Có nên thay đổi tiêu chí tuyển chọn di dân có tay nghề cao?

Uỷ ban Năng suất hiện đang yêu cầu một cuộc cải tổ về chính sách di trú với những di dân tay nghề cao. Cơ quan này đề nghị chính phủ thả lỏng việc cấp thường trú nhân hơn nhưng thắt chặt trợ cấp xã hội và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

AAP

Source: AAP

Năm ngoái, chính phủ liên bang đã yêu cầu Ủy ban Năng suất đánh giá lại các tiêu chí tuyển chọn người di dân, nhằm cải thiện triển vọng kinh tế Úc.

Ủy ban Năng suất vừa công bố một bản phúc trình đề nghị cần có những tiêu chí gắt gao hơn cho các hồ sơ xin thường trú thay cho hệ thống hiện tại.

Theo đó, cơ quan này đề nghị những yêu cầu về kỹ năng làm việc hay mối quan hệ gia đình sẽ được thả lỏng hơn. Thay vào đó, sẽ hạn chế các khoản tiền ưu đãi về  an sinh xã hội, trợ cấp giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho những người xin được thường trú thành công.

Ủy ban Năng suất cho biết một chương trình như vậy có thể có lợi cho chính phủ về tài chính, nhưng cũng cảnh báo rằng vấn đề kinh tế không nên là ưu tiên hàng đầu cho chính sách nhập cư.

Phúc trình này khẳng định không nên thực hiện một hệ thống cấp visa dựa trên vấn đề tiền bạc.

Joe Caputo nói ông đồng ý với điều này và nhấn mạnh rằng nên lựa chon những người di dân dựa trên nhu cầu của Úc và đạo đức của họ.

"Điều này đã được chứng minh trong lịch sử là mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Úc hiện nay là thành viên của G20, là một trong những nước giàu có nhất thế giới.

Thông qua chương trình nhập cư của chúng ta, nhiều di dân đã đến đây và mang theo kinh nghiệm, kiến thức, tài năng và những điều tốt đẹp của họ".

Ủy ban Năng suất cũng đề nghị thay đổi hệ thống nhận di dân có tay nghề.

Cơ quan này cho rằng nên nhắm vào những người di dân có thể đóng góp một cách hiệu quả nhất cho nền kinh tế , những người trẻ, những người có nhiều kỹ năng và thành thạo Anh ngữ hơn nữa.
"Bây giờ nếu chúng ta thắt chặt lại hệ thống visa, áp đặt và tăng giá visa lên, thì chúng ta sẽ không thu nhận được những công dân có kỹ năng và có thể đóng góp cho nền kinh tế”. Joe Caputo
Ủy ban khuyến nghị nên giảm giới hạn độ tuổi giới hạn hiện tại từ 50 tuổi xuống mức thấp hơn và gia tăng ưu tiên vào hệ thống tính điểm di trú cho các ứng viên trẻ tuổi.

AMES là cơ quan của chính phủ hỗ trợ những di dân mới đến Úc học Anh ngữ và tìm việc làm. Giám đốc điều hành của AMES là Catherine Scarth cho rằng chính phủ nên làm nhiều hơn để giúp những người di dân có tay nghề thích ứng với thị trường lao động Úc.

"Cần phải hướng dẫn họ những điều cơ bản như viết hồ sơ xin việc. Những người tuyển dụng lao động tại Úc cần phải chỉ ra những tiêu chí mà họ đang tìm kiếm và những ứng viên nào họ muốn tuyển dụng.

Các công ty tại Úc đang sử dụng nhiều câu hỏi về hành vi, cách giải quyết vấn đề trong cuộc phỏng vấn. Họ quan tâm những kỹ năng mềm của ứng viên hơn là bằng cấp của họ.

Rất nhiều người di dân cảm thấy khó hiểu vì sao họ có bằng cấp cao như vậy ở nước ngoài, được chính phủ Úc công nhận mà lại không có việc làm. Họ nghĩ có bằng cấp là đủ rồi".

Catherine Scarth cho rằng nhà tuyển dụng muốn biết ứng viên đó có phù hợp với nơi làm việc hay không.

Nhưng bà tin rằng một số nhà tuyển dụng cũng cần nhìn thấy giá trị của những người lao động ngoại quốc.

"Một số nhà tuyển dụng nghĩ rằng làm sao có thể so sánh kinh nghiệm mà ứng viên đã có ở ngoại quốc với những kinh nghiệm làm việc tại Úc.

Nhưng những công ty thành công đều nhận ra rằng nếu họ tuyển một người di dân, họ có được một nhân viên có thể nói nhiều ngôn ngữ và có kiến thức  sâu sắc về một đất nước khác, nơi có thể là thị trường tiềm năng".

Trợ lý của Bộ trưởng Đa văn sự vụ Zed Seselja cho biết chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến của cộng đồng về bản phúc trình của Uỷ ban Năng suất trước khi thực thi những cải tổ này.

"Đây không phải là một quyết định của chính phủ. Đây chỉ đơn thuần là một bản phúc trình từ Ủy ban Năng suất, đề nghị với chính phủ.

Chính phủ sẽ xem xét phúc trình này, đồng thời  tham khảo ý kiến với cộng đồng trước khi thực hiện bất kỳ quyết định nào. Nhưng tôi nghĩ mọi người nên yên tâm rằng chính phủ có một cam kết mạnh mẽ về lợi ích của người dân".

Share
Published 16 September 2016 5:31pm
Updated 16 September 2016 5:40pm
By Bích Ngọc
Source: SBS

Share this with family and friends