WHO: Ô nhiễm không khí là loại "thuốc lá mới" đang giết 600.000 trẻ em một năm

Tình trạng ô nhiễm không khí đang đầu độc hàng tỷ người trên toàn cầu, trong đó khoảng 7 triệu người thiệt mạng mỗi năm. Làm thế nào để tránh?

Young woman wearing protective face mask outdoors due to the polluted air

Young woman wearing protective face mask outdoors due to the polluted air Source: Moment RF/ Getty Images

Bản phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới WHO

Chỉ riêng việc hít thở không khí ô nhiễm đã khiến 7 triệu người thiệt mạng mỗi năm trên toàn cầu và gây tổn hại sức khỏe cho hàng tỉ người khác, trong đó phần lớn các trường hợp thiệt mạng là ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh.
Ô nhiễm không khí là một loại "thuốc lá mới", Tedros Adhanom, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO
Báo Guardian của Anh trích dẫn phát biểu của ông Tedros Adhanom khi ông công bố bản phúc trình mới về tác hại của tình trạng không khí ô nhiễm hôm 30/10/2018: Ô nhiễm không khí là một loại "thuốc lá mới", hơn 90% dân số thế giới đang phải chịu đựng không khí bị ô nhiễm và ngày càng có nhiều cuộc nghiên cứu chứng tỏ những tác hại rất lớn của tình trạng ô nhiễm đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.

Ông Tedros Adhanom nhấn mạnh: "Thế giới đã cải thiện tình trạng liên quan tới thuốc lá và giờ cũng phải làm điều tương tự với loại "thuốc lá mới" chính là bầu không khí độc hại hàng tỉ người đang hít vào mỗi ngày. Không ai có thể thoát khỏi tình trạng ô nhiễm không khí."

Bản phúc trình của WHO cũng nhấn mạnh có đến 93 phần trăm trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm không khí và đã có bằng chứng cho thấy việc sinh non và thai nhi chết trong bụng mẹ cũng do việc hít thở không khí bẩn mà ra.

Trong tuần này, WHO sẽ chủ toạ hội nghị toàn cầu đầu tiên trên thế giới về ô nhiễm không khí và sức khỏe tại Geneva, Thụy Sĩ, dự kiến đại diện các quốc gia và thành phố tham dự hội nghị sẽ đưa ra những cam kết mới nhằm cắt giảm tình trạng ô nhiễm không khí.

Hiện có 91% dân số thế giới đang sống trong những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí vượt qua các mức giới hạn của WHO.

Tình hình ô nhiễm không khí tại một số quốc gia tiêu biểu

Theo những số liệu chính thức được đưa ra trong năm nay, mỗi năm ô nhiễm không khí khiến trên một triệu người phải chết sớm tại Trung Quốc, nơi mà cách đây vài năm, hơn 100 triệu người dân tại đây được khuyên nên ở trong nhà sau khi có đến ít nhất 10 thành phố ban lệnh báo động đỏ do ô nhiễm khói mù.

Trong khi đó theo số liệu do Tổ chức Y tế Thế giới công bố hồi tháng 5 năm nay, hơn 60.000 người tử vong trong năm 2016 do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí.
Hơn 90% dân số thế giới đang phải chịu đựng không khí bị ô nhiễm và ngày càng có nhiều cuộc nghiên cứu chứng tỏ những tác hại rất lớn của tình trạng ô nhiễm đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.
Mặt khác, theo báo Hindustan Times, có đến 14 trong danh sách 15 thành phố có độ ô nhiễm không khí tệ hại nhất thế giới đều thuộc Ấn Độ.

Ô nhiễm không khí được xác định là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm cho người dân Ấn như ung thư, bệnh phổi, tim mạch và các bệnh hô hấp cấp tính, sinh non…

Hindustan Times còn ghi nhận tỉ lệ khá cao trẻ em ở nước này bị ảnh hưởng ở phổi và não do ô nhiễm đến mức không hồi phục được. Ấn Độ cũng có tỉ lệ người chết vì các bệnh hô hấp mãn tính và suyễn cao nhất thế giới.

Theo báo Hindustan Times, đây là cuộc khủng hoảng y tế cấp quốc gia và đòi hỏi những hành động phản ứng khẩn cấp.
Còn tại Úc?

Ở Úc thì các nhà chuyên môn cho biết bất kỳ ngôi nhà nào cũng chứa một số chất hóa học ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người. Một số hóa chất gây ô nhiễm không khí trong nhà bao gồm:

Amoniac: có trong các chất tẩy rửa, nước cọ sàn, phân bón, các linh kiện máy tính. Tiếp xúc với chất này trong thời gian ngắn có thể khiến mắt dị ứng, ho và đau họng.

Benzene: Có trong các đồ nhựa, sợi tổng hợp, chất đánh bóng, cao su, thuốc trừ sâu, các sản phẩm làm sạch… Chất này tích lũy trong các mô mỡ và có thể gây bệnh bạch cầu, kích thích thần kinh, khó thở, co giật.

Formaldehyde: có trong đồ đạc nội thất như giường, sofa, đệm; thảm, keo dính, sơn… Chất này có thể gây dị ứng, kích ứng niêm mạc, hen suyễn và các bệnh da liễu khác.

Trichloroethylene: có trong mực in, sơn, chất tẩy rửa… Đây là một chất gây ung thư mạnh, có thể gây kích ứng da và mắt, tổn thương gan và thận, kích thích thần kinh.

Xylen: Hiện diện trong cao su, các sản phẩm thuộc da, ngành công nghiệp sơn, khói thuốc và khói xe cộ. Tiếp xúc với xylen trong thời gian gắn có thể khiến miệng và họng khó chịu, chóng mặt, đau đầu, lú lẫn, các vấn đề về tim,  ảnh hưởng đến gan, thận, thậm chị có thể gây hôn mê.

Làm thế nào để bớt bị ảnh hưởng bởi những hóa chất này?

Theo các nhà chuyên môn, chúng ta có thể tránh dùng những sản phầm vừa kể hoặc thay chúng bằng những sản phẩm tự nhiên hay ít chứa hóa chất hơn, chẳng hạn thay các hóa chất tẩy rửa bằng chanh, giấm vv..., và nhất là tránh cho trẻ em tiếp xúc thường xuyên với các chất này. 

Bên cạnh đó, một số loại cây trồng trong nhà có thể đóng vai trò như những bộ lọc không khí tự nhiên.

Xin nhắc lại, hồi cuối thập niên 80, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ NASA đã tiến hành một nghiên cứu để xác định các loại cây xanh có khả năng lọc các tác nhân độc hại trong không khí một cách hiệu quả nhất, đồng thời cũng có khả năng chuyển hóa carbon dioxide thành oxygen.

Đến năm 1989, NASA đã công bố kết quả cuộc nghiên cứu Clean Air Study với danh sách các loại cây trồng hiệu quả nhất trong việc làm sạch không khí trong nhà. Cuộc nghiên cứu này cũng gợi ý nên có ít nhất một cây xanh trên mỗi mười mét vuông diện tích nhà ở hoặc không gian văn phòng. Và cây càng to và nhiều lá thì hiệu quả mang lại càng cao.

Theo NASA, 18 loại cây trong phần linh dưới đây là những nhà máy thiên nhiên lọc không khí tuyệt vời, có thể giúp lọc những chất độc trong không khí và giúp việc hít thở được dễ dàng hơn.
Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

 


Share
Published 31 October 2018 8:27pm
Updated 31 October 2018 8:30pm


Share this with family and friends