Sydney có thể rất đẹp và giàu có với nhiều danh lam thắng cảnh, bãi biển, bờ vịnh đầy ắp du thuyền, các siêu thị sang trọng, các công viên xanh tươi và bãi cỏ trải dài ngút tầm mắt. Nhưng đó là vẻ ngoài hào nhoáng và không dành cho một số người.
Cô Ánh Nguyễn sống tại vùng Fairfield nay đã 65 tuổi.
Cô vẫn tiếp tục làm ở hãng đóng gói bao bì một tuần ba buổi và phải share nhà với con gái để cùng trả tiền mortgage.
“Mình làm ở hãng đã hơn 10 năm, hồi xưa làm full-time bây giờ thì làm part-time một tuần 3 buổi. Bây giờ chân tay không được khoẻ như ngày xưa nên cũng thấy cực nhọc lắm. Nhưng trong hãng còn có nhiều người lớn tuổi hơn mình nữa. Họ vẫn làm lâu nay mà không có nghỉ. Có người cũng gần 70 tuổi rồi vẫn còn đi làm. Chị thấy mình già rồi, sức khoẻ không bảo đảm nên chắc sắp tới sẽ xin làm ít ngày lại rồi nghỉ luôn.”
Khi hỏi cô có kế hoạch gì cho tương lai sau khi nghỉ làm ở hãng không, thì cô chỉ cười trừ. Cô nói còn nhiều người khó khăn hơn mình nhiều lắm, em tìm hiểu thêm xung quanh sẽ thấy, cô cũng còn sống được và còn làm việc được.
Tuy nhiên, cũng như nhiều người cao niên tại vùng Fairfield, vốn còn làm việc tại các hãng xưởng và mang trong tay một món nợ vay mua nhà lớn cần phải trả, họ đã phải xoay sở kiếm thêm những ‘job’ khác mà theo cô Ánh, phổ biến nhất là làm homestay cho du học sinh thuê ở, nếu mình có dư phòng.
Một người cao niên gần 70 tuổi cũng sống tại Fairfield xin được giấu tên kể rằng đa số tuổi cao niên người Việt ở trong vùng thì ai cũng làm thêm job này kia để trả khoản nợ tiền nhà.
Nếu nhà đang có dư phòng, họ thường làm carer, bằng cách liên hệ với một trung tâm homestay, đăng ký nhận nuôi các du học sinh hoặc sinh viên dưới 18 tuổi người Việt hoặc ngoại quốc qua Sydney học.
Các em là học sinh dưới 18 tuổi nên người carer phải làm giấy tờ Police Check, Working with Children Check và họ sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trong thời gian các em học ở Sydney và sống trong nhà họ. Bác cao niên giấu tên kể:
“Mình nhận chăm sóc và giám hộ các em, nấu ăn cho các em mỗi ngày. Phụ huynh của các em sẽ trả tiền cho công ty homestay và công ty sau đó trả tiền lại cho chủ nhà, tức là mình. Công việc làm thêm này đa số là cực nhọc cái phần trách nhiệm, vì có chuyện gì nhà trường cũng kêu. Tiếp theo là phải lo đầy đủ ba bữa ăn cho các em, mà với lứa tuổi cao niên vừa đi làm vừa làm thêm việc homestay, thì không biết còn có thể lo liệu được ba bữa ăn đến bao giờ”.
Nhiều người cao niên có thể xoay sở các cách kiếm tiền khác chẳng hạn nhận giữ dùm trẻ nhỏ tại gia theo ngày, giúp cho các du học sinh hoặc công nhân viên, mà không tham gia một trung tâm giữ trẻ chính quy nào.
Thư Nguyễn, một du học sinh tại vùng Inner West kể hai vợ chồng em lúc mới qua Úc học thì có em bé. Khi em bé mới 1 tuổi mà hai vợ chồng đều phải đi làm thêm để vừa kiếm tiền trả học phí, vừa trang trải chi tiêu cho cuộc sống, em đã gởi con cho một bác cao niên ở gần nhà để có thời gian đi làm.
“Tụi em được bạn bè người Việt chung quanh giới thiệu bác nên đã đến gặp bác và trả cho bác 60 đô la một ngày để nhờ bác trông giúp cháu bé mới 14 tháng. Em nhờ bác giữ hơn một năm thì bác nói bác bị huyết áp có thể không làm tiếp được, thì em lại chuyển sang gởi bé cho một bác trai khác gần nhà, trả cho bác 50 đô la một ngày để bác giữ cháu dùm.”
Đó là những cô bác cao niên vẫn đang cố gắng đi làm mỗi ngày, rồi làm thêm tại gia để trang trải mortgage hoặc share chung nhà với con cái, nhằm phụ phần nào, giữa lúc lợi tức vay mortgage đang tăng liên tiếp trong 11 tháng qua.
Trong khi đó, tình hình các gia đình trẻ cũng chật vật không kém.
Phương Đinh và chồng đều đi làm toàn thời gian, dành dụm và mua được căn chung cư nhỏ đầu tiên từ năm 2019. Lúc đó theo lời Phương thì khoản vay khá cao nhưng cô được nhận mức lãi suất vay chỉ chưa tới 2%.
Vì vậy một tháng tiền nhà trả chủ yếu gần 2000 đô la, và lãi suất thêm 600 đô la nữa.
“Hai vợ chồng đang còn trẻ có thể làm việc và tiết kiệm nên tụi em rất cố gắng. Sau khi mua nhà được một năm vẫn thấy tạm ổn, tụi em không vay “fixed term” mà để thả nổi nên thậm chí có lúc lãi suất chỉ có khoảng 1.98%, tụi em rất là mừng. Tuy nhiên sau khi COVID ập đến thì em đột ngột bị mất việc. Đó cũng là khoảng thời gian em mang thai đứa con đầu lòng. Kể từ đó trở đi, lãi suất bắt đầu tăng liên tục đến giờ. Từ chỗ trả một tháng khoảng 2600 – 2700 thì đến nay tụi em phải trả một tháng gần 5000 đô la chỉ tính riêng principal cộng thêm interest 1600 – 1700 đô la nữa”.
Phương kể bao nhiêu tiền lương hai vợ chồng làm ra thì đều bỏ vào tiền nhà, một phần nhỏ dành để nuôi em bé và phần còn lại là để trả cho các tiện ích căn bản như hoá đơn và chi tiêu ăn uống.
“Tiền gì cũng tăng nên tụi em đâu có đi chợ thường, lâu lắm mới đi chợ một lần. Ngày trước chồng em đi làm nửa cuối tuần, tức nửa ngày thứ 7 và nửa ngày chủ nhật thôi, còn bây giờ là ảnh phải tăng lên làm luôn hai ngày cuối tuần để có thêm thu nhập. Vì vậy cả thứ 7 và chủ nhật ảnh đều đi làm hết. Hai vợ chồng bây giờ như mặt trăng mặt trời không thể gặp nhau được trừ khi có lúc nào xin nghỉ. Ngoài ra, em đang phải trả thêm tiền childcare cho con để em đi làm trở lại.”
Phương nhẩm tính cuộc sống bắt đầu chật hẹp hơn rất nhiều kể từ khi con của cô được 6 tháng. Cả nhà đã thắt chặt chi tiêu, không dám đi ăn ở ngoài. Thậm chí mua thực phẩm chỉ canh đồ giảm giá.
“Chồng em cũng cắt luôn không uống cà phê nữa. Em thì xin làm các công việc có thể làm ở nhà (WFH) để tiện trông con, nhưng nay không còn nhiều cơ hội có thể WFH được nữa nên em phải gởi con để đi làm. Ngoài ra em bắt đầu đi dạy yoga ở studio hoặc phòng gym vào các buổi sáng sớm và buổi chiều sau khi đi làm về, để kiếm thêm thu nhập. Đây là công việc thứ hai của em ngoài việc làm toàn thời gian ở công ty.”
Phương nói gia đình hai bên không thể hỗ trợ tài chánh, dù là lúc mua nhà hay lúc khó khăn như hiện nay. Có một thời gian cô đã ráng dành dụm một chút tiền phòng khi lãi suất tăng lên, nhưng số tiền đó theo lời Phương bây giờ chỉ như gió vào nhà trống.
“Có chật vật thì tụi em luôn tự nhủ, mình tiết kiệm mỗi ngày để trả tiền nhà hàng tháng, đó là món tiền mình đã tiên liệu. Nhưng có những món tiền như tiền council lâu lâu cũng tăng, rồi strata sửa sang lại trong toà nhà thì tụi em phải đóng tiền các khoản sửa sang đó, ít nhất cũng 1000 mà nhiều thì có lần tới 20000, cái lần họ sửa hệ thống chống thấm nước. Sau những lần như vậy giống như tụi em lại trắng tay phải để dành lại từ đầu. Tình hình tới giờ tụi em vẫn đang cố gắng nhưng mọi thứ cao quá, nên mình có cảm giác như mình sống chỉ để trả tiền nhà.”
Đón đọc: Gian nan kiếp sống nhà thuê
READ MORE
Tìm hiểu nước Úc