Đài 7 News ở Úc sử dụng lại một đoạn phóng sự do Kênh truyền hình Nông nghiệp - Nông thôn Việt Nam thực hiện và phát sóng cách đây 6 tháng, ghi lại quá trình công nhân ở Bạc Liêu bơm tạp chất vào tôm nhằm tăng kích cỡ và trọng lượng của tôm đã khiến mạng xã hội hoang mang vì những lo ngại từ thực phẩm bẩn.
Báo Daily Mail ở Úc hôm qua cũng có bài viết cùng đề tài, sử dụng cùng nguồn tin và hình ảnh.
Tôm độn rau câu
Từ những gì quan sát được trong đoạn phim video, một dây chuyền kim bơm được đầu tư có gần 30 ống bơm, tạp chất lần lượt được đưa vào thân, vùng giáp ức với thân, phần đuôi tôm sú.
Theo đó, 1kg tôm sú sau khi bơm tạp chất vào sẽ tăng trọng lượng lên thêm từ 100 đến 200gr, đồng thời tôm nhìn tươi ngon hơn, kích cỡ tôm cũng tăng lên, và tất nhiên giá bán ra sẽ cao hơn.
Chị Phan Thị Kim Luyến ở Bạc Liêu cho biết trong đoạn phim: "Một ngày chỉ mua dăm ba chục kí, bán cho nhà máy dưới Cà Mau, chỗ khác người ta kinh doanh, người ta mua người ta cũng làm như thế, mình cũng phải làm vậy thôi”.Thông tin trong phóng sự này, tạp chất này có tên CMC, trên bao gói ghi rõ ràng xuất xứ từ Trung Quốc. CMC, carboxymethyl cellulose, một chất gelatin, keo nhựa như rau câu dùng trong thực phẩm được cho là không nguy hiểm, được hòa tan với nước, cho ra một chất đặc sệt. Người bơm chỉ cần bóp nhẹ đầu kim bơm thì tạp chất sẽ theo đó đi vào tôm.
Quang cảnh 'tôm độn rau câu' ở một cơ sở sản xuất ở Bạc Liêu trong phóng sự của 3N-VTC16 Source: VTC16
Có thể nhìn thấy, sau khi chất-như-rau-câu được bơm vào, đuôi tôm dạng ra, thân căng lên, các đốt trên lưng nở to ra.
Tôm Việt sẽ chết ở Úc?
Úc là một trong những thị trường xuất cảng thủy hải sản đáng kể của Việt Nam.
Ở các khu chợ người Việt, từ Cabramatta ở Sydney đến Footscray ở Melbourne cho đến những tiệm thực phẩm Á châu hay tiệm hải sản ở rải rác khắp nước Úc, luôn tìm thấy cá saba, cua rỉa thịt, cua đồng xay, cá thác lác, các loại cá đồng, và tôm Việt Nam.
Tôm nhập cảng từ Việt Nam cũng có mặt trong chuỗi siêu thị của hai gã khổng lồ lĩnh vực bán lẻ của Úc là Woolworths và Coles.
Chắc chắn đoạn phóng sự đêm qua cho thấy quy trình bơm tạp chất vào tôm để ra tôm độn rau câu khiến nhiều người Úc rùng mình và liên tưởng đến những con tôm con cá ‘Product of Vietnam’ bày bán trong siêu thị và chợ Úc.
“Thậm chí khi chất rau câu độn bơm vào tôm đó có thể ăn được, không độc, nhưng làm ăn như vậy là lừa dối không chấp nhận được”, một người đi chợ ở Canley Heights sáng nay nói với SBS Vietnamese.
Theo phúc trình của Greenpeace năm ngoái, 65 phần trăm tôm tiêu thụ ở Úc là nhập cảng từ ngoại quốc và Việt Nam là một trong ba nhà cung cấp tôm chính trên thị trường Úc, mỗi năm hơn 10 ngàn tấn tôm Việt Nam trong bao tử người Úc.Theo những gì phúc trình này viết, hành động gian dối bơm gel hay rau câu vào tôm để tăng trọng lượng đã tồn tại nhiều năm, và các thương gia Trung Quốc là những người gian dối nhiều nhất.
Việt Nam là một trong ba nhà cung cấp tôm chính trên thị trường Úc. Source: Greenpeace
Phúc trình của Greenpeace lên án những chiêu trò như vậy, cảnh báo người tiêu thụ nhận biết những dòng tôm có mặt ở Úc mà các chủ nhân bóc lột lao động, làm ăn gian dối, phá hoại môi trường biển, hay tôm bị nhiễm độc.
Cũng cách đây 6 tháng, tháng Tư 2016, tin tức cá biển miền Trung chết trắng bờ vì nước thải từ công ty sản xuất thép Formosa ở Hà Tĩnh đồng loạt xuất hiện trên các trang bìa và tin chính các tờ báo lớn và uy tín trên thế giới.
Gian thương khắp nơi ở Việt Nam
Bạc Liêu không phải là nơi duy nhất bị phát hiện tình trạng bơm tạp chất vào tôm.
Trong vòng hai năm nay phát hiện vô số những chuyện tương tự.
Tháng Một 2015, phát hiện hai cơ sở kinh doanh thủy sản tại quận Hoàng Mai, Hà Nội bơm bột Agar vào thân tôm sú đông lạnh, để tăng cân, làm tươi, cứng và đẹp tôm.
Tháng Bảy 2015, Công an Thừa Thiên - Huế đã khám xét bắt quả tang hai cơ sở kinh doanh thủy sản đang bơm tạp chấp vào tôm sú chết nhằm tăng trọng bán cho các nhà hàng tổ chức tiệc cưới.
Gần nhất là cách đây hai tháng, tháng Tám 2016, cơ quan chức năng ở Việt Nam thu giữ hơn 70 kg tôm có tạp chất và 120 kg tạp chất, cùng nhiều thiết bị bơm tạp chất vào tôm của một công ty ở huyện Thới Bình, Cà Mau.
Và chắc chắn, những vụ phát hiện như thế chỉ là ‘phần nổi’ của một tảng băng trôi.
Những con tôm bị bơm tạp chất gây hoang mang cho người dân Việt Nam là điều dễ hiểu.
Nhưng khi báo đài ngoại quốc quan tâm, những con tôm Việt Nam dù không bị bơm tạp chất, cũng khó lòng ‘bơi xa’.