Feature

Chạy bộ và thiền định giúp thay đổi một bộ não trầm cảm?

Với những ai đang bị tuyệt vọng hoặc cao hơn là trầm cảm, thì sự hoạt động cơ thể, đặc biệt là chạy bộ sẽ giúp đỡ họ rất nhiều.

Running

Running Source: Getty Images

Năm 2007, tác giả Jen A. Miller trải qua một cuộc đổ vỡ hôn nhân tồi tệ. Chẳng bao lâu sau người ông của cô qua đời. Rồi ngay sau đó, cô mua nhà và ký tên vào hợp đồng mua bán chỉ vài tháng trước khi cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở xảy ra.

Cô kể: “Tôi đã không thể kiềm chế nổi. Khi giúp mẹ đóng gói đồ đạc trong ngôi nhà của ông bà, tôi thấy mình kiệt sức vì nhiều sự kiện xảy ra dồn dập, tôi chỉ biết nằm dài ra giữa sàn nhà và khóc thổn thức. Mẹ đề nghị tôi nên tham gia trị liệu, nhưng thay vào đó tôi lại đăng ký một cuộc chạy đua cự li 10 dặm.”

Sau đó Miller viết một bài báo nổi bật được nhiều người biết đến trên tờ New York Times năm 2014, với tựa đề “Chạy bộ như một liệu pháp chữa trị”. Bài viết này cũng có mặt trong cuốn hồi ký của Miller mang tên: “Chạy bộ: Một câu chuyện tình”.  Bài viết kể lại chi tiết mối quan hệ gắn bó giữa cuộc đời tác giả và thể thao, cũng như bằng cách nào một hành động đơn giản là chạy bộ lại có thể giúp lấy lại một bộ óc tích cực.

Tuy nhiên Miller nói rõ việc tự mình tìm cách chữa trị sự suy nhược tinh thần chỉ dành cho những trường hợp mắc bệnh nhẹ. Với nhiều trường hợp mà chứng trầm cảm và stress trở nên trầm trọng, thì không một hoạt động thể thao nào có thể cứu vãn, và cần phải đi gặp các nhà trị liệu chuyên nghiệp.

Quá trình huấn luyện MAP

Nhiều công trình nghiên cứu cho hay sự kết hợp giữa việc huấn luyện tâm thần và huấn luyện cơ thể - viết tắt là huấn luyện MAP, có thể mang đến sự trợ giúp hữu ích cho những ai đang gặp bất ổn và rối loạn tâm thần.

Những nghiên cứu này cho rằng hoạt động cơ thể có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chứng trầm cảm. Những nghiên cứu mới hơn cũng nhấn mạnh lợi ích của thiền định trong quá trình điều trị sức khoẻ tâm thần. Một vài khoa học gia về thể dục và thần kinh tin rằng nếu kết hợp cả hai liệu pháp này thì lợi ích tăng thêm nhiều hơn.  

Một trong những kết quả nghiên cứu nói trên được xuất bản trên số báo Translational Psychiatry thuộc tạp chí Nature. Nhóm nghiên cứu do Brandon Alderman tại trường đại học Rutgers dẫn đầu, nghiên cứu những người trẻ tuổi bị rối loạn và trầm uất, đã chứng minh các triệu chứng trầm cảm giảm đi đáng kể sau khi tham gia huấn luyện MAP. Thậm chí kết quả cho thấy tỷ lệ các triệu chứng trầm cảm giảm nhẹ thật đáng kinh ngạc, trung bình mỗi cá nhân giảm hẳn sự rối loạn tâm thần đến 40%.

Tuy nghiên cứu chưa tìm ra rõ ràng nguyên nhân tại sao huấn luyện MAP lại có hiệu quả, nhưng chuyên gia Alderman và đồng nghiệp có một linh cảm, phát triển lên từ lý thuyết về trầm cảm của thần kinh học.
This image shows neurons (blue) and different types of glia (red and green) from the hippocampus of a rat.
This image shows neurons (blue) and different types of glia (red and green) from the hippocampus of a rat. Source: Credit: NICHD/J. Cohen
Không lâu trước đây, các khoa học gia tin rằng khi một người bước vào giai đoạn trưởng thành, bộ não đã sản xuất đầy đủ tất cả dây neurons thần kinh cho cuộc đời họ rồi. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho hay, tại một số khu vực của não bộ, bao gồm vùng hippocampus ở não trước, vẫn tiếp tục sản sinh neuron mới trong suốt cuộc đời một con người. Ở một vài trường hợp bị trầm cảm, vùng hippocampus sản xuất ít neuron mới hơn những người không bị tuyệt vọng hay đau buồn. Điều này có thể là một trong nhiều nguyên nhân mà thuốc chống trầm cảm có thể có hiệu quả. Ví dụ như bằng cách tăng cường hoạt động sản xuất của chất truyền dẫn thần kinh serotonin, thuốc chống trầm cảm có thể tăng thêm việc tạo mô thần kinh. (Đây là một trong những điều kỳ quặc có thật trong nghiên cứu dược phẩm, đôi khi một loại thuốc nào đó có thể chữa trị được mà thậm chí người phát minh ra nó không chắc chắn tại sao thuốc của họ lại có tác dụng.)

Thuốc chống suy nhược chưa phải là phương cách duy nhất giúp sản sinh neuron mới (đây là lĩnh vực còn thiếu lý thuyết và nghiên cứu chứng minh). Nhân loại chưa thể quan sát được quá trình phát triển các mô thần kinh, kỹ thuật hiện đại chưa đạt được sự quan sát này. Tuy nhiên các nghiên cứu thực hiện trên động vật cho thấy các bài tập thể dục aerobic — đặc biệt là chạy bộ — có thể làm tăng gấp đôi số lượng neuron mới, sản xuất trong não bộ của chuột. Vấn đề là những neuron mới sinh không tồn tại được lâu.

Alderman và đồng nghiệp viết trong bài báo khoa học: “Thậm chí dưới những điều kiện “khỏe mạnh”, nhiều tế bào mới có thể chết sau khi sinh ra chỉ được vài tuần, cũng như thường chết đi trước khi phát triển thành những tế bào trưởng thành.”

Nhóm chuyên gia nói trên cho rằng khi tham gia vào quá trình thiền định, những tế bào não mới có thể “được cứu sống thay vì phải chết yểu, bằng một kinh nghiệm thực tập mới”. Bài báo khoa học này nói “Nếu hoạt động thể dục thể thao giúp tăng cường sự sản xuất neuron mới trong bộ não người trưởng thành, thì các kinh nghiệm thiền định, huấn luyện tâm thần một cách đầy nỗ lực, sẽ giữ được số lượng đáng kể các tế bào mới sinh được tồn tại lâu dài.”
Nếu hoạt động thể dục thể thao giúp tăng cường sự sản xuất neuron mới trong bộ não người trưởng thành, thì các kinh nghiệm thiền định, huấn luyện tâm thần một cách đầy nỗ lực, sẽ giữ được số lượng đáng kể các tế bào não mới sinh được tồn tại lâu dài.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu kết hợp cả hai phương cách? Để kiểm tra, Alderman và đồng nghiệp tuyển chọn 52 thanh niên tham gia thí nghiệm, 22 người trong số đó đang bị rối loạn tâm thần và trầm cảm. Họ được trung tâm trị liệu tâm lý của trường đại học giới thiệu. (Những người còn lại tham gia thí nghiệm đều ở trong “điều kiện khỏe mạnh đặc trưng”.)

Thí nghiệm xảy ra trong tám tuần lễ, cứ hai tuần một lần, những người tham gia cuộc thí nghiệm báo cáo về phòng lab những hoạt động huấn luyện MAP. Trong những buổi huấn luyện MAP, họ có 30 phút thiền định và 30 phút chạy bộ trên máy chạy bộ Treadmill. Khi bắt đầu cuộc nghiên cứu, tất cả những thanh niên phải trải qua những bài kiểm tra nhằm đánh giá các triệu chứng trầm cảm, và những bài kiểm tra được thiết kế để đo lường sự kiểm soát nhận thức của cá nhân, hay nói một cách khác, đo lường khả năng của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ sự tập trung của họ đến đâu. Họ lặp lại những bài kiểm tra này khi đợt thí nghiệm kết thúc.

Phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy các triệu chứng trầm cảm đã giảm hẳn trong cả hai nhóm, đặc biệt là ở nhóm bị trầm cảm và rối loạn tinh thần. Hai nhóm cũng cho thấy sự tiến bộ trong bài kiểm tra về sự kiểm soát nhận thức.

Quá trình huấn luyện MAP hữu hiệu như thế nào?

Một lần nữa cần nhấn mạnh rằng yếu tố “Tại sao” vẫn chưa được trả lời rõ ràng. Tuy nhiên về mặt lý thuyết thì vùng não bộ hippocampus có liên quan đến việc học và ghi nhớ, cụ thể hơn đây là nơi lưu giữ những ký ức ngắn hạn theo từng giai đoạn. Bạn có thể nhớ lại lần sinh nhật năm ngoái vì đây là một chương trong cuộc đời, và người ta nghĩ rằng vùng hippocampus giúp bạn làm được chuyện này. Trong phương pháp thiền định chú tâm, một người sẽ học được cách tập trung suy nghĩ của mình lên một việc đều đặn nào đó, thông thường là chú tâm vào hơi thở. Nếu suy nghĩ của người thực tập bị trôi dạt đi nơi khác, thì cô ta nhận biết được sự thay đổi, và đơn giản là đưa sự chú tâm quay về với việc hít thở.
Meditation
Meditation Source: Flickr jacme31
Alderman và đồng nghiệp viết: “Bằng thực tập thiền định, một người có thể học được cách phát hiện ra rằng sự chú tâm của họ đã đi lệch hướng. Họ có thể áp dụng kỹ năng mới này, để giúp hướng sự chú tâm của mình vào khoảnh khắc hiện tại, không chỉ trong khi ngồi thiền mà còn trong mọi hoạt động của cuộc sống thường nhật.”

Họ nói có lẽ những neuron mới sinh ra trong vùng não bộ hippocampus — đã tăng thêm đi chạy bộ và được nuôi sống bằng sự thiền định – đã giúp đỡ để giảm bớt sự trầm cảm cho những người tham gia.

Nhưng cần nói thêm một lần nữa, có thể mọi thứ không xảy ra như vậy. Các nhà nghiên cứu không kiểm tra nguyên nhân tại sao lại xảy ra sự thay đổi trong các triệu chứng trầm cảm. Họ chỉ đơn giản là ghi nhận lại quá trình thay đổi xảy ra mà thôi. Tuy nhiên đây là nghiên cứu thứ hai chỉ ra sự tác động mạnh mẽ khi kết hợp chạy bộ và thiền định. Trong một nghiên cứu trước đó, Alderman và một nhóm khoa học gia đã áp dụng một thí nghiệm tương tự, mà thành viên tham gia thí nghiệm là những người mẹ trẻ vô gia cư. Hầu hết trong số họ không chỉ có lịch sử bị trầm cảm, mà còn từng bị xâm phạm tình dục và xâm phạm cơ thể.  Kết quả nghiên cứu này cho thấy gần một nửa triệu chứng trầm cảm trong những người mẹ trẻ này đã giảm hẳn.

Trong cuốn sách “Running, a love story”, tác giả Miller chủ yếu thuật lại kinh nghiệm cá nhân, tuy nhiên cô cũng nghĩ rằng thỉnh thoảng thể thao đã thay đổi chính mình và tạo ra một con người hoàn toàn mới. Tác giả dẫn lời Katharine Jefferts Schori, Giám mục chủ nhà thờ Tân giáo Episcopal Church thứ 26. Bà cũng là một vận động viên điền kinh. Bà nói: “Người chạy bộ bắt đầu hiểu được hồng ân sẽ đến cùng với việc một cơ thể luôn vận động và một bộ não rỗng.” Tác giả Miller nói thêm: “Bà còn nhắc đến sức mạnh của sự cầu nguyện, nhưng tôi đã ngừng đi nhà thờ từ hồi trung học. Những đường chạy cự li dài là những gì mang lại hiệu quả, để giúp tôi quay lại cuộc đời này.”

Share
Published 29 December 2016 5:52pm
Updated 7 September 2023 9:58pm
By Melissa Dahl, Lê Tâm
Source: The Feed

Share this with family and friends