Nền "kinh tế chia sẻ"
Được sáng lập năm 2008 tại San Francisco, Airbnb là trang mạng chia sẻ chỗ ở lớn nhất thế giới với danh sách hơn hai triệu nhà cho thuê tại 191 quốc gia. Chủ nhà có thể niêm yết cho thuê phòng hay toàn bộ nhà trên website và đặt giá, khách du lịch có thể xem danh sách nhà và chọn nơi họ muốn ở.
Airbnb lấy một khoản lệ phí nhỏ nếu ai đó thuê nhà. Theo Sam McDonagh, giám đốc điều hành của Airbnb tại Úc, Úc là thị trường chính của công ty này.
"Hiện có hơn 83 nghìn nhà niêm yết tại Úc và gần 70% người Úc biết đến Airbnb,” ông nói.
Mô hình kinh tế chia sẻ đã rất phát triển trên thế giới với nhiều dịch vụ ra đời như cho đi nhờ xe, cho thuê hướng dẫn viên du lịch bản địa, cho thuê phòng, nhà ở…
Trong đó Airbnb là dịch vụ cho thuê nhà ở, phòng nghỉ rất nổi tiếng được nhiều du khách lựa chọn khi đến một vùng đất nào đó. Ai có phòng trống, nhà trống có thể ghi danh làm thành viên của Airbnb và sau khi được Airbnb xác nhận là có thể đón khách từ khắp nơi trên thế giới.
Qúy vị sẽ được trải nghiệm cuộc sống "phiêu lưu" hơn khi sống chung trong cộng đồng người dân bản xứ, thay vì ở khách sạn, bù lại, chi phí rất hợp lý nên ngày càng được nhiều khách du lịch lựa chọn.
Thế nhưng mới đây ACCC Uỷ ban Giám sát Cạnh tranh và Tiêu thụ Úc cảnh báo du khách nên chú ý đến các mánh lừa đảo phổ biến, đã móc túi người tiêu thụ hàng ngàn đô la, lợi dụng các trang mạng sử dụng mô hình kinh tế chia sẻ như Airbnb.Có bao nhiêu vụ lừa, số tiền thiệt hại?
Một ngôi nhà giả mạo được đăng trên trang mạng Airbnb Source: Airbnb
ACCC đã nhận được hơn 150 báo cáo về các vụ lừa đảo trên các trang web như Airbnb chỉ riêng trong năm nay, với hơn $80,000 bị kẻ gian “nẫng túi”. Con số này gấp ba so với số báo cáo trong năm 2015, với $65,000 bị kẻ gian lừa đảo.
Hình thức mà chúng sử dụng là làm ra những trang mạng giả mạo, và yêu cầu nạn nhân thanh toán hoặc chuyển tiền qua một trung gian.
Phó chủ tịch của ACCC, Delia Rickard chia sẻ: “Khi quý vị đặt phòng, kẻ gian sẽ dẫn quý vị đến một trang mạng khác và yêu cầu quý vị chuyển tiền trực tiếp cho chúng hoặc qua các dịch vụ chuyển tiền nhanh như Western Union hay MoneyGram. Những nhà cung cấp dịch vụ này sẽ không hoàn trả tiền khi quý vị phát hiện mình bị lừa và yêu cầu lấy lại tiền".
Bà Delia Rickard nói thêm: "Một số trường hợp nạn nhân cho biết kẻ lừa đảo tạo phiên bản giả của trang mạng nhìn trông rất thật, để bọn chúng có thể sử dụng để thu thập thông tin cá nhân và thông tin ngân hàng của nạn nhân."
Số nạn nhân bị lừa đảo gián tiếp qua Airbnb ngày một nhiều, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ FTC tiết lộ vào năm ngoái có nạn nhân đã bị mất một khoản tiền lớn khoảng $5200.
Một khiếu nại đến FTC cho biết: "Tôi muốn đặt một ngôi nhà cho kỳ nghỉ mùa đông của mình trên Airbnb. Cuối cùng tôi đã chuyển tiền cho một quảng cáo giả mạo, và mất $5107”.
Bà Rickard cho biết kẻ lừa đảo có thể gửi email "xác nhận" kèm theo logo hoặc địa chỉ email bắt chước y như thật. Người dùng không nên bấm vào đường link trong email hoặc trả lời cho họ.
“Khi quý vị đặt phòng, kẻ gian sẽ dẫn quý vị đến một trang mạng khác và yêu cầu quý vị chuyển tiền trực tiếp cho chúng hoặc qua các dịch vụ chuyển tiền nhanh như Western Union hay MoneyGram". Delia Rickard
"Qúy vị nên kiểm tra xem địa chỉ URL, trang web hoặc địa chỉ email có chính xác hay không và lưu ý đường link có thể chuyển hướng quý vị tới một trang web giả mạo trông giống như trang web hợp pháp," bà Rickard nói.
Bà khuyên người tiêu thụ nên thanh toán đặt phòng qua hệ thống thanh toán an toàn mà Airbnb đã đề nghị làm bên thứ ba”.
"Thanh toán qua hệ thống của Airbnb sẽ an toàn cho cả chủ nhà và khách hàng trong trường hợp họ muốn hoàn lại tiền, chính sách hủy phòng và giải quyết tranh chấp khi có các vấn đề phát sinh," bà nói.