Cá Hồi nuôi tại Úc: Thương hiệu nào dùng nhiều kháng sinh nhất?

Theo số liệu chính thức từ Bộ các Kỹ nghệ Chính yếu Tasmania, số kháng sinh tất cả các nhà sản xuất cá hồi dùng trong sản xuất năm 2012 là 48,4 kg, 2015 là 32,3 kg và năm 2016 tăng vọt lên đến 800 kg.

Salmon

Salmon Source: consumerist.com

Báo hôm 5/8 trích dẫn thông tin từ một số liệu thống kê mới cho thấy, hiện chỉ có một nhà sản xuất cá hồi tại Australia, đó là Tassal tăng cường sử dụng kháng sinh trong hoạt động nuôi cá.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều lời kêu gọi người nuôi cá hạn chế bớt việc sử dụng các loại thuốc trong hoạt động nuôi thủy sản nhằm ngăn chặn sự gia tăng các loại siêu vi khuẩn (superbugs).

Tassal dùng nhiều kháng sinh nhất

Điều đáng quan tâm, chính Tassal lại là công ty cá hồi lớn nhất của Úc.

Chỉ trong giai đoạn từ 2012-13 và 2015-16, bất chấp hứa hẹn sẽ cải thiện cách nuôi thủy sản và cho dù các đối thủ cạnh tranh của họ đã giảm đáng kể việc sử dụng kháng sinh, Tassal vẫn tăng đến 4 lần lượng kháng sinh sử dụng trong việc nuôi cá hồi.

Theo Sustainability Report mới nhất, một bản phúc trình cung cấp thông tin về tính bền vững trong các hoạt động kinh tế, môi trường, xã hội Úc, Tassal đã cho sử dụng tổng cộng là 301 kg chất kháng sinh trong hoạt động nuôi cá Hồi, tức là tăng 443% so với 3 năm trước.

Nếu tính ra mỗi tấn cá Hồi, Tassal sử dụng đến 9.8 gram kháng sinh trong chăn nuôi, tăng 353% so với lượng sử dụng cho mỗi tấn cá cách đây ba năm.
Salmon
Salmon Source: The Age
Tuy nhiên, theo một phát ngôn nhân của Tassal thì trong 15 năm qua, việc sử dụng kháng sinh đã giảm đáng kể trong nuôi cá hồi trên toàn thế giới và tại Tasmania.

Việc sử dụng kháng sinh có thể dao động từ năm này sang năm khác tùy thuộc vào việc cá có cần điều trị bằng kháng sinh hay không.

Trong năm 2008-09, Tassal đã dùng đến 4.1 tấn kháng sinh trong việc chăn nuôi cá hồi của họ, đây là điều xảy ra trước khi có lời kêu gọi từ các cơ quan chức năng, cần cắt giảm việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo về việc sử dụng kháng sinh ở người và động vật (bao gồm cả cá nuôi) bởi họ tin rằng việc này dẫn đến sự gia tăng của các loại siêu vi khuẩn kháng thuốc – thứ được mệnh danh là "Mối nguy cơ khẩn cấp và lớn nhất toàn cầu".

Về phần mình, Tassal khẳng định công ty chủ yếu sử dụng oxytetracycline để điều trị nhiễm trùng Yersinia vào năm 2016, thế nhưng chất này bị WHO liệt vào loại chất chống vi sinh vật đáng ngại với sức khỏe con người.

Chưa bỏ được kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản tại Úc

Thế nhưng, thực tế thì theo số liệu chính thức từ Bộ các Kỹ nghệ Chính yếu của Tasmania cho thấy, việc sử dụng kháng sinh của tất cả các nhà sản xuất cá hồi trong năm 2012 là 48,4kg và 2015 là 32,3kg trước khi tăng vọt lên vào năm 2016 là dùng đến 800kg.

Hầu hết chất họ dùng là oxytetracycline, các chuyên gia y tế và môi trường trước đây đã từng bảy tỏ những lo ngại rằng các loài chim và cá trong môi trường hoang dã ăn phải chính những loại thuốc hay đồ ăn chứa kháng sinh, thậm chí là lo ngại sẽ gây ô nhiễm biển.
Food Salmon
Food Salmon Source: The Age
Giáo sư John Turnidge, cố vấn y tế cấp cao của Ủy ban An toàn và Phẩm Chất Chăm sóc Y tế của Úc, có cho biết mặc dù số liệu về hoạt động nuôi cá của Tassal đáng thất vọng, nhưng ông tin rằng áp lực thương mại sẽ buộc công ty này phải cố gắng loại bỏ việc sử dụng kháng sinh.

Ông cũng cho biết là về tổng thể, ngành kỹ nghệ cá hồi đã làm khá tốt việc phát triển vaccin để tránh dùng đến kháng sinh.

Ông nói rằng tại Úc đã bắt đầu việc giám sát các loại động vật nuôi lấy thịt và cho đến lúc này không có bằng chứng rõ ràng cho thấy con người có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc trụ sinh từ thịt của vật nuôi.

Thế nhưng, trong khi mà Tassal chưa thật sự quan tâm đến việc sử dụng nhiều kháng sinh trong hoạt động chăn nuôi cá Hồi của mình thì các công ty khác lại đang tích cực giảm thậm chí là từ bỏ kháng sinh.

Sẽ nỗ lực giảm tối đa kháng sinh

Không giống như Tassal, Công ty nuôi thủy sản Huon (Hiu-On) đã giảm được 95% lượng thuốc kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi, họ chỉ còn dùng 5.45 kg kể từ năm 2013-14.

Giám đốc của Huon, ông Steve Percival, cho biết mặc dù vẫn cỏn dùng oxytetracycline, nhưng công ty "rất ý thức được ảnh hưởng quan trọng của oxytetracycline với sức khoẻ con người". Ông nói các loại thuốc này là lựa chọn cuối cùng.

"Nếu bác sỹ thú y của chúng tôi cảm thấy cần phải điều trị cá bằng kháng sinh vì chúng bị bệnh, thì việc sử dụng đó được giám sát, báo cáo và điều chỉnh chặt chẽ bởi chính phủ.”

“Đồng thời sẽ phải chờ một thời gian phù hợp trước khi thu hoạch cá đã được điều trị bởi thuốc kháng sinh,” ông Percival nói.

Một đối thủ cạnh tranh khác của Tassal nữa là Petuna, công ty này tuyên bố họ đã phần nào loại bỏ được việc sử dụng kháng sinh, bằng cách phát triển vắc-xin.

"Nếu chúng tôi cần phải điều trị cho cá vì lý do sức khoẻ của cá, thì chúng tôi sẽ làm, nhưng nếu sử dụng kháng sinh, thì chúng tôi sẽ không thu hoạch cá đó cho đến khi đủ thời gian để bảo đảm không còn phát hiện ra dấu vết dư thừa kháng sinh," một phát ngôn nhân nói với The Age.

Trong khi đó, Tassal cho biết đàn cá hồi nuôi năm 2017 đã được chủng ngừa và không tính sẽ sử dụng bất kỳ kháng sinh nào.

Được biết, Công ty này có niêm yết chứng khoán trên ASX, và mỗi năm Tassal sản xuất hơn 25 ngàn tấn cá hồi.

 


Share
Published 7 August 2017 7:34pm
Updated 7 August 2017 8:30pm
By Xuân Ngọc

Share this with family and friends