Tờ báo này viết rằng, vào lúc 10g30 sáng ngày 23/07/2017, trong lúc đi dạo tại công viên Tiergarten ở Berlin, "ông Trịnh Xuân Thanh cùng một nữ cán bộ Bộ Công thương đã bị nhóm đối tượng người Việt Nam có trang bị vũ khí xông tới, dùng vũ lực khống chế bắt cóc đưa lên một chiếc xe đợi sẵn để chở thẳng sang một nước châu Âu có chung đường biên giới với Đức."
Trước đó Bộ Công an Việt Nam loan tin rằng ông Trịnh Xuân Thanh, đối tượng đang bị chính quyền Hà Nội truy nã "đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú".
Thông cáo báo chí của Bộ Công an viết tiếp rằng, "Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng quy định pháp luật."
Hàng loạt tờ báo Việt Nam cũng đăng lại thông tin này, nhưng không cung cấp thêm chi tiết, cũng không nói rõ là ông Thanh xuất hiện ở Hà Nội bằng cách nào.
Theo Taz.de ông Trịnh Xuân Thanh vốn được chính quyền sở tại bảo hộ lưu trú hợp pháp, và "đã có lịch hẹn sáng 24/7 làm các thủ tục pháp lý tiếp theo ở Sở lưu trú Berlin." Sự việc đang được An ninh Đức và Interpol xác thực, theo trang tin này.
Bị truy nã từ tháng 9/2016
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, và nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) truy nã toàn quốc và quốc tế vào ngày 16/09/2016, về tội tham ô và cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Các tội danh này liên quan đến hàng loạt sai phạm ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và vụ án mua bán đất ở khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội).
Sau khi phát lệnh truy nã ông Thanh, công an Việt Nam trong năm 2016 cũng đã bắt tạm giam bốn nhân vật lãnh đạo khác của PVC.
Theo báo Taz.de hồ sơ truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh đã được chuyển đến Europol hồi tháng 09/2016, nhưng cơ quan điều tra Đức không theo dõi vì tội danh “vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam” không rõ ràng.
Trong một lần viết blog trước đây, ông Thanh cho biết ông muốn trốn ra nước ngoài để tị nạn chính trị. Nhưng ông đã không cẩn thận mà lại đi chụp hình trong một công viên.
Hoài nghi về việc ra đầu thú
Trả lời phỏng vấn , Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu phó Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói rằng làm gì một người bị truy nã lại có thể đi lại giữa thủ đô, và đến đầu thú tại Bộ Công an.
"Nghe tin này lạ tai lắm. Nếu ổng bị truy nã thì người ta bắt chứ làm sao có chuyện ra đầu thú.”
Còn blogger thì đăng trên Facebook rằng, “Câu chuyện Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú là câu chuyện vớ vẩn mà báo chí Việt Nam bịa ra, sở dĩ phải làm thế để che đậy vụ bắt người trái pháp luật ở nước khác..…
Blogger này tiên đoán một sự rạn vỡ trong quan hệ Việt-Đức khi các luật sư của Trịnh Xuân Thanh ở Đức đang trình lên chính phủ Đức việc nhà cầm quyền Việt Nam dùng vũ lực bắt cóc người tại Đức.
Cho đến thời điểm này, Đức và Việt Nam vẫn chưa có Hiệp định dẫn độ song phương giữa hai nước.
Taz.de bình luận rằng nếu đây là một vụ bắt giữ chính thức thì phía Việt Nam đã phải thông báo với phía Đức, nhưng Bộ Ngoại giao Đức đã trả lời báo này rằng họ không có thông gì về chuyện đó.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại