“Sống và làm việc với Thổ dân Úc Châu tôi thấy mình trưởng thành hơn nhiều!”

Chia sẻ với SBS Vietnamese khi nhìn lại quãng thời gian 4 năm buồn vui với người Thổ dân và cộng đồng sa mạc Alice Springs, Linh mục Nguyễn Trung Tây cho rằng, chính thân phận người Việt tị nạn, mất mát nhiều, giúp ông đồng cảm hơn với người Thổ dân Úc…

Fr. Michael Nguyen SVD and Indigenous people in Alice Springs

Fr. Michael Nguyen SVD and Aboriginal people in Alice Springs Source: Fr. Michael Nguyen SVD

SBS Trinh Nguyễn: Chúng ta có thể học được gì từ người Thổ dân Úc, có thể làm được gì cho người Thổ dân Úc trong bối cảnh National Reconciliation Week 2017, Hội nghị Thổ dân và Kỷ niệm 50 năm cuộc trưng cầu dân ý về người Thổ dân Úc vừa diễn ra?

Linh mục Nguyễn Trung Tây: Nếu nói chúng ta có thể học được điều gì từ người Thổ dân Úc Châu, câu trả lời chính xác nhất mà tôi có thể nói ngay là dân định cư nên học điều này từ Thổ dân Úc Châu, đó là:

— Trái Đất, Vườn Địa Đàng không phải chỉ thuộc về con người, mà là của tất cả những sinh vật có mặt trên địa cầu.

Không biết từ bao giờ, con người nghĩ là mình là chủ nhân của Trái Đất, bởi thế chúng ta phun khói xăng ngập trời vào bầu khí quyển; chúng ta chặt bỏ rừng xanh, xây dựng đô thị xe cộ chạy kín đường phố; chúng ta đổ ra sông ra biển không biết bao nhiêu hóa chất giết chết bao nhiêu sinh vật của biển; chúng ta săn bắn thú vật, ngà voi, sừng tê giác, nhồi bông thú hiếm, trưng bầy trong phòng khách.

Không biết từ bao giờ, con người nghĩ chỉ có mạng người mới là quý giá mới cần phải tôn trọng, còn lại tất cả chỉ là thứ yếu. Điều này không đúng! Tất cả những thứ gì xuất hiện trên Trái Đất, do Ông Trời tạo thành, do Mẹ Đất dưỡng nuôi, đều có những mối tương quan mật thiết với nhau.
Indigenous people in Alice Springs
Người Thổ dân Úc ở sa mạc Alice Springs | Photo: Linh mục Nguyễn Trung Tây Source: Fr. Michael Nguyen SVD
SBS Trinh Nguyễn: Theo nhận xét của Linh mục, người Thổ dân Úc có cái nhìn, cách nghĩ hoàn toàn khác về mẹ thiên nhiên, về môi trường sống. Chắc chắn cách hành xử của họ trước thiên nhiên cũng khác với những người không phải là Thổ dân?

Linh mục Nguyễn Trung Tây: Thổ dân Úc Châu dạy dỗ con cháu phải biết tôn trọng môi trường sống, không tàn phá rừng cây cho lợi nhuận của riêng cá nhân mình, không săn bắn thú vật như là một trò tiêu khiển một môn thể thao, nhưng ngược lại tôn trọng sinh vật và môi trường sống của riêng từng loại sinh vật đó. Bắc Úc, nơi sông biển có nhiều cá sấu nước mặn sinh sống, Thổ dân dạy dỗ con cháu họ phải biết tôn trọng lãnh địa của cá sấu, đừng bao giờ tắm ở dòng sông hoặc bờ biển khúc đó, bởi đó là giang sơn, linh địa của cá sấu. Trong tâm thức đó, Thổ dân Bắc Úc đã sống với cá sấu nước mặn cả bao nhiêu ngàn năm nay.
Tôi đồng cảm với người Thổ dân bởi chính bản thân tôi cũng là người đã mất rất nhiều. Biến cố năm 1975 đã đẩy tôi ra Biển Đông, từ đó tôi sống đời viễn xứ, buồn vui lẫn lộn.
Trong cái cận ảnh một ngày rất gần, tiến trình tự hủy diệt môi trường sống do con người tạo ra không còn cứu vãn được nữa, Thổ dân Úc Châu và triết lý tôn trọng môi trường và đời sống xuất hiện trên Trái Đất trở nên một bài học quý giá cho tất cả mọi người trên địa cầu học hỏi. Chúng ta không phải chỉ là sinh vật duy nhất có mặt trên địa cầu. Cây cối, thú vật, cá chim, ong kiến, côn trùng, dế giun, đều là hàng xóm của con người. Nếu chúng ta tiếp tục không tôn trọng đời sống của ‘hàng xóm’, chúng ta đang dẫn chính chúng ta tới con đường diệt vong.

SBS Trinh Nguyễn: Làm công tác mục vụ ở Alice Springs, Linh mục có dịp quan sát cuộc sống của cộng đồng người Việt tại đây. Xin Linh mục chia sẻ về sự sinh sống của người Việt cũng như những mối liên hệ và tình cảm của họ đối với chủ nhân truyền thống của vùng đất – cộng đồng Thổ dân Úc ở đây.

Linh mục Nguyễn Trung Tây: Cộng đồng Việt Nam sinh sống tại Alice Springs vào thời gian tôi sinh hoạt với Thổ dân Úc Châu chỉ có trên dưới khoảng mười gia đình... Người Việt mà, lại là người Việt viễn xứ, cho nên thông thường chúng tôi gặp nhau là ăn uống, gỏi cuốn, phở Bò, cháo gà, cháo vịt, cháo lòng heo, tưng bừng. Tết Tây, Tết Ta, Giáng Sinh họp mặt, lại ăn. Vui lắm!

Nói chung người Việt tại Úc không có cơ hội làm việc và sinh hoạt thường nhật với Thổ dân Úc Châu, cho nên không biết và hiểu nhiều về nền văn hóa Thổ dân, bởi thế thông thường người Việt, nói riêng, và các sắc tộc khác, nói chung, không có nhiều thiện cảm với chủ nhân truyền thống của châu Đại Dương. Nhưng tôi quen biết với rất nhiều người dân của phố Alice Springs, sau một thời gian chung sống với hàng xóm là Thổ dân, đặc biệt nhất, sau khi hiểu sâu về những nét đặc thù của một nền văn hóa dài hơn 40,000 năm, nhiều người bạn của tôi thay đổi một góc 180 độ, họ trở nên trân trọng và yêu quý Thổ dân rất nhiều.
Alice Springs
Một góc trời sa mạc và đường đất Alice Springs | Photo: Linh mục Nguyễn Trung Tây Source: Fr. Michael Nguyen SVD
SBS Trinh Nguyễn: Xin nói về cảm nhận cá nhân của Linh mục sau thời gian làm việc tại đây và có dịp hít thở cùng bầu không khí, đi cùng những con đường mà người Thổ dân đi qua mỗi ngày. Yêu thương? Thấu hiểu? Nếu được, xin hãy so sánh trước và sau thời gian đến Alice Springs làm việc để thấy được sự khác biệt.

Linh mục Nguyễn Trung Tây: Điều làm tôi vui nhất là từ ngày tôi chuyển công tác về Alice Springs, đời sống tinh thần của tôi tự nhiên nở rộ, thăng hoa. Cả gần mười năm rồi, từ ngày tôi bước lên bàn thánh vào năm 2002, tôi được biệt phái dậy học và phụ trách chương trình tu đức cho các thầy Ngôi Lời tại Mỹ cũng như Úc. Cho tới cuối tháng 12 năm 2009, tôi chuyển công tác về Alice Springs công tác mục vụ, đặc biệt với người Thổ dân của vùng sa mạc Úc Châu. Từ những ngày của cuối tháng 12 năm 2009 cho tới nay, tôi thường xuyên lái xe với anh em Ngôi Lời vô thôn làng Thổ dân sinh hoạt và công tác.
… Phải thành thật mà nói, tôi cần người Thổ dân hơn nhiều; bởi không có họ, tôi không có cơ hội để cảm nghiệm ơn gọi tu sĩ truyền giáo.
Tôi nhớ, biết tánh tôi ưa nói chuyện tiếu lâm, có lần có người vui miệng nói, người Thổ dân chắc vui lắm khi gặp tôi tại thôn làng. Tôi nghĩ, rồi tôi nói, “Tôi không biết người Thổ dân nghĩ sao khi gặp tôi trong công tác mục vụ. Nhưng tôi biết tôi vui hơn nhiều, bởi qua mỗi lần tôi công tác với người Thổ dân, tôi thấy đời sống truyền giáo của mình càng thêm đậm đà ý nghĩa”.

Mà tình thiệt đúng là như vậy, dạy học bảy năm, tôi học hỏi được nhiều điều lắm. Nhưng chỉ mới đây, trong khi làm việc với người Thổ dân, tôi mới bắt đầu sờ được, cảm nghiệm sâu sa cơ duyên đã khiến tôi, năm 1991, rời bỏ tất cả, lên đường theo tiếng hoa nở rộ, và xanh tươi. Nếu phải nói, ai cần ai, tôi nghĩ phải thành thật mà nói, tôi cần người Thổ dân hơn nhiều; bởi không có họ, tôi không có cơ hội để cảm nghiệm ơn gọi tu sĩ truyền giáo.

SBS Trinh Nguyễn: Linh mục có tìm thấy điểm chung nào giữa mình – một người Việt có nguồn gốc tị nạn, và người Thổ dân Úc? Đắm mình trong vùng đất và văn hóa Thổ dân lâu như vậy, điều lớn lao nhất ông nhận ra cho chính mình là gì?

Linh mục Nguyễn Trung Tây: Tôi yêu người Thổ dân bởi nét hiền hòa và thân thiện của họ. Tôi đồng cảm với người Thổ dân bởi chính bản thân tôi cũng là người đã mất rất nhiều. Biến cố năm 1975 đã đẩy tôi ra Biển Đông, từ đó tôi sống đời viễn xứ, buồn vui lẫn lộn.

Cho nên, có cả một khoảng thời gian dài 4 năm, tôi hít thở không khí trong lành sa mạc, gặp gỡ người sa mạc, chia sẻ buồn vui với cư dân sa mạc… Có một số người hỏi tôi đã làm gì cho người Thổ dân Úc Châu. Tôi suy nghĩ, cuối cùng tôi trả lời, “Thưa bác, thưa anh, thưa chị! Cả một khoảng thời gian dài sinh hoạt trong sa mạc, một cách rất thành thật tôi chưa làm gì khác hơn ngoài việc định cư và đồng hành với Thổ dân Úc Châu… Tôi đi với họ, tôi cười với họ, và đương nhiên, tôi cũng khóc với họ, giọt ngắn giọt dài. Họ vui, tôi vui theo. Họ buồn, tôi buồn theo. Tôi với Thổ dân Úc Châu là một. Đã có lần tôi nhìn thấy ngôi mộ của tôi đất ướt mới tinh khôi nơi vùng sa mạc giữa những ngôi mộ xanh xanh cỏ của Thổ dân Úc Châu! Đó là những việc tôi đã làm và thấy trong vùng sa mạc, không hơn không kém!
Đã có lần tôi nhìn thấy ngôi mộ của tôi đất ướt mới tinh khôi nơi vùng sa mạc giữa những ngôi mộ xanh xanh cỏ của Thổ dân Úc Châu!
Sa mạc Úc Châu, trời rét, Thổ dân và tôi đốt lửa ngồi sát bên nhau yên lặng ngắm nhìn giải Ngân Hà sáng lấp lánh tựa triệu triệu viên kim cương chớp sáng trên vùng trời đêm đen sa mạc. Trời lạnh, đúng ra, lạnh buốt, nhưng bởi ngồi bên nhau, Thổ dân và tôi, không ai còn cảm thấy lạnh nữa; độ ấm tình người và của lửa than hồng sưởi ấm đậm đà tâm hồn của riêng từng cá nhân cư dân sa mạc.

Sống và trải nghiệm hơn 4 năm với văn hóa Thổ dân, tôi tự nhiên nhớ tới câu ca dao, “Đi cho biết đó biết đây! Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn!” Khôn? Tôi chắc chắn không tới phiên mình. Nhưng tôi biết sống và làm việc với Thổ dân Úc Châu tôi thấy mình trưởng thành hơn nhiều, tôi càng ngày càng trở nên bao la và khoan dung, với mình và với tha nhân không phân biệt màu da và văn hóa.

Về Linh mục Nguyễn Trung Tây

Linh mục Nguyễn Trung Tây thuộc Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, nguyên gốc thuộc Tỉnh Dòng Chicago, Hoa Kỳ.

Sinh ra tại Sài Gòn, năm 1982, thuyền gỗ PB706 mang ông tôi tới Pulau Bidong sau bốn ngày lênh đênh trên sóng nước Vịnh Thái Lan. Năm 1984 ông được tái định cư ở San Jose, Thung Lũng Hoa Vàng, Hoa Kỳ. Năm 2002, ông được thụ phong Linh Mục ở Chicago.

Năm 2006, ông nhận công tác dạy Kinh Thánh tại trường Đại Học Yarra Theological Union ở Box Hill, Melbourne, Úc châu. Năm 2009, ông chuyển công tác lên sa mạc miền trung Úc châu, sinh hoạt với cư dân phố Alice Springs và Thổ dân Úc Châu trong sa mạc này.

Năm 2016, ông rời Úc sang Philippines, đang theo học ngành Truyền Giáo Học (Missiology) tại Đại Học Divine Word Institute of Mission Studies (DWIMS) Tagaytay, Philippines.

Thêm thông tin và cp nht Like 
Nghe SBS Radio b
ng tiếng Vit mi ti lúc 7pm t

Share
Published 26 June 2017 4:17pm
Updated 5 July 2017 11:04am
By Trinh Nguyen

Share this with family and friends