Người phụ nữ gốc Việt nhận giải thưởng cao quý Victoria Senior Australian Of The Year 2021

Bà Huỳnh Bích Cẩm, một người tỵ nạn đến Úc năm 1975, nhà sáng lập và là CEO của Hội Phụ nữ Việt Úc (AVWA), đã được nhận giải thưởng Senior Australian of the Year 2021 của tiểu bang Victoria dành cho những đóng góp to lớn cho cộng đồng từ năm 1983 đến nay.

Huynh Bich Cam - senior of the year 2021

Huynh Bich Cam - Australian senior of the year 2021 Source: Australian of the Year

Giải thưởng Người Úc Của Năm 2021 – Australian of the Year 2021 - do dân chúng đề nghị đã được Hội đồng Australia Day xét chọn và trao giải vào đêm trước ngày Australia Day. Năm nay đã có một người gốc Việt được trao giải thưởng cao quý này.

Đó là bà Huỳnh Bích Cẩm, 80 tuổi, hiện là Tổng Thư Ký kiêm Tổng Giám Đốc của Hội Phụ Nữ Việt Úc (AVWA). Bà vừa được nhận giải thưởng Người Úc Của Năm 2021 ở hạng mục Người Cao niên của tiểu bang Victoria, một giải thưởng nhằm vinh danh những người có sức ảnh hưởng cũng như thành tựu trong việc phục vụ cộng đồng ở nhiều lĩnh vực.
Victoria Australian of the Year
Bich Cam Nguyen - Victoria Australian of the Year 2021 Source: Australian of the Year
Bà Cẩm đã đảm nhận các vai trò quan trọng khác nhau trong Hội Phụ nữ Việt Úc từ ngày mới thành lập. Chỉ từ vài nhân viên lúc mới thành lập, hiện nay số nhân viên chính thức đã lên tới 200 cùng nhiều thiện nguyên viên và ba văn phòng tại Melbourne, Hội AVWA ngày càng lớn mạnh và phát triển vượt bậc, góp phần không nhỏ trong việc giúp đỡ người tị nạn và di dân đến từ khắp nơi trên thế giới, giúp họ cảm thấy được hỗ trợ để nâng cao sự tự tin và được trân trọng.
Bà Huỳnh Bích Cẩm đã dành thời gian để trò chuyện với SBS Việt ngữ về cuộc đời cũng như quá trình điều hành Hội Phụ nữ Việt Úc. Ở tuổi 80, bà vẫn năng động, minh mẫn, khỏe mạnh và đầy nhiệt huyết. Bà kể mỗi ngày bà vẫn cập nhật cách sử dụng công nghệ, đọc tin tức, đi tập gym, bơi lội để giúp cho mình có một sức khỏe tốt. Ngoài ra, công việc phục vụ cộng đồng và việc gặp gỡ, làm việc với nhiều cá nhân, hội đoàn cũng giúp cho bà một lối suy nghĩ tích cực, góp phần không nhỏ trong việc duy trì sức khỏe tinh thần.

“Từ ngày qua Úc tới nay tôi vẫn chưa lãnh một đồng trợ cấp thất nghiệp nào,” bà cười nói. “Bác sĩ nói tôi có gien tốt, và tôi vẫn còn cảm thấy nhiều sức khỏe để làm việc.”

Biến cố 30/4/1975: từ phu nhân của Đại sứ VNCH trở thành người tỵ nạn Úc

Bà Huỳnh Bích Cẩm sang Anh du học năm 16 tuổi và tốt nghiệp Thạc sỹ Kinh tế Đại học Cambridge ở Anh. Bà quen và kết hôn với ông Nguyễn Triệu Đan, khi đó đang là tùy viên của Đại sứ quán Việt Nam Cộng Hòa ở Luân Đôn.

Vào thời điểm sắp xảy ra biến cố 30/4/1975, ông Nguyễn Triệu Đan đã là Đại sứ ở Tokyo, Nhật Bản. Bà Cẩm hồi tưởng lại thời điểm đó:

“Cả tháng 4/1975 như một ác mộng dài. Mỗi ngày báo chí cứ đưa tin mất tỉnh này, mất tỉnh kia, các thông tin cứ dồn dập. Đến ngày 30/4 thì Bộ Ngoại giao gửi một thông điệp cuối cùng đến sứ quán, nói rằng … hết rồi.

“Chúng tôi lúc đó có thể chọn đi Mỹ, Anh, Pháp … bất cứ xứ nào, nhưng gia đình chúng tôi chọn Úc vì chúng tôi muốn đến một xã hội chấp nhận di dân, để con mình lớn lên trong một môi trường, một xã hội mà chúng có thể hòa nhập và đóng góp.”

Vậy là bà Cẩm cùng gia đình bao gồm hai vợ chồng bà, 4 người con và mẹ ruột đến Úc với tư cách tỵ nạn vào năm 1975. Được một người quen giới thiệu, gia đình bà đã chọn Melbourne thay vì Adelaide như dự tính ban đầu.
2019-2020 AVWA Committee
2019-2020 AVWA Committee Source: AVWA
Dù có bằng cấp kinh tế của Đại học Cambridge nhưng chưa từng có kinh nghiệm làm việc, bà đã được giới thiệu làm phụ tá công việc ghi chép sổ sách, đó là công việc đầu tiên của bà tại Úc. Sau đó bà làm việc cho Dịch vụ Dạy tiếng Anh cho Di dân (AMES) với tư cách là một giáo viên và sau đó là hiệu trưởng. Chính trong thời gian này, bà hiểu được những nhu cầu cũng như những khó khăn của cộng đồng di dân, và đó cũng chính là tiền đề để bà thực hiện quyết tâm mở một dịch vụ giúp đỡ những người mới đến.

“Tôi có kinh nghiệm tiếp xúc với rất nhiều sắc dân khác nhau, đặc biệt là người Việt Nam. Tôi nhận thấy người Việt mình khi đó học tiếng Anh rất khó và rất thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ ở Úc.

Hội Phụ nữ Việt Úc - Tiếng nói bênh vực cho cộng đồng di dân Việt tại Úc

Vào ngày 15/1/ 1983, với sự hỗ trợ của 16 chị em phụ nữ khác, bà Huỳnh Bích Cẩm đã thành lập Hội Tương Trợ Phụ Nữ Việt Úc (nay là Hội Phụ Nữ Việt Úc). Bà vừa chăm lo cho gia đình vừa làm việc toàn thời gian cho sự phát triển của Hội. Bà kể thời gian đầu chỉ làm việc qua điện thoại vì cũng chưa có văn phòng, mãi sáu tháng sau, hội mới định ra được các mục tiêu cũng như nội quy của hội.

“Mặc dù có tên là Hội Phụ nữ, nhưng các dịch vụ là dành cho cả nam lẫn nữ. Lúc đó hội không có tài nguyên và cũng chưa biết cách nào xin tài nguyên. Sáu tháng sau chúng tôi được tài trợ $200, mới mua đồ đạc văn phòng phẩm, và mãi đến 2, 3 năm sau mới nhận được nhiều tài trợ.”
Hội Tương trợ Phụ nữ Việt Úc năm 1983
Hội Tương trợ Phụ nữ Việt Úc năm 1983 (bà Huỳnh Bích Cẩm mặc áo dài xanh) Source: AVWA
Công việc của Hội Tương Trợ Phụ nữ Việt Úc ban đầu là hỗ trợ di dân mới sang những dịch vụ thiết yếu ban đầu như tìm nhà, làm giấy tờ, tìm việc làm, tìm trường cho con… nhưng từ đó bà đã nhận ra di dân còn gặp nhiều vấn đề ở mức độ phức tạp hơn.

“Vấn đề không phải chỉ nằm ở di dân Việt thiếu tiếng Anh hay khó hòa nhập, mà còn nằm ở thái độ kỳ thị của người dân Úc. Trên báo chí khi đó có nhiều bài viết chê bai di dân Việt khiến dân chúng Úc lo ngại.

“Tôi khi đó đã làm cả nhiệm vụ viết bài gửi cho các báo để giải thích và bảo vệ, bênh vực cho cộng đồng người Việt. Những bài viết của tôi được đăng trên các báo The Age, Herald Sun.

"Có một bài viết của tôi gửi cho tờ Herald Sun được đăng, phản đối lại ý kiến của một giáo sư có ý kỳ thị người Việt trên báo chí với tựa đề 'Viet Mom tackles Blainey', từ đó không thấy ông ta lên tiếng nữa.”
Huynh Bich Cam's feature on the Age newspaper
Source: AVWA
Ban đầu, Hội Phụ nữ Việt Úc chỉ tập trung giúp đỡ cộng đồng người Việt, nhưng sau đó Hội dần mở rộng sự trợ giúp cho các sắc dân khác ở lĩnh vực tìm việc làm và tổ chức các giải thể dục thể thao.

Năm 1995, bà Huỳnh Bích Cẩm đảm nhận vai trò ủy viên điều hành của Hội Phụ nữ Việt Úc, và đến năm 2004 bà trở thành Tổng Giám đốc của AVWA.

“Mọi người nhận thấy cần phải có một người điều hành chính thức tại chỗ thì công việc mới tiến triển, nên khi đó tôi đã nghỉ việc ở bên giáo dục và về làm CEO cho Hội.”

Từ $200 tài trợ trở thành “Hội trong nhóm triệu đô”, hướng đến tất cả các nhóm cộng đồng từ trẻ em đến người cao niên

Từ một hội vô vụ lợi chưa có tiếng tăm, được tài trợ $200 ban đầu để mua văn phòng phẩm, đến năm 2005 tức một năm sau khi bà Bích Cẩm trở thành CEO hội AVWA, thu nhập của Hội đã tăng lên $1 triệu đô la, và trong tài khóa 2019-20 vừa qua, thu nhập của Hội là $16.2 triệu đô la.

“Trong năm qua do đại dịch nên nhiều tổ chức đã gặp khó khăn, nhưng ở đây chúng tôi mỗi tháng vẫn phải tuyển thêm người, vẫn đều đặn phát triển,” bà Cẩm nói.
Huỳnh Bích Cẩm (thứ tư từ trái sang)
Source: AVWA
Hội cũng đã phát triển mở rộng hoạt động ở mọi lĩnh vực trong cộng đồng như tổ chức các dịch vụ cho người cao niên, nhóm chơi cho trẻ em, tư vấn các vấn đề về gia đình và trẻ em, thông tin hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng, thể thao du ngoạn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành, tổ chức các khóa học nghề, chương trình hỗ trợ tù nhân Việt Nam…

“Tôi nhận thấy nhu cầu được giúp đỡ trong cộng đồng cũng đã thay đổi theo sự phát triển của xã hội. Nếu như trước đây, nhu cầu được giúp đỡ của di dân chỉ xoay quanh các dịch vụ thiết yếu như học tiếng Anh, tìm việc, tìm nhà, nhưng giờ đây, các vấn đề của di dân đã phức tạp hơn như các vấn đề về sức khỏe tâm thần, các vấn đề trong gia đình giữa cha mẹ và con cái, vợ chồng…”
Tháng 1/2018: Kỷ niệm 35 năm AVWA, Quốc Hội Victoria.
Tháng 1/2018: Kỷ niệm 35 năm AVWA, Quốc Hội Victoria. Source: Huỳnh Bích Cẩm
Trong số đó phải kể đến lĩnh vực phát triển mạnh nhất là dịch vụ chăm sóc người cao niên. Hiện tại Hội đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 1,300 người cao niên ở khắp Melbourne.

“Từ năm 1975 đến nay đã là 45 năm, những người di dân sang từ thời gian đó đến nay cũng phải 70 – 80 tuổi, nên cộng đồng người Việt có tỷ lệ người cao niên cao hơn các sắc tộc khác, và nhu cầu cũng nhiều hơn.”

Ngoài ra, một dịch vụ cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các gia đình đó là các Nhóm Chơi Mà Học sinh hoạt ở Richmond, Collingwood, Footscray, Sunshine, St. Albans, Delahey và Springvale. Đây là một chương trình song ngữ hướng đến việc cải thiện mối quan hệ gia đình, đồng thời hỗ trợ giải quyết các vấn đề về giáo dục cho những gia đình người Việt có thu nhập thấp ở các vùng ngoại ô.

Các hoạt động vui chơi trong nhóm được tổ chức bằng tiếng Việt; nơi các bà mẹ Việt có thể chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con; một môi trường để ông bà gắn kết với các cháu; cùng một loạt các sinh hoạt truyền thống- đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam trên đất Úc như Tết Trung thu, rước đèn, múa lân, học và hát tiếng Việt, các tiết mục kể chuyện song ngữ bằng vải để các bé học được cả hai ngôn ngữ Anh-Việt.
Tới nay, Hội đã có 3 cơ sở khang trang ở Melbourne. So với năm 2004, Hội chỉ có 8 nhân viên, đến nay con số này đã lên tới 200 người là nhân viên chính thức, ngoài ra còn có 50 - 60 tình nguyện viên khác.

Trả lời về bí quyết giúp Hội AVWA có sự phát triển lớn mạnh như ngày nay, bà Cẩm nói rằng điều quan trọng là sự làm việc chặt chẽ với nhau, tôn trọng lẫn nhau.

“Thời gian đầu chúng tôi chưa có kinh nghiệm tuyển dụng nhân viên, khi đó chúng tôi chỉ thích nhận những người giỏi có bằng cấp, thế nhưng sau nhiều chuyện xảy ra chúng tôi nhận ra quan trọng phải là những người có tâm, biết thương yêu cộng đồng và đặt mục đích phục vụ cộng đồng lên hàng đầu.”

Giải thưởng Australian of the Year đã vài lần vinh danh những cái tên Việt Nam như Khoa Đỗ (2005) đạo diễn, biên kịch; Lê Thị Thái Tần (1998) nhà sáng lập công ty Emotiv trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share
Published 26 January 2021 10:51am
Updated 15 February 2021 11:19am
By Hương Lan

Share this with family and friends