30 tháng 4: Quốc Hận hay Quốc Vinh?
Chiến tranh đã để lại cho dân tộc Việt Nam quá nhiều bất hạnh.
Theo ghi nhận của lịch sử, hiệp định chấm dứt chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam đã được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại Paris.
Tuy nhiên, miền Nam Việt Nam đã bị quân đội Cộng Sản Bắc Việt xâm chiếm vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 bất chấp thoả hiệp ngưng chiến đã được ký kết trước đó.
Đối với bên thắng cuộc đó là ngày Giải phóng Miền Nam thoát ách đế quốc Mỹ và Nguỵ quyền Cộng Hoà, ngày thống nhất hai miền đất nước. Theo họ, một lần nữa chiến tranh đã chấm dứt và hoà bình đã mỉm cười với dân tộc Việt Nam.
Thế nhưng từ ngay sau ngày định mệnh ấy hàng triệu người Việt đã bỏ quê hương yên bình vượt biên bất chấp sự bắt bớ, tù đầy và hiểm nguy trên lộ trình băng rừng vượt trùng dương.
Hòa bình rồi nhưng sao người Việt lại ào ạt thí mạng bỏ chạy như thế?
"Họ cũng là những người bỏ nước ra đi tuy với thân phận du học sang trọng hơn thân phận tỵ nạn của tôi trước đây. Đa số họ chỉ biết đến ngày 30 tháng 4 như một kỷ niệm chiến thắng dù trong gượng gạo", Thảo Đinh
Cho đến tận ngày nay, gần 41 năm sau chiến thắng hoành tráng năm nào, khi Đảng và nhà nước đang háo hức kỷ niệm 41 năm giải phóng đất nước thì rất rất nhiều người dân Việt vẫn đang tìm đường ra đi một cách hợp pháp bằng những phương tiện di chuyển hiện đại an toàn với sổ thông hành hẳn hoi và một số tài sản không nhỏ.
Vậy đối với dân tộc Việt Nam trên toàn thế giới thì ngày 30 tháng 4 hàng năm là ngày gì?
Đối với bản thân tôi, một người đã từng bị bắt, đánh đập và nhốt tù vì tội vượt biên và trốn trại giam khi mới lên mười một tuổi, tôi đã quá quen thuộc với hai từ “Quốc Hận” được gắn liền với ngày 30 tháng 4.
Nhưng sau 34 năm định cư trên đất chuột túi này, tôi vẫn băn khoăn không biết nên đặt tên cho ngày này là ngày gì khi cả nước Việt Nam đang tích cực chuẩn bị tinh thần cho những ngày nghỉ lễ nhân dịp 30 tháng 4 sắp đến.
Vì những người Việt Nam tôi quen biết hiện nay đa số là những người có điều kiện tài chánh và trình độ học vấn mới từ Việt Nam qua với hy vọng đạt được một xuất định cư lâu dài trên đất nước này.
Họ cũng là những người bỏ nước ra đi tuy với thân phận du học sang trọng hơn thân phận tỵ nạn của tôi trước đây. Đa số họ chỉ biết đến ngày 30 tháng 4 như một kỷ niệm chiến thắng dù trong gượng gạo.
Có lẽ hai chữ “Quốc Hận” dành riêng cho ngày 30 tháng 4 đối với họ là xúc phạm vì bao nhiêu năm nay với chính sách truyền thông và giáo dục nghiêm khắc của Đảng Cộng Sản Việt Nam thì họ chỉ biết đến ngày 30 tháng 4 như một ngày vinh quang.
Hy vọng một ngày không xa, 30 tháng 4 không còn được kỷ niệm như một ngày “Quốc Hận” hay “Quốc Vinh” của dân tộc mà là ngày mọi người nhận ra được sự bất hạnh mà chiến tranh đã gây ra cho quê hương mình, để cảm thông cho nỗi niềm đau chung của dân tộc Việt, thay vì nuôi dưỡng nỗi uất hận cá nhân hay hun đúc niềm tự hào của một đảng phái, được ghi nhận bằng hàng triệu vong linh đã bỏ mạng sau ngày hoà bình tái thiết, và sự hiện diện của người Việt lưu vong tại hầu hết khắp nơi trên toàn thế giới.
Trong khi chờ mong ngày này chúc các bạn thượng lộ bình an.
Thảo Đinh
24/04/2016
-
Đây là bài viết và hình ảnh gửi về đóng góp trong chuyên đề 30/4 và bản sắc của bạn. Đọc thêm .