Trước đó... Ngày 27 tháng 03 nảm 1975, người viết đưa vợ con lên máy bay về Sài Gòn. Tại bãi đậu C130 ở phi trường Đà Nãng, gặp Chuẩn tướng Lê Ngọc Triển, đặc trách bình định và phát triển QĐ1, ông bảo người viết ''Sao em không đi luôn?".
Người viết trả lời theo lễ nghi quân cách "Dạ phải chờ lệnh thưa Chuẩn tướng". Ông cười khẩy. Nụ cười của ông theo người viết không chỉ trong những năm tù "cải tạo" mà cho tới đến bây giờ!
Trên chiếc trực thăng UH1-H, lúc đó mọi phi cụ, người viết thuộc lòng như bây giờ lái chiếc xe hơi. Có cả gạt tàn và mồi lửa điện châm thuốc lá để hút, cũng như hệ thống truyền thanh để nghe chương trình phát thanh 24/24. Vào ngày 10/03/1975, Quân Đoàn 2 rút khỏi cao nguyên Pleiku, sau khi Việt cộng tấn công Ban Mê Thuột.
Phi vụ tại Huế cuối cùng của trực thăng vào ngày 28 tháng 03 năm 1975, người viết và Đại úy Nguyễn Trung Hiếu, trưởng phòng huấn luyện Phi Đoàn (PĐ) 257.
PĐ tải thương duy nhất của Không Quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Quân Đoàn 1. Các Quân Đoàn kia chỉ có biệt đội mà thôi. Hiếu và người viết bay ra để bốc biệt đội kiểm soát không lưu tại Phi trường Phú Bài (Huế) về phi trường Đà Nẵng và từ giờ phút này Huế bỏ ngõ.
Tối ngày 29/03/75 phi trường Đà Nẵng bị pháo kích. Phòng Hành Quân Chiến Cuộc Không Đoàn 51/SĐ1/KQ ra lệnh dời tất cả máy bay trực thăng khiển dụng qua phi trường Non Nước. Các trưởng phi cơ và phi hành đoàn đã chuẩn bị sẵn dều thi hành lệnh.
Sau khi cất cánh Đại Úy Hiếu đang bay một chiếc khác và gọi bảo người viết qua tần số nội bộ, vì người viết và Hiếu biết nhau khi còn bên trường bay ở Mỹ, Hiếu sau người viết hai khóa. Những ngày cuối cùng Hiếu xin người viết về cùng Phi Đoàn 257 với anh.
Hiếu gọi người viết: "Ê Charlie" (tên của người viết khi bay hành quân) "Hiện thời 3 sao (Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1) đang trên tàu của Hotel (tên Hiếu khi bay) và có thể sẽ bay ra đáp trên tàu Hải Quân. Sè báo cho Charlie khi có tin mới''. Trong thời gian này máy bay F5, A37 và L19 cất cánh liên tục rời phi trường Đà Nẵng để bay về phía Nam.
Sau khi đáp xuống Non Nước, người viết tắt máy phi cơ, nhưng vẫn giữ liên lạc với Hiếu qua hệ thống điện đàm trên tàu. Bỗng Thiếu Tướng Điềm, Tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh đập vai người viết và hỏi "Tàu còn trống chỗ không Trung Úy?". Người viết đáp "Dạ thưa Thiếu tướng tàu quá tải". Ông ta bỏ đi đến tàu kế.
Trong đêm này ông lên phi cơ của Trung Tá Lê Ngọc Bình, Phi đoàn trưởng PĐ 257 và bị rơi ngoài bãi biển Sa Huỳnh gần Qui Nhơn, Thiếu tướng Điềm tử nạn cùng tất cả hơn 10 người, kể cả Đại Úy Nguyễn Văn Tạng, phi công phụ, trừ mỗi Trung Tá Binh sống sót, vì ông có mang phao cấp cứu phi hành.
Đại úy Hiếu gọi Charlie: "3 sao vào hầm chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến rồi, Hotel free" (tự do không ràng buộc với ông Tướng nữa). Phi công chính của Trung tướng Trưởng là Đại Úy Kim (Gốc Biệt Động Quân đêm đó vắng mặt nên mới gọi Đại Úy Hiếu bay thế).
Sau này biết được Trung Tướng Trưởng phải cùng bơi ra tàu Hải Quân với Phó Đề Đốc Hồ Vản Kỳ Thoại, Tư lệnh Vùng 1 Duyên Hải của Hải Quân VNCH.Trở lại với tình hình tại phi trường Non Nước, do Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) trấn giữ và sau này được biết là lúc đó TQLC đang áp lực lên Hải Quân để di tản khỏi Đà Nẵng, vì họ sợ bị kẹt giống như ở cửa Tư Hiền, Huế của những hôm trước do sóng quá lớn nên tàu không cập bến để bốc được.
Tác giả Võ Minh Cương lúc tu nghiệp ở Hoa Kỳ năm 1969. Source: Supplied
Đại Úy Hiếu gọi: "Charlie, Bravo (TT Bình) cho lệnh từ giờ phút này tất cả các trưởng phi cơ toàn quyền quyết định".
Hầu như các máy bay trực thăng dều cất cánh khỏi Non Nước. Máy bay của Đại Úy Nguyễn Bình, trưởng phòng Hành quân PĐ 257, Đại Úy Vũ Văn Hiền,trưởng phòng An phi của PĐ 257,Thiếu Úy Hồ Xuân Đạt (PĐ257) nhập chung vào chiếc của người viết cất cánh, rời Non Nước khoảng 12 giờ đêm 29/03/1975.
Đêm đó trần mây thấp sát mặt đất, trực thăng không thể lên cao được, tàu chúng tôi bay tới Chu Lai bị VC dưới đất bắn lên, Thiếu Úy Đạt bị thương ở đầu. Người viết mở hộp cứu thương trên tàu băng bó cho Đạt và người viết lên ghế phải lái thay cho Đạt.
Bay đến Sa Huỳnh từ dưới đất bắn lên nữa, lại trúng Đạt phía sau lần nữa và tàu báo hiệu chong chóng đuôi bị hỏng, khoảng 15 phút tàu sẽ tắt máy.
Đại Úy Bình đang cầm lái, tàu bị mất vòng quay, giật mạnh, người viết chụp cần lái và đáp xuống dãy ruộng dưới chân đèo Bình Đê, cách Phù Cát khoảng 10 phút bay.
Sau khi hạ cánh an toàn, người viết quay qua Đại Úy Bình, ngồi bay bên ghế trái, thì thấy máu từ màng tang chảy ra. Người viết áp tai vào ngực thì tim anh hết đập. Người viết quay xuống dưới ghé tai vào ngực Đạt thì tim anh cũng ngừng.
Người viết nhìn ra phía sau tất cả 28 người đều chạy biến mất vào rừng. Người viết chạy vào rừng cởi bỏ áo lính sáu túi và cởi dây thẻ bài treo trên một cành cây trong rừng, hy vọng ngày nào đó trở lại lấy, tới giờ này có lẽ vẫn còn đó. Vẫn còn hy vọng.
Người viết gọi máy cho phi trường Phù Cát và có 3 chiếc trực thăng từ Phù Cát (PĐ243) ra cấp cứu, nhưng Việt cộng bao vây bắn B40 nên không bốc người viết lên tàu được!
Sau đó người viết bị du kích Việt cộng bắt trao cho bộ đội, họ lột giày, tịch thu 40 ngàn đồng VNCH, dẫn đi chân đất giống như hình ảnh Việt Minh dẫn tù binh Pháp trong trận Điện Biên Phủ vào năm 1954.
Người viết đi chân không khoảng 50 cây số đường rừng tới trại tù cải tạo trên dãy Trường Sơn. Bị tù "cải tạo" 7 nảm, qua nhiều trại giam và cuối cùng về Sài Gòn vượt biển tới Pula Bidong (Mã Lai), qua Úc tháng 2/1983.
Hàng năm tại Úc từ 30/04/1983 tới giờ người viết dều tham dự biểu tình do CĐNVTD/UC tổ chức trước "sứ quán" cộng sản VN ở Canberra , trừ hai năm 2020 và 2021 bị cúm Tàu cộng nên chỉ được tổ chức tại từng các tiểu bang mà thôi.Có lẽ cảm tưởng hàng năm vào ngày 30/04 của người viết giống như mọi đồng hương tại Úc. Tuy nhiên người viết tâm đắc nhất là lời của ngài Jean-Marie Mérillon, đại sứ Pháp cho Việt Nam Cộng Hòa, vào ngày 01/05/1975, khi rời nhiệm sở tại Sài Gòn. Ông viết hồi ký, đoạn về 30/04/1975, bản dịch trong tuyển tập Tướng Nguyễn Khoa Nam. Xin trích sau đây..
Tác giả Võ Minh Cương trong vai trò Chủ tịch CĐNVTD gặp Thủ tướng Paul Keating tại quốc hội liên bang năm 1993. Source: Supplied
"Lúc phi cơ xoay qua một độ nghiêng, lấy hướng qua Bangkok, tôi nhìn xuống Sài Gòn lần chót. Tự nhiên trong lòng tôi dâng lên một niềm ngậm ngùi thương tiếc cả những gì đang xảy ra dưới đất. Tôi như người bại trận, hay nói cách khác, tôi xin được làm bạn với người bại trận, một người bạn đã không chia xẻ mà còn bắt buộc Việt Nam Cộng Hòa phải gánh chịu hết tất cả... trong những ngày sắp tới".
"Việt Nam và tôi có rất nhiều kỷ niệm, có quá nhiều quan hệ mật thiết suốt đời không phai lạt. Sống ở Việt Nam lâu năm, tôi cảm thấy thương xứ sở này. Tội nghiệp cho họ, họ có thừa khả năng dựng nước, nhưng cái quyền làm chủ quê hương đã bị các cường quốc chuyền tay nhau định đoạt. Tôi xin lỗi người Việt Nam. Tôi đã làm hết sức mình nhưng không cứu vãn được nền hòa bình cho dân tộc Việt. Vĩnh biệt Sài Gòn, Sài Gòn vẫn hồn nhiên với những mạch sống dạt dào ơn nghĩa, một khi đã chọn bạn hữu thâm giao".
"Năm 1979, Đại sứ Võ văn Sung có thư mời tôi trở lại thăm Sài Gòn. Tôi từ chối với lý do không quen với cái tên Hồ chí Minh. Sài Gòn đã mất, tôi trở lại đó thăm ai? Ở đời có khéo lắm cũng chỉ gạt được người ta lần thứ hai, làm sao lừa dối được người ta lần thứ ba?"
"Người cộng sản giả bộ ngây thơ (ở một khía cạnh nào đó) nên tưởng nhân loại cũng đều ngây thơ như họ. Liên tục nói dối hàng bao nhiêu năm, tưởng như vậy quần chúng sẽ nhập tâm tin là thật. Họ lầm. Nói láo để tuyên truyền chỉ có lợi trong chốc lát, nhưng về lâu về dài thì chân lý của loài người sẽ đè bẹp họ. … Sau hết, chế độ Việt Nam Cộng Hòa thua, nhưng thật ra người Việt Nam chưa thua cộng sản. Trận chiến chưa chấm dứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975" (Jean-Marie Mérillon).
Một người ngoại quốc trải lòng với Việt Nam như vậy đó. Còn chúng ta?