Anne Dao, một công dân trẻ thế hệ thứ hai ở Úc, đang làm việc tại ngân hàng. Cô tốt nghiệp chuyên ngành tiếp thị, sản xuất phim ảnh và báo chí. Anne Dao cũng là cô gái đại diện tiểu bang New South Wales tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2020 tại Úc năm 2020
Anne Dao kể cho SBS Việt ngữ, biến cố 30/4 đã khiến cuộc sống của gia đình mẹ cô, một gia đình giàu có và có chức sắc trong chế độ cũ, bị đảo lộn.
“Ngày 30 tháng Tư là một trải nghiệm kinh hoàng chắc chắn bà sẽ không bao giờ quên nổi. Mẹ kể hôm đó khi vừa từ trường về nhà thì một qua tên lửa nhỏ bỗng đâu rơi trúng ngay sân nhà.
“Ngôi nhà của ông bà ngoại tôi rất lớn nên may mắn không ai bị thương. Mẹ tôi chạy được vào nhà và cùng mọi người chạy xuống hầm trú ẩn, nơi được ngụy trang như một hầm rượu. Mọi người đã trú trong đó vài giờ cho đến khi tiếng bom ngừng hẳn.
“Và từ ngày đó, cuộc sống của gia đình mẹ tôi đã mãi mãi thay đổi.”Cũng giống như nhiều người Việt sinh ra ở đây có ba mẹ là những người di dân đến Úc sau cuộc chiến Việt Nam, Anne nói cô biết ơn cha mẹ đã làm tất cả những gì có thể cho gia đình và nuôi dạy con cái.
Anne Dao' grandparents and parents Source: Anne Dao
“Cha mẹ tôi gặp nhau ở Úc và sinh ra tôi. Trong quá trình trưởng thành, tôi nghĩ rằng tôi đã được nuôi dưỡng theo cách rất truyền thống, tôi có một đại gia đình. Tất cả chúng tôi sống gần nhau và hầu như mỗi cuối tuần, những cuộc tụ tập giống như một bữa tiệc lớn với 20-30 người ở nhà tôi hoặc nhà các chú tôi.
“Tôi nhận ra rằng có một gia đình thật sự lớn và không phải ai cũng giống như tôi vậy! Tôi sống với ông bà và tôi chỉ nói tiếng Việt ở nhà. Nhờ vậy, tôi thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Việt, tôi xem đó là phần thưởng của mình."
Anne nói với những gì gia đình cô đã từng có ở Việt Nam, thì việc phải ra đi sau ngày 30/4 có lẽ là điều bắt buộc. Biến cố đó đã thay đổi cuộc đời họ mãi mãi, và có thể cũng đã đem theo những hi vọng. Thế nhưng Anne cho rằng cô xem biến cố ấy như một lý do cho việc cô được có mặt ở Úc.
“Cha mẹ tôi trước đây luôn rất ghét nói những vấn đề liên quan đến chiến tranh, nhưng dần dần họ trở nên chấp nhận hơn.
"Tôi hiểu những chuyện trong quá khứ đã ảnh hưởng đến gia đình tôi thế nào, thế nhưng nếu ngày đó không xảy ra, thì tôi có lẽ đã được sinh ra ở Việt Nam chứ không phải Úc và tôi cũng không thể tưởng tượng nếu vậy thì sẽ thế nào.
“Ông ngoại tôi đã từng phải vào tù 3 lần. Nhưng nhìn lại, nếu không có ngày đó thì gia đình tôi đã không hạnh phúc ở đây, đã không có tôi ngày hôm nay, và điều đó đã vực dậy tinh thần họ. Hiện tại họ vẫn hài lòng với cuộc sống.
“Người ta nói rất nhiều về chuyện hòa hợp hòa giải, và tôi nghĩ cách tốt nhất để làm được điều đó là chúng ta phải nói sự thật, sự thật về những gì đã xảy ra, chỉ có sự thật mới giúp hóa giải mọi thứ.”Cũng giống như Anne Dao, Michael Trương, cũng có cha mẹ là người tị nạn bỏ lại Việt Nam sau biến cố 30 tháng Tư vì những thay đổi của chế độ cầm quyền đã tác động đến cuộc sống.
Anne Đào Source: Supplied
“Cha tôi vẫn còn nhớ ngày đó, ông là một người đánh cá ở Gò Công, Tiền Giang. Ông nghe được tin miền bắc Việt Nam đã đánh chiếm Sài Gòn qua radio. Khi đó ông đã có cảm giác bất an lo lắng về chuyện mọi thứ có thể sẽ bị xáo trộn.
“Cha tôi nói, ban đầu cuộc sống vẫn bình thường không có gì thay đổi, nhưng rồi nhiều tuần nhiều tháng trôi qua, hệ thống và ý thức hệ của chính phủ mới bắt đầu len lỏi đến từng nhà. Cuộc sống bắt đầu khó khăn hơn khi thức ăn và việc làm bắt đầu trở nên khan hiếm."Cha của Michael vượt biên và đến Úc vào năm 1982 sau vài tháng sống trong trại tị nạn ở Malaysia.
Michael Trương holding up the first photo ever taken of him when he was born in 1983 Source: Michael Trương
“Cha tôi là người duy nhất trong số 11 anh chị em trong gia đình đi vượt biên. Ông nói ông đã rất may mắn. Nhiều người đã phải bỏ mạng hoặc mất mát trên chuyến đi vượt biển.”
Michael, 38 tuổi, sinh sống ở phía tây Melbourne, từng sở hữu một quán bar tại Collingwood. Anh và gia đình hài lòng với cuộc sống hiện tại, giữa cha con không có những khác biệt gì về ý thức hệ đối với cuộc chiến Việt Nam nói chung và biến cố 30/4 nói riêng.
“Chiến tranh đã trôi qua 46 năm, cha mẹ tôi đã hóa giải mọi chuyện, họ đã an bài với quyết định của mình khi rời bỏ Việt Nam và cũng chấp nhận quá khứ.
"Dù cha mẹ tôi vẫn nhớ gia đình còn ở Việt Nam và thời kỳ hạnh phúc khi còn ở quê hương, nhưng họ đã bằng lòng với quyết định đó và cảm thấy cực kỳ may mắn khi được sống tại Úc, gọi nơi đây là nhà và quê hương thứ hai."Nhưng dù vậy, Michael cho rằng không cần thiết cứ mãi nhắc lại những ký ức đau buồn của ngày 30/4 vào mỗi năm, bởi thế hệ thứ hai có thể đã có một cách nhìn khác đối với ngày này,
Michael Truong and his parents in Melbourne, 1983 Source: Michael Truong
“Tôi biết ngày 30 tháng Tư có ý nghĩa đặc biệt đối với một số người, nhưng tôi cho rằng người ta không nên cứ nhắc lại ngày này mỗi năm như vậy, điều đó không cần thiết.
“Ý nghĩa duy nhất của ngày 30/4 đối với tôi, đó là tôi cho rằng nếu không có ngày 30 tháng Tư, rất nhiều người Việt đã không thể có mặt tại Úc cũng như các nước khác và không có thế hệ thứ hai chúng tôi. Đó là một cảm xúc vui buồn lẫn lộn.”
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại