Key Points
- Một báo cáo mới cho thấy 3,7 triệu hộ gia đình Úc gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực trong 12 tháng qua.
- Ngày càng có nhiều người có việc làm, có thu nhập trung bình và có tài sản thế chấp lần đầu tiên trải nghiệm điều này.
- Foodbank Australia đang kêu gọi những người gặp khó khăn “cảm thấy thoải mái và tự tin khi yêu cầu giúp đỡ”.
Theo dữ liệu mới, gần một nửa dân số Úc hiện đang cảm thấy lo lắng hoặc gặp khó khăn trong việc liên tục tiếp cận được thực phẩm đầy đủ - hầu hết trong số họ lần đầu tiên trải qua tình trạng mất an ninh lương thực trong đời.
Một báo cáo của công bố hôm đầu tuần tiết lộ rằng ít nhất 3,7 triệu hộ gia đình ở Úc đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong 12 tháng qua, tương đương với thêm 383.000 hộ gia đình buộc phải đưa ra những lựa chọn khó thể chấp nhận được về việc họ ăn gì và khi nào so với năm 2022.
Những phát hiện này nhấn mạnh những gì tổ chức cứu trợ lương thực mô tả là "cuộc khủng hoảng an ninh lương thực".
"Chúng tôi thấy chuyện này ở khắp mọi nơi," Brianna Casey, Giám đốc điều hành của Foodbank Australia, nói với SBS News.
"Điều khác biệt trong năm nay là có bao nhiêu nhóm nhân khẩu học đang bị ảnh hưởng và có bao nhiêu vùng ở Úc lần đầu tiên chứng kiến chuyện này."
Bà Casey giải thích, thuật ngữ "mất an ninh lương thực" đề cập đến tình huống mà các cá nhân không thể tiếp cận số tiền họ cần, một cách chắc chắn, để có thể tạo ra một bữa ăn đủ dinh dưỡng và có một cuộc sống năng động và khỏe mạnh.
Khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục gia tăng, số người ở Úc rơi vào nhóm định nghĩa này không chỉ tăng lên, mà còn mở rộng ra các nhóm nhân khẩu học thường không bị ảnh hưởng — đó là những người trẻ tuổi, những người có việc làm và những người có thu nhập từ trung bình đến cao, có thể ví dụ như vậy.
Như bà Casey đã nói, "Việc làm không còn là biện pháp phòng vệ hay lá chắn chống lại tình trạng mất an ninh lương thực nữa."
Báo cáo của Foodbank cho thấy, so với năm 2022, tình trạng mất an ninh lương thực lần đầu tiên ngày càng gia tăng ở các hộ gia đình đô thị, thu nhập trung bình, có việc làm, có mang nợ tiền nhà hay đang sống trong nhà thuê. Tình trạng mất an ninh lương thực cũng gia tăng đáng kể ở các hộ gia đình không có trẻ em.
Báo cáo tiết lộ chi phí thực phẩm và chỗ ở hiện là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng mất an ninh lương thực ở Úc, trong đó chi phí thực phẩm và hàng tạp hóa được cho là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực.
Tác động của sự bất an đó, cả về thể chất và tâm lý, có thể rất sâu sắc.
"Chúng tôi ngày càng nghe nhiều về những người bỏ bữa và đôi khi cả ngày không ăn gì," bà Casey nói.
"Nhưng [cũng có] những ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần khi phải sống chung với tình trạng căng thẳng thực sự lan tràn đang đeo bám mọi người này, lúc nào cũng lo lắng về việc liệu họ có thể tìm được những thứ họ cần để chuẩn bị bữa ăn hay không."
'Mất an ninh lương thực mãn tính' hay 'thiếu ăn thường trực'
Karen là một trong số những người rơi vào hoàn cảnh đó. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, khi giá các nhu yếu phẩm căn bản như thực phẩm, nhiên liệu và điện bắt đầu tăng cao, bà mẹ một con 47 tuổi đã phải vật lộn để kiếm sống.
Sau khi bị buộc phải chuyển nhà đến vùng Riverland của Nam Úc, bà là một trong 750.000 hộ gia đình đáp ứng tiêu chí "mất an ninh lương thực mãn tính", nghĩa là bà phải đối mặt với thách thức thường trực là tìm cách để kiếm ra bữa ăn cho mình và con gái.
"Đó là cảm giác thường trực như thể bạn sẽ không bao giờ vượt qua được vì có quá nhiều thứ [giữ lại]," Karen nói với SBS News.
"Căn bản là bạn trở nên rất giỏi tung hứng; bạn liên tục lấy cái này đắp đổi qua cái kia, và không còn thứ gì để chắp vá. Tôi không ngừng cố gắng hết sức."
Một trong những biện pháp cắt giảm chi phí đó là đưa con gái của bà rời khỏi ngôi trường mà con gái yêu thích và đăng ký cho con vào học một trường ít mong muốn hơn nhưng ở gần nhà hơn, để tiết kiệm tiền chi phí nhiên liệu. Karen nói rằng kể từ khi chuyển đến trường mới, con gái bà "không thể ứng phó tốt".
Một cách khác Karen quản lý tình huống của mình là truy cập các trang mạng của Foodbank Australia, nơi cô cho rằng đã giúp cô không chết đói.
Tuy nhiên, bà Casey lo lắng rằng nhiều người khác không sẵn lòng nhờ giúp đỡ. Mặc dù số lượng hộ gia đình gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực tăng đáng kể, báo cáo của Foodbank cho thấy tỷ lệ những người tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ cứu trợ thực phẩm chính thức hoặc gia đình và bạn bè đã giảm so với cùng kỳ.
Các tác giả của báo cáo cho rằng đây có thể là kết quả của việc những người lần đầu tiên cảm thấy bất an, do đó họ cảm thấy không bất định hoặc miễn cưỡng trong việc tìm kiếm sự trợ giúp.
"[Mọi người] đang trải qua nhiều loại cảm xúc, thường bao gồm cảm giác ngại ngùng hoặc xấu hổ… Chúng tôi cần bảo đảm rằng những người đang rơi vào tình trạng mất an toàn thực phẩm hoặc lần đầu tiên trải qua tình trạng này có thể cảm thấy thoải mái và tự tin trong yêu cầu giúp đỡ," bà Casey nói.
"Đó chính xác là lý do tại sao các ngân hàng thực phẩm tồn tại; đó chính xác là mục đích của chúng tôi ở đây và chúng tôi muốn bảo đảm rằng những người đang gặp khó khăn cảm thấy tự tin khi truy cập trang mạng ngân hàng thực phẩm, nhấp vào nút 'tìm thực phẩm' và có quyền tiếp cận thực phẩm mà họ cần để giúp họ trở lại đúng hướng."
Nhìn rộng hơn, bà Casey muốn thấy chính phủ liên bang có nhiều hành động hơn, không chỉ về mặt cung cấp nguồn lực cho lĩnh vực cứu trợ lương thực mà còn tập trung vào việc thiết lập chính sách có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho những người bị ảnh hưởng bởi khó khăn tài chính — chẳng hạn như tăng thêm mức trợ cấp cho Người tìm việc (Jobseekers), ví dụ vậy, hoặc bảo đảm rằng mọi người có quyền tiếp cận chỗ ở trong thời kỳ khủng hoảng và nhà ở ổn định.
Trong khi đó, bà Karen muốn thấy các chuỗi siêu thị lớn của Úc bỏ đi ít thực phẩm hơn, thay vào đó có thể giảm giá và bán cho những người có nhu cầu, hoặc tặng miễn phí cho các ngân hàng thực phẩm.
Bà đưa ra ví dụ về những nông sản tươi sống, thường được lựa chọn vì lý do thẩm mỹ hơn là vì vấn đề ăn được.
Tuy nhiên, cho đến khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt bắt đầu giảm bớt và chi phí gộp của cuộc sống hàng ngày bắt đầu giảm thay vì tăng lên, bà vẫn "rất không chắc chắn" về tương lai sẽ như thế nào.
"Ở một giai đoạn trong cuộc đời, bạn muộn phiền lắm. Rồi bạn mới bắt đầu kha khá hơn, đi tiếp đến một giai đoạn mà mọi thứ đang trở nên tốt hơn… nhưng bạn lại gặp phải hoàn cảnh này, và sau đó bạn liên tục lùi bước," bà nói.
"Bạn liên tục nghĩ rằng, 'Được rồi, tôi không bao giờ có thể tiến lên phía trước; tôi không bao giờ có thể tiến lên; về căn bản, tôi chỉ phải cố gắng sống sót'."