Biến cố 30/4 và tác động của nó vẫn ảnh hưởng đến các thế hệ sau

"30/4 là một ngày buồn của gia đình. Chiến tranh và biến cố 30/4 đã khiến cho cha mẹ tôi luôn có một nỗi sợ trong lòng, khiến họ luôn nhìn thấy nguy cơ hay một sự đe dọa nào đó ở mọi nơi."

Thuý Phượng's family at the refugee camp in Japan

Thuy Phuong's family at the refugee camp in Japan, before arriving in Australia. Source: Thuy Phuong

“Thế hệ thứ hai tại Úc nghĩ gì về ngày 30 tháng Tư?” là câu hỏi mà SBS Việt ngữ hỏi những bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại Úc và có cha mẹ là những người tị nạn.

Một thế hệ thứ hai lớn lên và trưởng thành ở Úc chưa từng trải qua biến cố 30 tháng Tư, nhưng dường như biến cố năm ấy một cách nào đó vẫn âm thầm tác động lên những ngóc ngách trong cuộc sống của họ, mối quan hệ gia đình và cách họ nhìn nhận về nguồn cội.

Một ngày buồn, một biến cố lịch sử không hề muốn gợi nhớ lại

Sinh ra ở trại tị nạn tại Nhật Bản, Thúy Phượng trưởng thành và sinh sống ở Úc hơn 30 năm qua. Cô tốt nghiệp đại học ngành Tâm lý và từng làm việc ở bộ phận tuyển dụng cho một công ty ở Melbourne.

Cô là đồng tác giả quyển sách thiếu nhi "Confident Coco" nói về việc phát triển mối liên kết giữa cha mẹ và con cái qua việc đọc sách cùng trẻ, thảo luận về vai trò của cha mẹ và ông bà để giúp con cái tự tin hơn trong cuộc sống.

“Nhiều năm trước có một lần tôi ngồi trên xe taxi, trùng hợp sao hôm đó đúng vào ngày 30 tháng Tư. Người tài xế là một người Việt cũng cỡ tuổi cha tôi. Ông hỏi tôi có biết hôm đó là ngày gì không, và tôi đã trả lời ông ấy rằng hôm đó là Ngày mất nước.

“Tôi cũng không rõ câu chuyện nào đã khiến tôi có ý nghĩ như vậy, nhưng điều đó cho thấy thế hệ trước đã có ảnh hưởng đến thế hệ chúng tôi theo một cách nào đó.”
Thúy Phượng with husband and son
Thúy Phượng with husband and son Source: Thúy Phượng
Thúy Phượng kể với SBS Việt ngữ rằng biến cố 30/4 hiếm khi được nói đến trong gia đình. Có lẽ cha mẹ cô khi đặt chân đến Úc để bắt đầu một cuộc sống mới đã muốn gạt bỏ quá khứ, quên đi tất cả những đau khổ mất mát để tập trung xây dựng gia đình và nuôi dạy con cái. Nhưng những mất mát họ từng trải qua vẫn còn đó, và tiếp tục tác động đến thế hệ sau một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

“Mặc dù vậy tôi vẫn cảm nhận được rằng đây là một ngày buồn, và tôi dần hiểu rằng nếu nhắc đến ngày này là nhắc lại nỗi đau, do đó tôi không bao giờ dám hỏi ba mẹ tôi về ngày này.

“Tôi chỉ nhớ khi tôi còn nhỏ, trong một dịp hiếm hoi ba tôi có lần đã nhắc đến ngày 30 tháng Tư, ông gọi đó là Ngày mất nước.”

Học cách quên đi quá khứ, thậm chí chôn vùi cả những cảm xúc

Theo lời Thúy Phượng, nếu nhìn vào bề ngoài thì không ai có thể thấy rằng biến cố 30/4 đã ảnh hưởng gì đến cuộc sống của gia đình. “Cha mẹ tôi ắt hẳn sẽ trả lời là không, họ đã tiếp tục sống, cố gắng tạo dựng một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và con cái, bao gồm tôi và các anh em tôi,” Thúy Phượng nói.

“Tuy vậy, thực tình tôi không cho rằng con người ta có thể trải qua một cuộc chiến mà lại không bị chút ảnh hưởng nào.

“Tôi có thể ví chuyện này giống như tai nạn tôi gặp cách đây nhiều năm. Có lần tôi đi du lịch và đã bị ngã cầu thang, tôi bị trượt khoảng hơn 10 hay 20 bậc gì đó. Cú ngã lần đó đã khiến tôi vẫn còn run rẩy mãi đến sau này, và thậm chí ngay cả bây giờ, mỗi khi bước xuống bất kỳ cầu thang nào, cơ thể tôi như cứng lại. Cú sốc tâm lý đó tôi sẽ không bao giờ quên.

“Điều tôi có thể thấy được là biến cố 30/4 đã gây ra một nỗi sợ cho những người như cha mẹ tôi. Tôi hiểu mọi cha mẹ đều có nỗi sợ, và bản thân tôi giờ là một người mẹ tôi cũng có nỗi sợ. Tuy nhiên tôi nghĩ là vì họ đã từng phải trải qua giai đoạn khó khăn, nên họ luôn nhìn thấy mối đe dọa và nguy cơ từ mọi thứ.

“Và vì lẽ đó, thế hệ chúng tôi lớn lên đã học được cách chấp nhận quá khứ và không nhắc lại quá khứ, thậm chí chôn vùi cả những cảm xúc của mình khi nghĩ về nó.”
Thuý Phượng with her parents and brothers in Australia
Thuý Phượng with her parents and brothers in Australia Source: Thuý Phượng

Lạc giữa các bản sắc

Rất nhiều người Việt tị nạn sau năm 1975 ra đi mang trong mình nỗi đau mất tổ quốc. Họ không còn nơi có thể gọi là tổ quốc để quay về. Họ đến Úc, gọi Úc là quê hương thứ hai, thế nhưng trong tâm khảm họ vẫn là những con người Việt Nam, và vì lẽ đó có thể nhiều người vẫn cảm thấy mâu thuẫn và day dứt khi có hai con người bên trong họ.

Sự mâu thuẫn ấy cũng phần nào ảnh hưởng đến thế hệ con cái. Như Thúy Phượng nói, cô có lần chợt nhận ra mình không hoàn toàn là người Úc, ít nhất là trong con mắt người khác nhìn nhận về cô.

“Tôi tự hào về di sản Việt Nam và tự nhận mình là người Việt. Nhưng khi tôi lớn lên ở Úc và dành phần lớn thời gian cuộc đời tôi tại đây, tôi cũng tự xem mình là người Úc. 

“Vào năm cuối đại học, khi tôi đang đi làm tình nguyện cho một trại hè thiếu nhi, một bé gái đã hỏi tôi từ đâu tới. Tôi vẫn nhớ cái nhìn đầy thắc mắc của cô bé đó khi tôi nói tôi là người Úc.

“Nhiều năm sau đó tôi đã hiểu ra rằng bản sắc của tôi khá phức tạp, nó là sự giao thoa giữa rất nhiều thứ, là một phụ nữ, là một nguời VIệt, là một công dân Úc thế hệ thứ hai.”
Thúy Phượng with husband and son
Thúy Phượng with husband and son Source: Thúy Phượng

Có lẽ chúng ta không nên tránh né lịch sử dù rất đau lòng

“Khi tôi nghĩ về ngày 30 tháng Tư – ngày Sài Gòn sụp đổ, tôi nghĩ đến cha mẹ tôi, và quyết định khó khăn mà họ phải đưa ra để rời bỏ tất cả gia đình, bạn bè và tổ quốc lại đằng sau để ra đi.

"Tôi và bạn bè thường nói chuyện với nhau rằng cha mẹ chúng tôi đã can đảm và mạnh mẽ như thế nào mới có thể làm được như vậy, điều mà thế hệ tôi thậm chí không thể tưởng tượng ra mình dám làm nếu ở vào độ tuổi đó.

“Chúng ta đã được nghe rất nhiều về cái gọi là sang chấn tâm lý sau chiến tranh. Tôi nghĩ cách tốt nhất chúng ta nên bắt đầu là phải nói chuyện. Nói chuyện là cách chữa lành tốt nhất cho phép người đó và những người xung quanh họ có cơ hội được hiểu và thoát ra khỏi những chuyện trong quá khứ. Mặc dù tôi biết quá khứ đau đớn như thế nào, đặc biệt là ngày 30/4.”
Thúy Phượng with husband and son
Source: Thúy Phượng
Giờ đây khi đã là một người mẹ, Thúy Phượng nói cô đang dần cố gắng đặt mình vào vị trí của cha mẹ để hiểu về quá khứ, tác động của nó lên bản thân cô và có thể tác động cả đến con trai của cô. Cô cho biết về dự định sẽ cho con trai mình biết nó là người Việt, mang trong mình dòng máu Việt, di sản Việt.

"Tôi đang đọc một cuốn sách có tên Một thời để nhớ, tác giả là một người từng ở cùng trại tị nạn với cha mẹ tôi. Cuốn sách giúp tôi hiểu thêm về những gì cha mẹ tôi đã trải qua, và cũng là để tôi có thể chia sẻ những hiểu biết đó với con trai tôi.

“Tôi nghĩ mình sẽ cho con thấy được một bức tranh toàn cảnh hơn, sẽ chia sẻ những câu chuyện về chiến tranh Việt Nam, ngày Sài Gòn sụp đổ, và điều đó có ý nghĩa thế nào đối với ông bà ngoại của con tôi, và họ đã đến Úc như thế nào.

“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta không nên tránh né lịch sử. Là một người lạc quan, tôi sẽ luôn nhìn vào những điều tích cực.”
The book 'A time to remember'
The book 'A time to remember' Source: Thuý Phượng
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share
Published 28 April 2021 4:32pm
Updated 29 April 2021 11:45am
By Hương Lan


Share this with family and friends