Mùa giáng sinh đang đến rất gần cửa mỗi gia đình, lúc này cũng là thời điểm nhiều người khác đang tất bật mua sắm, chuẩn bị quà cáp cho dịp Giáng sinh và đón chào năm mới 2018.
Nhiều người sẽ tới các khu mua sắm và cửa tiệm để mua hàng thế nhưng không ít người sẽ lựa chọn việc mua sắm qua internet.
Nếu là người thích mua sắm qua internet thì xin lưu ý những khuyến cáo của ACCC (Ủy ban cạnh tranh và tiêu thụ Úc) vừa đưa ra.
Theo ACCC, hiện nay người Úc đang là mục tiêu của hàng loạt các vụ lừa đảo liên quan đến bưu kiện gửi trong mùa Giáng sinh.
Chiêu lừa đảo “Missed Delivery” nóng lên theo mùa Giáng sinh Úc
Theo số liệu mới nhất mà ScamWatch thuộc ACCC cho báo chí Úc biết thì họ đã nhận được khoảng 1,700 khiếu nại về những kẻ lừa đảo, gửi thông báo cho khách hàng là “Missed Delivery” tức là "không gửi được", tất nhiên đây là thông báo giả mạo mà chúng gửi qua email hoặc bằng văn bản trong năm qua.
Điều mà bọn lừa đảo muốn là con mồi tin rằng kiện hàng của họ đang sẵn sàng và sẽ nhanh chóng đến tay nếu khách hàng làm theo các bước đưa ra trong email.
Thông thường, email giả mạo này được làm rất giống các thông báo của những hãng vận chuyển lớn, có uy tín.
Trong đó, bọn lừa đảo đưa vào các đường link, hoặc nút bấm ảo để mời khách ấn vào, nhập thông tin cá nhân và các thông tin mang tính bảo mật khác, trước khi khách lấy được kiện hàng đã mua qua mạng.Theo phó chủ tịch của ACCC, Delia Rickard, dịp Giáng sinh sắp tới đây là một mỏ vàng cho bọn lừa đảo trên mạng.
Missed Delivery Source: The Age
"Chúng ta thường rất bận rộn với đủ thứ phải nghĩ đến vào dịp Giáng sinh, vì thế nó khiến chúng ta ít cảnh giác trong vấn đề an ninh cá nhân trên mạng," bà Rickard nói.
Cần nhắc lại, tháng 12 năm ngoái, có 7,153 vụ gian lận trên internet đã được thông báo lên ACCC, con số này là mức cao nhất trong một tháng.
Tất nhiên, người tiêu thụ bị thiệt hại. Người tiêu thụ đã mất khoảng 2,3 triệu đô la chỉ trong tháng 12 năm ngoái vì nạn lừa đảo.
Chiêu cài mã độc “Nigerian Prince” vẫn hoành hành
Rõ ràng, các hành vi lừa đảo không mới nhưng thay đổi hình thức và vẫn tỏ ra nguy hiểm với người tiêu thụ.
Các email trong đó có chứa mã độc từ người gửi tự xưng là "Hoàng tử Nigeria" là những trò gian lận đã được sử dụng trước đây.
Đến năm nay, vẫn dựa trên mánh lới đó nhưng những kẻ gian lận áp dụng các phương pháp ngày càng tinh vi hơn để đánh cắp chi tiết cá nhân và cả tiền bạc của nạn nhân.
Ví dụ như vụ của sinh viên đại học, Connor Parissis được đăng trên báo The Age, sinh viên này đã nhận được một email từ một người gửi tự nhận là từ "Australia Post" với một đường link hướng dẫn để anh Parissis làm thế nào để nhận lại được bưu kiện mà anh vốn chưa nhận được từ công ty DHL.
"Tôi đã đặt hàng rất nhiều thứ vì vậy tôi nghĩ nó là thật. Tôi nhấp vào để xem nó có liên quan gì đến hàng của tôi không," anh Parissis nói.
Sau đó đường link này đã đưa Parissis qua một cuộc khảo sát trên mạng, mời anh nhập tên, email và ngày sinh để lấy lại gói hàng. Thế nhưng đó là trò lừa đảo.
"Ngay lập tức tôi nhận ra đây không phải là địa chỉ URL của Úc hay trang web DHL. Bất cứ điều gì nói rằng tôi có thể lấy hàng gì đó chỉ là lừa đảo, và nó cũng không hề nhắc đến một gói hàng mà tôi đã đặt," anh Parissis nói.
Mối nguy từ các trò lừa đảo
Theo ACCC, có các nguy cơ chính đối với người dùng internet khi gặp các trò lừa đảo trên mạng hoặc qua mua bán trực tuyến hay email.
Thứ nhất, mất email, password, thông tin cá nhân.
Thứ hai, có thể mất tiền từ thẻ thanh toán ngân hàng.
Thứ ba, máy tính có thể nhiễm virus và dẫn đến tê liệt, hỏng hóc.
Thế nhưng, thực tế con số báo cáo về các vụ lừa đảo không cho thấy toàn cảnh bức tranh vì theo các chuyên gia quản lý và bảo vệ người tiêu thụ thì nhiều người gặp các trò lừa đảo này tỏ ra tức giận, nhưng họ lại chọn sự im lặng và không hề báo lại vấn đề của mình.
"Mặc dù tỷ lệ các vụ lừa đảo hiện đang gia tăng, nhưng rất ít người gặp những trò gian lận này có bất kỳ hành động nào.”
“Theo tôi chỉ có khoảng 5 phần trăm những người bị lừa phơi bày vụ lừa đảo trên mạng với cơ quan như ACCC hay Scamwatch, những gì chúng ta biết chỉ là phần đỉnh của tảng băng trôi," bà Rickard từ ACCC nói.
Lời khuyên từ chuyên gia
+Hãy ghi lại chi tiết các đơn đặt hàng mua sắm trên mạng internet vào theo dõi chúng
+Khi nhận được bất cứ email nào báo về hàng hóa mua online thì nên kiểm tra xem đó có phải là hàng mình đã mua hay không.
+Tuyệt đối không nhấn vào các đường link từ những email không rõ ràng.
+Không cung cấp thông tin cá nhân hay thẻ ngân hàng qua email không rõ nguồn gốc