Nghiên cứu mới cho thấy hơn một nửa (54%) người Úc vẫn đi làm mặc dù bị bệnh, trong khi đó một phần năm (21%) người lao động chưa từng lấy ngày nghỉ bệnh (sick leave) vì có quá nhiều việc.
"Những người bị cúm vẫn đến nơi làm việc", bất chấp bệnh tật của mình, khiến các doanh nghiệp Úc tiêu tốn 35 tỷ đô la mỗi năm. Nghiên cứu về hiệu suất công việc chỉ ra rằng những người này dễ bị chấn thương, hay mắc lỗi hơn, làm việc kém năng suất và có khả năng truyền nhiễm bệnh cho người khác.
Mùa đông ở Úc còn được gọi là mùa bệnh tật, với số lượng lớn nhiều người bị cảm cúm. Rất có thể dịch bệnh cũng đang tấn công văn phòng làm việc của bạn. Kịch bản hay xảy ra là một ngày đẹp trời thức dậy, bạn thấy mình đau đầu, sốt và sổ mũi. Câu hỏi đấu tranh lúc đó là: Liệu có nên đi làm hay không?
Theo khảo sát tại Úc, có đến 51% những người được hỏi nói rằng họ vẫn đến công ty khi bị ốm. Đối với một số người, đó là vấn đề tiền bạc. Không phải công ty nào và trong mọi trường hợp, người lao động đều được nhận ngày nghỉ bệnh có lương (sick leave) khi không đi làm vào ngày nghỉ bệnh. Có rất nhiều người làm các công việc thời vụ (casual) hoặc theo hợp đồng (contractor) sẽ không được hưởng quyền lợi nghỉ bệnh có lương tại Úc. Do đó, một số người phải cố gắng đi làm để kiếm tiền dù bị bệnh.
Ngoài ra, có những người đến công sở vì trách nhiệm. Nếu họ nghỉ việc, sẽ không có ai làm thay việc cho họ và đôi khi công ty sẽ gặp vấn đề. Trách nhiệm có lẽ là động cơ cao quý nhất để kéo một người ốm tới văn phòng thay vì đặt họ nằm lại trên giường, với đệm, gối, và thuốc sẵn trên bàn.Nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm. Nếu như bạn mắc phải một cơn cảm cúm nặng, với đờm không còn là màu trắng, đau họng kèm theo ho khù khụ, rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng như tiêu chảy và sốt, toàn than nhức mỏi thì nên nghỉ ở nhà.
Có rất nhiều người làm các công việc thời vụ (casual) hoặc theo hợp đồng (contractor) sẽ không được hưởng quyền lợi nghỉ bệnh có lương tại Úc. Source: Getty Images
Tại sao lại như vậy?
1. Bạn đang tự làm khổ mình, đi làm khiến bệnh nặng hơn và lâu khỏi
Bản thân việc bị bệnh đã vô cùng khó chịu, đặt thêm các gánh nặng công việc và cuộc sống lên trên vai mình vào những ngày này sẽ khiến bạn mệt mỏi hơn. Đi làm khi bị ốm là tước đoạt quyền nghỉ ngơi của cơ thể, khiến bạn khó hồi phục hơn.
Có thể vì thế mà bạn sẽ kéo dài thời gian bệnh hơn mức cần thiết và vẫn phải nghỉ những ngày sau đó khi không cố được nữa. Thay vì đi làm khi bệnh, bạn có thể nghỉ ngơi ở nhà một ngày để bệnh nhanh khỏi hơn và đi làm trở lại vào những ngày sau đó.
2. Bạn sẽ làm việc với năng suất kém và dễ dàng mắc lỗi
Thật khó để có thể tập trung toàn bộ vào công việc khi đầu bạn thì đang đau còn mũi thì phải đang cố gắng lắm mới hít thở được. Các nhân viên nói rằng bị ốm khiến năng suất lao động của họ giảm xuống chỉ còn 60% so với bình thường.
Ngay cả khi bạn nghĩ rằng đi làm với 60% năng suất còn hơn nằm nhà với 0%, hãy tính toán đến cả những rủi ro nằm trong 40% năng suất sụt giảm.
Trên thực tế, nếu bạn cố gắng giải quyết các vấn đề quan trọng khi bị ốm, bạn có nguy cơ lớn mắc phải các lỗi ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Hậu quả của nó có thể là uy tín của chính bạn, của cả nhóm hay thậm chí cả công ty bị giảm sút.
3. Đồng nghiệp và sếp cũng khuyến khích bạn ở nhà khi bị ốm
Tưởng tượng xem sẽ thế nào nếu bạn cứ ho và hắt hơi ở văn phòng? Không ai muốn bị lây và mọi người sẽ giữ khoảng cách với bạn. Ngay cả khi bạn cố gắng đi làm vì trách nhiệm với công ty hay vì không muốn ai phải làm thay mình nữa, thì đồng nghiệp của bạn cũng thích bạn ở nhà hơn.
Nhiều người bị bệnh mà vẫn lết đến chỗ làm, những tràng ho không dứt của họ nhận phải ánh mắt ái ngại của đồng nghiệp.
Trong thực tế, hầu hết đồng nghiệp đều sẵn sàng làm thay việc cho bạn, ngay cả những đồng nghiệp khó tính nhất. Họ chọn vất vả một chút chứ không muốn lây bệnh rồi phải nằm nhà vài ngày.