Lừa đảo từ hình thức bán hàng cho đến hẹn hò qua mạng
Theo Ủy ban người tiêu dùng và cạnh tranh Úc (ACCC), trong năm 2016, số các vụ lừa đảo được báo cáo đã đạt mức kỷ lục, tăng 47% so với năm 2015.
Chỉ riêng năm 2016, ACCC đã nhận được tổng cộng 200,000 báo cáo về các vụ lừa đảo, bao gồm các vụ lừa đảo thông thường và lừa đảo trên mạng, với tổng thiệt hại lên đến gần $300 triệu.
45% nạn nhân của các vụ lừa đảo thông thường thuộc độ tuổi trên 55 tuổi. Các vụ lừa đảo liên quan đến mời gọi đầu tư chiếm tỷ lệ thiệt hại cao nhất $59 triệu, kế đến là lừa đảo hẹn hò với tổng thiệt hại $42 triệu.
ACCC đã phải lên tiếng báo động, phó chủ tịch ACCC, bà Delia Rickard nói
“Chúng tôi yêu cầu người dân Úc phải đề cao cảnh giác. Ngày càng nhiều những kẻ lừa đảo sử dụng mạng xã hội để liên lạc, gài bẫy và săn mồi những nạn nhân ngây thơ.”
Hai hình thức lừa đảo phổ biến nhất mà người dân báo cáo về Scamwatch là lừa đảo dưới hình thức hẹn hò qua mạng và bán hàng.
“Nếu một người xa lạ chỉ mới gặp quý vị trên mạng xã hội nhưng đã hỏi mượn tiền, hãy lập tức cảnh giác. Đừng bao giờ chuyển tiền cho một người quý vị không biết, bởi vì quý vị sẽ không bao giờ gặp lại người đó nữa,” bà Delia Rickard nói.
Các vụ giả làm người bán hàng cũng gia tăng. Các nạn nhân thường báo cáo bắt gặp các trang quảng cáo bán những nhãn hàng nổi tiếng với giá chiết khấu. Những trang bán hàng này là giả mạo, và những món hàng trên trang đó không hề tồn tại.
Bà Rickard chia sẻ
“Nếu quý vị thấy các món hàng được chào bán với giá quá rẻ đến mức bất thường, hãy kiểm tra lại với công ty, kiểm tra trang mạng chính thức của công ty, tìm kiếm các đánh giá về trang mạng này trước khi quyết định mua. Và điều quan trọng là chỉ thanh toán bằng hình thức bảo đảm an toàn như Paypal hoặc thẻ tín dụng.”
Các vụ lừa đảo có thể dưới dạng email của công ty điện Origin Source: Sydney Morning Herald
Các doanh nghiệp cũng trở thành nạn nhân
Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo.
Trong năm 2016, gần 6,000 doanh nghiệp đã báo cáo bị lừa đảo, với tổng thiệt hại lên tới $3.8 triệu, tăng gần 31%.
Các vụ lừa đảo chủ yếu dưới hình thức xâm nhập máy tính cá nhân, các chương trình đầu tư giả mạo và mua bán hàng giả.
Tổ chức Scamwatch đã chỉ ra ba hình thức lừa đảo mà các doanh nghiệp cần cảnh giác
- Ransomware: một phần mềm độc ngăn chặn người dùng truy cập và sử dụng hệ thống máy tính của họ, thường đưa ra các thông điệp cho nạn nhân rằng họ phải nộp 1 khoản tiền vào tài khoản của hacker nếu muốn lấy lại dữ liệu. Cái giá mà Ransomware đưa ra cho nạn nhân cũng rất đa dạng, từ vài chục tới vài ngàn đô la, trung bình ở mức $500 - $600.
Trong năm 2016, số lượng các nạn nhân bị ransomware xâm nhập đã tăng đáng kể, hacker thường giả dạng các công ty có tư cách pháp nhân như Australia Post hoặc các công ty cung cấp điện.
- Lừa đảo bằng chính email doanh nghiệp: ở hình thức này, kẻ lừa đảo bằng cách nào đó lấy được quyền đăng nhập vào email của doanh nghiệp, sau đó dùng chính email này gửi các thư đòi tiền đến các nhà cung cấp, đề nghị chuyển khoản sang một tài khoản mới.
- Lừa đảo đầu tư: đây là hình thức mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, chẳng hạn đầu tư vào thể thao, chứng khoán hay quỹ hưu bổng, và hứa hẹn sẽ trả lợi nhuận, nhưng rốt cuộc chẳng có gì khác hơn là moi tiền của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần biết cách để tự bảo vệ khỏi những chiêu trò lừa đảo
- Luôn rà soát kỹ lưỡng những yêu cầu thanh toán, đồng thời áp dụng quy trình thanh toán rõ ràng, xác minh các tài khoản và hóa đơn.
- Thường xuyên lưu trữ dữ liệu trên máy tính vào một ổ cứng riêng biệt, điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng cài đặt lại chương trình trong trường hợp bị vi-rút máy tính xâm nhập.
- Bảo đảm máy tính đã được cài đặt tường lửa bảo vệ, cập nhật các chương trình diệt vi-rút mới.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại