Key Points
- Người Úc đang được cảnh báo về một trò lừa đảo mới trên các trang mạng rao vặt trực tuyến.
- Một phụ nữ ở Melbourne đã suýt mất $500 khi rao bán máy tính xách tay trên mạng.
- ACCC cho biết có nhiều cách để người tiêu thụ tự bảo vệ mình.
Cô Alexandra Duffin, 29 tuổi, sống ở Melbourne, đã suýt bị lừa mất $500 sau khi đăng bán máy tính xách tay của mình trên Facebook Marketplace.
Kẻ gian đã nhắn tin cho cô hỏi mua máy tính, sau đó hẹn gặp tại một nhà hàng ở địa phương. Tuy nhiên, sau đó hắn nói với cô rằng hắn không thể gặp mặt trực tiếp và sẽ nhờ người thân đến lấy hàng, đồng thời yêu cầu thanh toán bằng PayID.
Kẻ lừa đảo đã hỏi địa chỉ email của Alexandra và gửi cho cô một biên lai giả, xác nhận đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của cô.
Bên cạnh đó, hắn còn nói rằng: “Tôi sẽ gửi cho cô thêm $500, tức tổng cộng là $1200 vào tài khoản của cô. Sau đó, cô phải gửi trả lại cho tôi $500.”
An interaction between Ms Duffin and a scammer, who told her she is a "God fearing person".
“Sau khi tôi đọc email, tôi phát hiện nó đến từ một tài khoản Gmail. Tôi nhận ra đây là một trò lừa đảo,” cô nói.
“Chúng ta đều biết các công ty lớn không sử dụng Gmail.”
Cô Duffin ngay lập tức chặn kẻ lừa đảo trên Facebook.
Nhiều người khác đã báo cáo các trường hợp tượng tự về những người sử dụng PayID để lừa người bán trên các trang mạng rao vặt như Facebook Marketplace và Gumtree.
Trò lừa đảo PayID hoạt động như thế nào?
Ngân hàng Heritage hồi tháng trước đã cảnh báo khách hàng về cách thức hoạt động của trò lừa đảo này.
Những kẻ lừa đảo thường giả làm người mua hàng, sau đó nói với người bán rằng họ không thể gặp mặt trực tiếp và sẽ nhờ người thân hoặc bạn bè lấy hàng giúp.
“Những kẻ lừa đảo sau đó gửi email PayID giả cho người bán,” ngân hàng Heritage cho biết.
“Email giả mạo này viết rằng có trục trặc khi nhận thanh toán, bởi vì những giới hạn trên tài khoản PayID dành cho cá nhân.
“Trước tiên, người bán phải chuyển tiền để tăng giới hạn PayID của họ, để họ có thể nhận được khoản thanh toán. Sau khi thực hiện điều này, họ được hứa rằng họ sẽ nhận được tiền hoàn lại và khoản thanh toán của người mua.
“Thay vào đó, những người bán hàng cả tin bị lừa gửi tiền cho những kẻ lừa đảo.”
Làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi những trò lừa đảo
Cơ quan giám sát người tiêu thụ Úc cho biết để tránh bị lừa, người dân nên duy trì liên lạc và giao dịch thông qua một nền tảng an toàn.
“Nhiều người đã bị mất tiền sau khi liên lạc với kẻ lừa đảo qua email để trao đổi về việc mua hàng trên các trang bán hàng trực tuyến,” một phát ngôn nhân của ACCC nói với SBS News.
Những kẻ lừa đảo thường yêu cầu các phương thức thanh toán như thẻ quà tặng được nạp tiền sẵn, chuyển tiền qua ngân hàng nội địa hoặc quốc tế, và tiền điện tử, khiến việc lấy lại tiền trở nên khó khăn hơn. ACCC khuyên người dân nên sử dụng PayPal hoặc thẻ tín dụng.
ACCC cũng cảnh báo người dân nên cảnh giác với những mặt hàng được bán với giá quá thấp so với những mặt hàng hoặc trang mạng tương tự.
“Hãy chậm lại và suy nghĩ xem liệu mức giá có quá tốt đến mức khó tin hay không,” phát ngôn nhân cho biết.
Cần phải làm gì nếu bị lừa?
Nếu bạn cho rằng mình đã bị lừa, ACCC khuyên bạn nên liên lạc với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của mình càng sớm càng tốt.
Bạn cũng nên liên lạc với nền tảng mà bạn sử dụng và thông báo cho họ về vụ lừa đảo.
“Hãy nói với bạn bè và gia đình của bạn, họ có thể hỗ trợ, và bạn có thể giúp bảo vệ họ khỏi những trò lừa đảo,” phát ngôn nhân của ACCC nói.
Đã có hơn 10.000 báo cáo về các vụ lừa đảo trong năm 2022, và người Úc đã mất tổng cộng hơn $8.000.000.
Một phát ngôn nhân của Australian Payments Plus cho biết các khách hàng “nên yên tâm rằng PayID vẫn là một cách thức an toàn để nhận tiền”.
“Với sự gia tăng hành vi lừa đảo và những kẻ lừa đảo tinh vi hơn, khách hàng cần phải cảnh giác với những trò lừa đảo,” ông nói.
“Việc bảo vệ khách hàng khỏi những trò lừa đảo đòi hỏi nỗ lực chung và Australian Payments Plus tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng, ngành dịch vụ tài chính và các cơ quan quản lý để chống lại vấn đề này.
“Trong trường hợp này, Australian Payments Plus cũng đang thực hiện hành động cụ thể để đóng các địa chỉ email lừa đảo mạo danh PayID.”