Blog: Khi ngôn ngữ trở thành rào cản giữa hai thế hệ

Một khi giữa bạn và thế hệ bố mẹ là những người di dân sang đây xuất hiện rào cản ngôn ngữ, có những thấu hiểu cũng sẽ vì đó mà mất theo, và mọi cuộc hội thoại giữa bạn và bố mẹ đều trở thành những cuộc ‘vật lộn’ với việc giải thích và truyền tải thông tin ở mức cơ bản nhất.

Vivian Huynh

When there’s a language barrier between you and your immigrant mother, a certain intimacy is lost. Source: Supplied

Là một người trẻ được gọi là thế hệ thứ hai sinh ra tại Úc, bạn sẽ hiểu được một trong những rào cản ngăn trở giữa bạn và bố mẹ mình chính là ngôn ngữ. Cả nỗ lực đầu tiên để hiểu được tiếng nói cũng không thể thực sự hoàn thành thì khó có thể tiến xa hơn trong việc thấu hiểu nhau. 

Tôi đang mò mẫm quanh cái tủ lạnh. “Mẹ, chữ ‘coriander’ trong tiếng Việt là gì?” Chỉ duy nhất chữ đó trong câu hỏi là tôi không thể dịch ra tiếng Anh.

Bà nheo mắt lại, “Cái gì?”

Co-ri-an-der”, tôi lặp lại một lần nữa với kiểu phát âm tiếng Anh bằng giọng Việt Nam nghe chẳng ra làm sao, nhưng tôi hi vọng chí ít thì bà có thể hiểu được. “Mẹ biết mà…ờ…một loại rau. À không không, một loại thảo mộc. Nó màu xanh. Mẹ bỏ nó vào bánh mì ấy…”

Kết quả là tôi buộc phải tự dò tìm loại thảo mộc đó ở trên Google, và đưa hẳn cho bà xem trên màn hình điện thoại.

“Ohhh…ngò. Không, nhà chẳng có ngò.” Bà nhìn tôi và nói, “Với lại Google nó dịch chả đúng chút nào đâu nha!”

Tôi nói tiếng Việt tàm tạm vì ít nhiều tôi đã lớn lên cùng với nó. Tiếng Anh của mẹ tôi thì có chút tiến bộ, nhưng dĩ nhiên bà vẫn thường xuyên dùng tiếng Việt tại vì nó dễ hơn. Thế nên chúng tôi thường xuyên phải vật lộn với những cuộc hội thoại, đau đầu kinh khủng.
Vivian Huynh
The writer as a child with her mother. Source: Supplied
Lần đầu tiên tôi nhận được tin nhắn của mẹ, được viết bằng tiếng Anh hẳn hòi, tôi đã nghĩ làm gì có chuyện đó, chắc là đứa nào đó ‘spam’ mình.

Hello dear-enjoy your day- come home soon.

Cái tin nhắn đó lịch sự và nhẹ nhàng quá đáng, hoàn toàn khác xa với người phụ nữ châu Á nhỏ nhắn nhưng vô cùng năng động mà tôi gọi là ‘mẹ’.
Một khi giữa bạn và thế hệ bố mẹ là những người di dân sang đây xuất hiện rào cản ngôn ngữ, có những thấu hiểu cũng sẽ vì đó mà mất theo, và mọi cuộc hội thoại giữa bạn và bố mẹ đều trở thành những cuộc ‘vật lộn’ với việc giải thích và truyền tải thông tin ở mức cơ bản nhất.
Có một hôm nọ, khi đang ăn cơm trưa thì mẹ tôi chồm người qua bàn. “Con trai cô Nga đang hẹn hò với kĩ sư đó.”

Lập tức trong não tôi thực hiện một cú quét, nhưng vô vọng, chẳng có từ nào trong đầu tôi có thể lý giải được cái từ đó.

“Là sao, là giống như talking doctor? Bác sĩ mà nói chuyện?” (Ý tôi là có phải là bác sĩ tâm thần.)

“Không, kĩ sư.” Mẹ thở dài. “Mày biết mấy người giỏi toán, họ học xây dựng…”

Tôi chộp ngay lấy cái điện thoại và bấm ghi lại nhanh hết mức có thể.

Mẹ tôi thì lại có phương pháp học của riêng bà. Bà nâng niu cái từ điển điện tử bằng nhựa, dịch từ “Anh sang Việt” mà bà hay để nó nằm kế bên cuốn sổ mỏng bà dùng để luyện tập.

Trong cuốn sổ, bà liệt kê ra toàn bộ những từ tiếng Anh mới mà bà coi thấy trong phần phụ đề ở trên tivi. ‘I-n-t-e-r-o-g-a-t-i-o-n’ bà viết cẩn thận lại cái từ đó, khi trên màn hình tivi hiện hình ảnh nhóm cảnh sát đang tra khảo một gã nào đó.

Tôi thường mường tượng ra cái cảnh đẹp đẽ mà hai mẹ con người da trắng trò chuyện với nhau, những cuộc hội thoại đầy sâu sắc và nhiều ý nghĩa. Có một lần, tôi vô tình nghe lỏm được cuộc trò chuyện trên điện thoại của cô bạn cùng nhà khi cổ giải thích với mẹ mình về ưu điểm và nhược điểm của vòng tránh thai, vừa nói chuyện cổ vừa nấu mì ý. Tôi kinh ngạc kinh khủng. Tôi thậm chỉ là không nghĩ mình đủ từ vựng để dám đề cập đến những chủ đề vĩ mô đó. (“Mẹ, con đặt cái que chặn em bé trong người” chắc chắn là nghe chẳng ra làm sao cả.)
Vivian Huynh
Source: Supplied
Có nhiều lúc tôi ngồi chơi ở nhà mẹ, tôi chăm chú nhìn bà những lúc bà ngâm nga mấy bản nhạc ballad tiếng Việt, và tự hỏi là có bao nhiêu phần đẹp đẽ trong tâm hồn bà đã không thể truyền đến được cho tôi, chỉ vì những từ ngữ đã trôi tuột ra khỏi cổ họng của chúng tôi và tan vào trong không khí. Tôi ước chúng tôi có thể trò chuyện với nhau được nhiều hơn. Nhưng bạn phải nắm bắt bất cứ điều gì mà trong khả năng bạn có thể.

Lúc này đây, khi đứng trong căn bếp, tôi chìa cái tấm thiệp mỏng màu trắng ra. “Gửi mẹ,” tôi viết những dòng bên trong tấm thiệp. “Chúc mừng ngày của mẹ! Con mong là mẹ luôn hạnh phúc. Yêu mẹ, Vi.”

Tôi cẩn thận nắn nót từng chữ viết hoa bên trong tấm thiệp. Tôi chưa nói ra được hết những điều tôi muốn nói, vì tôi  hiểu vốn tiếng Anh của bà vẫn chưa đủ. Nhưng điều đó chẳng phải là vấn đề. Tôi thấy ánh mắt bà lướt qua từng từ một, và bà mỉm cười. Tôi biết là bà hiểu được tấm lòng của tôi.

Bài viết của Vivian Huynh trên do Candice Chung biên tập. 
Vivian Huynh là nhạc sĩ và nhà văn. 


Share
Published 13 July 2018 10:24am
Updated 20 December 2018 3:43pm
By Minh Phuong, Candice Chung

Share this with family and friends