Di chúc giúp sống an vui, đi thanh thản, tại sao không?

Làm di chúc là một trong những điều còn xa lạ với nhiều người Úc gốc Việt, hậu quả là người thân của họ phải chịu đựng nhiều mất mát vật chất hay kiện tụng rắc rối.

Wills

Chuyện gì sẽ xảy ra khi quý vị không để lại di chúc? Source: www.statetrustees.com.au

Di chúc, ý niệm còn xa lạ với người Việt
Không mấy ai hào hứng khi phải nói đến chuyện chết chóc của chính mình, nhưng đó là chuyện chẳng đặng đừng, không muốn cũng không được.

Và khi cuộc đời đi vào giai đoạn xế chiều, người ta chợt thấy mình càng nghĩ nhiều đến những điều cần chuẩn bị cho một ngày mình sẽ ra đi.

Làm di chúc là một trong những điều cần chuẩn bị đó.

Rủi thay, làm di chúc là một ý niệm cho đến nay vẫn còn xa lạ đối với nhiều người Úc gốc Việt. Và do đó, thân nhân người quá cố đã phải chịu đựng nhiều mất mát về vật chất, hay trải qua lắm tình huống rắc rối đưa đến chổ sứt mẻ tình thân trong gia đình.

“Trên đường về nơi cõi chết, tôi sẽ mang theo với tôi những gì đây?”

Nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt câu hỏi ấy trong một bài hát ‘Những gì đem theo vào cõi chết?’.

Chúng ta đều ý thức rõ cái mẫu số chung của con người là ai rồi cũng có ngày phải đi về nơi cõi chết ấy, và cũng không mang theo được gì.

Thế nhưng những gì mỗi người để lại chắc chắn là khác biệt, và chắc chắn gia tài để lại càng lớn thì việc chia chác càng phức tạp, rắc rối càng dễ nảy sinh - nhất là khi người ra đi không để lại một bản di chúc có giá trị.

Theo số liệu của cơ quan đặc trách về việc Ủy thác và Giám hộ tại NSW (NSW Trustee & Guardian), thì ít nhất 45 % người Úc không có một di chúc có giá trị.

Mà để lại di chúc là điều vô cùng thiết yếu, nếu như chúng ta chu đáo nghĩ đến những người thân yêu ruột thịt của mình. Chúng ta có chuẩn bị, có sớm sắp xếp mọi điều hay không?

Đối với nhiều người Úc gốc Việt, câu trả lời thường là KHÔNG.

Không, vì người Việt chúng ta không co truyền thống đó; Không, cũng còn vì chúng ta không rành tiếng Anh, chúng ta không biết luật pháp của Úc.

Rồi mai đây tôi sẽ chết
Xin đừng lo ngại. Có nhiều cơ quan có thể giúp chúng ta trong việc này. Chẳng hạn Ở NSW có Dich vu Chăm lo quyền lợi của người Cao niên (The Aged Rights Service - TARS), chuyên hướng dẫn, tư vấn vế pháp lý cho bất cứ ai trên 60 tuổi, nhất là cho di dân đến từ một nước không nói tiếng Anh hay thuộc bất cứ một nền văn hóa nào khác - kể cả người gốc Việt.

Ở VN cũng như nhiều nước khác, hễ cha mẹ qua đời, gia tài đương nhiên sẽ được chia chác cho con cái.

Nhưng ở Úc thì chỉ có Di chúc mới bảo đảm được khi mình chết thì tài sản của mình được chia cho ai, chia bao nhiêu, theo đúng ý mình muốn.

Luật sư Nalika Padmasena thuộc cơ quan Bảo vệ Quyền Lợi của Người Cao Niên tại NSW giải thích:  

“Di chúc là một văn bản có tính cách pháp lý trong đó nêu rõ một người muốn của cải người ấy sở hữu được phân phối cho những ai sau khi người ấy qua đời.

“Di chúc được thi hành sau khi người ấy mất, cho nên quý vị phải cử người thi hành di chúc, gọi là executor, để người ấy có bổn phận thu thập và phân phối tài sản của quý vị.”

Executor, người thi hành di chúc, phải là người mà chúng ta tin cậy.  

“Nếu người được cử thi hành di chúc trẻ hơn quý vị thì tốt, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Nhưng người ấy phải giỏi về mặt tài chánh.

“Quý vị cũng có thể chỉ định một người chuyên làm trong lãnh vực này, gọi là một người được ủy thác, trustee, thuộc NSW Trustee hay một trustee tư, hoặc một luật sư. Những người này đều tính cước phí mà quý vị phải trả phí tổn này cho họ.” Luật sư Padmasena giải thích thêm.
Wills
Di chúc vẫn là ý niệm còn xa lạ với người Việt. Source: CC
Di chúc phải được ký trước mặt hai người làm chứng, và hai người chứng đó phải trên 18 tuổi và không phải là người được thừa kế gì trong gia tài.

Luật sư Padmasena nói di chúc phải ghi rõ ý muốn của người làm di chúc, và tốt nhất, chúng ta nên nhờ đến một luật sư để được tư vấn đúng đắn về mặt pháp lý.

“Một điều nữa cũng quan trọng là ý định của quý vị như thế nào phải được trình bày rõ ràng để giảm bớt nguy cơ tranh cãi về chuyện ai được hưởng cái gì.

“Vì lẽ đó mà tốt hơn là nên đến gặp một luật sư hay gặp một Trustee, để họ thảo bản di chúc. Chúng tôi KHÔNG đề nghị quý vị dùng tập Di chúc in sẳn (gọi là Will-kit) mà quý vị có thể mua ở tiệm bán báo hay ở cửa hàng bưu điện.”

Ra đi chu đáo
Hiệu lực của một bản di chúc sẽ kéo dài cho đến lúc mình chết hay cho đến lúc nào chúng ta làm lại một bản di chúc mới, để thay thế cái cũ. Do đó, điều quan trọng là di chúc phải được cập nhật với mọi thay đổi có thể diễn ra theo thời gian.

“Nếu có gì thay đổi trong cuộc đời quý vị, chẳng hạn như qúy vị lập gia đình, hay ly dị, hay người được thừa hưởng gia tài của quý vị chết, hay quý vị có con, có cháu.v.v.thì quy vị nên sửa di chúc hay làm lại di chúc mới.

“Trong những trường hợp như vậy, quý vị cần tìm đến tư vấn về luật pháp để sửa đổi di chúc. Đặc biệt là khi quý vị tái hôn thì cuộc hôn nhân mới này sẽ khiến cho bản di chúc hiện hữu trở nên vô giá trị nếu nó không đề cập gì đến cuộc hôn nhân đó.”

Luật sư Padmasena cho biết, trong trường hợp người chết không để lại di chúc, gia tài sẽ được chia theo một công thức có sẵn.

“Chuyện gì sẽ xảy ra khi quý vị không để lại di chúc?

“Thân nhân của quý vị phải nộp đơn lên Tòa Thượng thẩm, xin tòa cấp cho một văn thư giải quyết chuyện quản lý tài sản. Tòa sẽ chấp thuận cho một người đứng ra điều hành chuyện này, tức là thu thập của cải của quý vị rồi phân phát theo đúng luật quy định về trường hợp chết không để lại di chúc.

“Thủ tục quy định luật pháp về chuyện này nghiêm nhặt lắm, theo đó, thứ tự đặc biệt về người được thừa hưởng gia tài là: người phối ngẫu (tức vợ hoặc chồng), con cái, cha mẹ, anh chị em, chú bác cậu cô dì, anh chi em họ gần (gọi là first cousin); và nếu không có nữa thì người thừa hưởng sẽ là chính phủ.

Thời buổi này, cấu trúc gia đình trong xã hội Úc đã thay đổi nhiều so với thập niên 1960, 1970 chẳng hạn. Trong nhiều gia đình, tình sử của vợ, hay chồng, hay cả vợ lẫn chồng đều đã sang tập hai, tập ba; và gia đình chung, riêng rộn ràng cảnh con anh, con tôi, con chúng ta.

Trong bối cảnh đó, rất có thể dòng trước dòng sau sẽ lôi nhau ra tòa phải đáo tụng đình vì không bằng lòng với việc chia chác theo bản di chúc.

“Người có thể kiện đòi phải được chia gia tài là vợ hay chồng, hoặc người quan hệ không chính thức (gọi la de-facto), con ruột hoặc con ghẻ, vợ cũ hay chồng cũ .v.v.

“Bởi vậy chuyện cần phải được tư vấn về luật pháp cho chính xác trước khi làm di chúc là chuyện hết sức quan trọng.”

Ngoài ra, tưởng cũng cần biết còn có chuyện "international will", tức là bản di chúc có giá trị ở nước khác ngoài đất nước mà người quá cố cư trú. Đó là trường hợp gia tài của một người để lại ở đôi ba nơi: chẳng hạn có thêm trương mục ngân hàng ở nước khác.

Cách hay nhất trong trường hợp này là làm hai di chúc, mỗi di chúc liên quan đến gia tài ở một nước.

-

Nhân dịp bàn về đề tài này, SBS Vietnamese đã tiếp xúc với luật sư Đan Phượng ở NSW để tìm hiểu thêm những tình huống thực tế trong đời sống. Mời quý vị theo dõi câu chuyện trong phần Audio.
Wills
Lên đầu trang, nhấp chuột hay bấm vào chữ 'audio' để nghe Luật sư Đan Phượng giải thích chi tiết hơn về di chúc. Source: SBS
-

Muốn biết thêm chi tiết, quý vị có thể vào trang


Share
Published 29 February 2016 6:03pm
Updated 12 August 2022 4:01pm
By Ildiko Dauda, PHượng Hoàng, Trinh Nguyen


Share this with family and friends