giới thành phố đêm qua. Không rõ đang tiến vô hay rút đi.
Các bức ảnh cũng cho thấy một chiếc thuyền chở đầy binh lính đến cập cảng trong thành phố.
Chính phủ tuyên bố đây là một phần của cuộc luân chuyển quân đồn trú thường lệ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Tuy nhiên, Dennis Kwok, thành viên của Đảng Dân sự trong phong trào dân chủ Hong Kong cho biết những hình ảnh vừa công bố này là “bất cứ thứ gì khác chứ không thể là thường lệ”.
Ông nói với báo chí độc lập ngay tại địa phương hôm nay rằng hành động mới nhất của binh lính Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Hong Kong là sự cố tình phô diễn và là một cảnh cáo gửi đến người dân.
“Tôi không tin đâu, đúng thời điểm nhạy cảm mà chúng ta đang sống ngay lúc này, đây không thể là cái gì thường lệ,” ông nói.
Tôi tin rằng đó là một sự phô diễn có chủ ý của phía PLA để nói, hoặc cảnh cáo, người dân Hong Kong rằng họ [quân đội] có thể được triển khai.
Ông cảnh báo rằng việc sử dụng quân đội sẽ là “sự kết thúc của Hong Kong” và cầu xin chính quyền trung ương không sử dụng hành động quân sự.
Người dân địa phương đã ‘tweet’ những bức ảnh của đoàn xe tăng trong đêm và bình luận từ khắp nơi trên thế giới là những thông điệp tỏ ra lo ngại tình hình chỉ tồi tệ hơn.
“Xe tăng PLA đến #hongkong. Máu sắp chảy.”
Các nhà ngoại giao châu Á và phương Tây ở Hong Kong theo dõi các chuyển động ủng hộ dân chủ ở Hong Kong cũng chờ đợi một đợt đổi quân theo định kỳ vào khoảng thời gian này, và sẽ xem xét kỹ lưỡng bất kỳ dấu hiệu nào trong sự gia tăng số lượng binh lính hay các hoạt động bất thường.
Trong một thông cáo, chính phủ Trung Quốc đã viết rằng sự phô diễn quân đội trên là một đợt đổi quần đồn trú hàng năm, đã diễn ra từ năm 1997.
“Được chấp thuận bởi Quân ủy Trung ương, động thái này là luân chuyển quân đồn trú hàng năm thông thường theo Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc Đóng quân ở Đặc khu hành chính Hong Kong, quy định rằng ‘Binh đoàn Hong Kong sẽ luân chuyển các thành viên trong hệ thống của nó’,” thông cáo chính quyền Trung Quốc viết.
Nói một cách dễ hiểu, điều này có nghĩa là một số binh lính [Trung Quốc] ở Hồng Kông đã hoàn thành công việc của họ và cuộc tuần tra trong đêm khuya người ta nhìn thấy là một cuộc đổi nhóm lính mới.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự của Viện Chính sách chiến lược Úc Malcolm Davis nói với news.com.au rằng chúng ta không nên hiểu nghĩa đen những gì chính phủ Trung Quốc nói.
“[Những gì xảy ra trong đêm] phục vụ hai mục đích,” ông Davis nói. “Một là sự bàn giao nhân sự. Nhưng hai là một hành động đe dọa rõ ràng.
“Những gì họ [Trung Quốc] đang nói ở đây là: ‘Chúng tôi có thể làm điều này và chúng tôi có thể hành động nhanh chóng’.”
Làn sóng biểu tình Hong Kong 2019
Các cuộc biểu tình năm nay phát sinh hồi tháng Tư, sau khi Hong Kong đưa ra dự luật cho phép người bị cáo buộc chống lại Trung Hoa đại lục bị dẫn độ về Trung Quốc. Nhóm chỉ trích nói rằng việc này sẽ gây nguy hiểm cho các nhà hoạt động dân chủ và các nhà báo với viễn cảnh những người bị buộc tội phải đối mặt với các phiên tòa bất công và chịu sự đối xử bạo lực.
Nỗi giận dữ của người dân Hong Kong đa phần nhắm vào bà Carrie Lam, trưởng đặc khu, người được Bắc Kinh hoàn toàn ủng hộ, nhất là khi bà dán mác cho các cuộc biểu tình là “nổi loạn có tổ chức” – điều mà người biểu tình ôn hòa bác bỏ.
Dự luật dẫn độ này bị đình chỉ vào đầu tháng Bảy sau khi hàng trăm ngàn người Hong Kong xuống đường biểu tình. Người biểu tình Hong Kong từ đó đòi chính phủ Hong Kong phải hoàn toàn rút bỏ dự luật này và có những cải cách dân chủ khác, trong đó gồm cả việc ân xá cho tất cả các nhà hoạt động bị bắt giữ.
Cách đây 5 năm, các cuộc biểu tình năm 2014 của Hong Kong khiến thế giới quan tâm đã diễn ra trong vài tuần. Khi đó người Hong Kong yêu cầu được quyền bầu lãnh đạo của chính họ. Nhưng phong trào Dù vàng đã bị đàn áp và không có bất kỳ sự nhượng bộ nào từ Bắc Kinh.
Thêm thông tin và cập nhật Like
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại