Thực phẩm nhập cảng vào Úc có an toàn?

Úc kiểm tra thực phẩm nhập cảng vào Úc thế nào? Và lo sợ ‘cá chết' trong nước mắm Việt Nam bán ở Úc là có cơ sở không?

berries and fish sauce

Thực phẩm nhập vào Úc có an toàn? Source: VAR

Ai chịu trách nhiệm kiểm dịch thực phẩm nhập vào Úc?

Bộ Nông nghiệp Úc chịu trách nhiệm kiểm dịch thực phẩm dựa trên những đánh giá nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ và tư vấn từ tổ chức Tiêu Chuẩn Thực Phẩm Úc và Tân Tây Lan - (FSANZ).

Mọi loại thực phẩm nhập cảng Úc đều được kiểm tra, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi lô hàng đều được kiểm tra. 

Thực phẩm nhập cảng Úc được chia thành 3 hạng mục:

1 - Thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn (Risk food): 

Những loại thực phẩm này được kiểm dịch toàn bộ do có mức độ gây nguy hiểm từ trung bình đến cao, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đây là nhóm thực phẩm có môi trường thuận lợi dễ dàng cho vi khuẩn phát triển.

2 - Thực phẩm có sự giám sát (Surveillance food): 

Chỉ kiểm dịch 5% lô hàng do những loại thực phẩm này hiếm có khả năng gây nguy hiểm cho cộng đồng, nhưng chỉ cần không đạt các quy chuẩn kiểm dịch thì chúng sẽ bị đẩy lên mức độ cao hơn.

3 - Thực phẩm nhập cảng theo thỏa thuận (Food import compliance agreement): 

Công ty nhập cảng có thể đăng ký một thỏa thuận cho phép thực phẩm của họ không cần phải kiểm dịch mỗi lần nhập cảng Úc. Nếu Bộ Nông Nghiệp Úc đồng ý là hệ thống quản lý của họ đạt yêu cầu thì lô hàng sẽ được các nhân viên quan thuế xử lý nhanh hơn.

Thực phẩm được xem là không an toàn cho người tiêu dùng nếu:

1 - Có vi khuẩn nguy hại sinh sôi trên thực phẩm: 

Khi bảo quản loại thực phẩm có khả năng bị nhiễm khuẩn cao ở nhiệt độ không đúng trong thời gian quá dài, vi khuẩn sẽ tăng lên đến mức độ nguy hiểm. Những vi khuẩn này sản sinh ra độc tố gây ngộ độc thực phẩm. Vấn đề ô nhiễm chéo cũng có thể gây ngộ độc thực phẩm. 

2 - Có chất nguy hiểm làm ô nhiễm thực phẩm: 

Có thể do hóa chất (chất lau chùi, tẩy rửa và thuốc trừ sâu) và các thứ khác không nên có trong thực phẩm (bụi, đất, tóc, thủy tinh, đá, sỏi). 

3 - Có chất gây dị ứng trong thực phẩm: 

Một số người có thể bị dị ứng trầm trọng hoặc thậm chí tử vong với thực phẩm thường gặp.

Quốc gia nhập cảng lớn nhất vào Úc chính là láng giềng Tân Tây Lan, và hai chính phủ có thỏa thuận không cần phải kiểm tra mọi lô hàng nhập cảng từ nước này.

Trung Quốc là nước nhập cảng lớn thứ ba, nhưng thực phẩm "Made in China" bị kiểm dịch nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Mỗi năm Úc kiểm dịch gần 3 ngàn lô hàng từ Trung Quốc - tức 9% lượng hàng nhập cảng vào Úc.

Hàng nhập cảng từ Trung Quốc thường bị kiểm tra xem có chứa hóa chất nguy hiểm, tạp chất hay vi sinh vật hay không. Từ năm 2013-14, chỉ 95% lô hàng "Made in China" đạt chuẩn về hóa chất, còn lại thì rất hay lẫn thuốc trừ sâu.

FSANZ
Source: FSANZ

Nước mắm Việt Nam ‘không’ nằm trong nhóm 'dễ bị nhiễm khuẩn'

Trong lúc thảm họa cá tôm chết hàng loạt dọc dài theo biển từ miền Trung tới miền Nam Việt Nam mà chính phủ nước này không tìm ra nguyên nhân, nhiều người tiêu dùng ở Úc lo ngại khi đứng trước chai nước mắm xuất xứ từ Việt Nam.

Cụ thể, người ta lo sợ cá bị nhiễm độc và cá chết được đem đi làm nước mắm và xuất cảng qua Úc. Lo sợ đó cơ sở không?
Nước mắm, như xếp hạng của Tiêu Chuẩn Thực Phẩm Úc và Tân Tây Lan, là loại thực phẩm đã qua chế biến và không nằm trong nhóm dễ bị nhiễm khuẩn.

Điều đó cũng có nghĩa là không phải mọi lô hàng nước mắm Việt Nam nhập vào Úc đều được kiểm dịch.

Nhắc lại chuyện cũ, tháng Hai năm 2015, Úc đã phát hiện một loạt các sản phẩm dâu rừng đông lạnh nhập từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc bị nhiễm virus gây viêm gan A, khiến nhà chức trách phải mau chóng thu hồi các sản phẩm đó.

Tại sao Úc lại sót mất lô hàng dâu rừng có chứa virus viêm gan A vào năm ngoái?

Đài ABC giải thích rằng Úc không thường xuyên kiểm tra virus viêm gan A hay bất kỳ loại virus nào khác. Các nhân viên quan thuế thường kiểm tra vi sinh vật hoặc vi khuẩn, chẳng hạn như khuẩn E.coli và salmonella, nhưng chủ yếu là trên các thực phẩm làm từ động vật chẳng hạn như hải sản.

FSANZ cho biết việc kiểm tra virus ở trong thực phẩm là vô cùng khó khăn, bởi số lượng của chúng thường rất ít và khó phát hiện bằng các phương pháp kiểm dịch hiện thời.

Ngoài ra, trái cây thường chỉ được kiểm tra xem có các thuốc trừ sâu độc hại hay không.

Nếu là thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cao, các nhân viên quan thuế sẽ đợi đến khi lô hàng đạt chuẩn mới cho bán ra thị trường. Với các loại thực phẩm khác, họ thường kiểm tra bằng mắt và lấy mẫu thử rồi cho phân phối ngay, và chỉ ra quyết định thu hồi nếu phát hiện mẫu thử có vấn đề.

Thịt đỏ, hải sản, thịt gia cầm, trứng, chế phẩm sữa và đồ nguội, hoặc thực phẩm có những thứ này, ví dụ như bánh mì kẹp thịt, quiche và rau trộn làm sẵn nằm trong số những thực phẩm có khả năng  nhiễm khuẩn cao và có thể gây ảnh hưởng sức khoẻ.

Những thông tin trên chỉ có tính chất tổng quát. Nếu có thắc mắc, quý vị có thể gọi cho Đường Dây Trợ Giúp về An Toàn Thực Phẩm số 1300 364 352.

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 31 May 2016 7:02pm
Updated 12 August 2022 3:51pm
By Đăng Trình, Trinh Nguyen

Share this with family and friends