Key Points
- Cảnh sát bắt giữ một người đàn ông được cho là đã kiếm được “một khoản tiền đáng kể” thông qua trò lừa đảo “Hi Mum”.
- Những kẻ lừa đảo gửi tin nhắn cho nạn nhân, mạo danh người thân để mượn tiền.
- Hơn 11.000 vụ lừa đảo đã được báo cáo ở Úc trong năm 2022, gây thiệt hại hơn 7,2 triệu đô la.
Vào năm 2022, người Úc được cho là đã mất tổng cộng hơn 7 triệu đô la thông qua trò lừa đảo bằng tin nhắn “Hi Mum”.
Gần đây, cảnh sát Victoria đã bắt giữ một người đàn ông sử dụng phương thức lừa đảo này để kiếm được “một khoản tiền đáng kể”.
Trò lừa đảo “Hi Mum” là gì?
“Hi Mum” là một trò lừa đảo đơn giản nhưng hiệu quả.
Thủ phạm gửi tin nhắn, thường là qua WhatsApp hoặc SMS, giả làm bạn bè hoặc thành viên gia đình bị mất điện thoại hoặc đổi số mới, sau đó nói rằng mình không thể truy cập hệ thống ngân hàng trực tuyến và hỏi mượn tiền nạn nhân.
The WhatsApp message received by Liz Lawson from who she believed to be her daughter.
Theo số liệu tháng 12/2022 của Ủy ban Giám sát Cạnh tranh và Người tiêu thụ Úc (ACCC), hơn 11.000 vụ lừa đảo đã được báo cáo vào năm 2022, gây thiệt hại hơn 7,2 triệu đô la.
Cảnh sát bắt giữ một người đàn ông ở Melbourne
Hôm thứ Sáu tuần trước, cảnh sát ở Doncaster, Melbourne xác nhận một người đàn ông đã bị bắt và buộc tội về các vụ lừa đảo trực tuyến.
Nghi phạm bị cáo buộc đã kiếm được “một khoản tiền đáng kể” thông qua trò lừa đảo “Hi Mum”, cùng với việc sử dụng giấy tờ giả để mua hàng điện tử.
Cáo buộc được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài sáu tuần.
Trò lừa đảo này vẫn còn phổ biến tại Úc và trên thế giới, và cảnh sát đang kêu gọi công chúng nâng cao nhận thức về các hình thức lừa đảo mới.
Những ai thường là nạn nhân?
Theo ACCC, hơn 2/3 số vụ lừa đảo được báo cáo bởi phụ nữ trên 55 tuổi.
“Thật không may, những kẻ lừa đảo vô đạo đức này đang nhắm mục tiêu vào phụ nữ và người cao tuổi ở Úc, với 82% các vụ lừa đảo mạo danh gia đình được báo cáo bởi những người trên 55 tuổi, chiếm 95% tổng số thiệt hại được báo cáo,” Phó Chủ tịch ACCC Delia Rickard cho biết.
Một người phụ nữ 53 tuổi tên là Liz Lawson ở Perth đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này sau khi nhận được tin nhắn từ một người giả làm con gái bà, lúc đó đang làm việc tại Hoa Kỳ.
“Đó là một tin nhắn dài và đau khổ, nói rằng nó đã đánh rơi điện thoại trong nhà vệ sinh và điện thoại không còn hoạt động do bị vô nước, nên nó đã mượn một chiếc điện thoại và mua một thẻ SIM mới,” bà nói.
“Tin nhắn rất thuyết phục vì con gái tôi đang làm việc trên thuyền, trước đây nó đã từng làm mất và hư điện thoại, đặc biệt là bị vô nước, và nó đã từng mượn tiền tôi một vài lần trước đây, gần đây nhất là khi nó cần mua thiết bị máy ảnh.”
Vụ lừa đảo đã khiến bà Lawson mất gần $10.000.
Ngân hàng sau đó đã hoàn trả toàn bộ số tiền cho bà, nhưng nhiều nạn nhân đã không thể lấy lại được tiền của họ.
Làm thế nào để bảo vệ bản thân?
ACCC kêu gọi những người nhận được tin nhắn đáng ngờ từ một số điện thoại lạ, hãy tìm cách xác minh.
“Nếu có người nhắn tin tự xưng là con trai, con gái, người thân hoặc bạn bè của bạn, hãy gọi cho số máy cũ của người đó được lưu trên điện thoại của bạn, để kiểm tra xem họ có còn sử dụng số đó hay không. Nếu họ bắt máy thì tin nhắn đó là một trò lừa đảo,” bà Rickard nói.
“Nếu không thể liên lạc, bạn nên thử một cách khác để xác minh người bạn đang nói chuyện. Nếu bạn vẫn không thể liên lạc với thành viên gia đình hoặc bạn bè của mình, hãy đặt một câu hỏi cá nhân mà kẻ lừa đảo không thể biết câu trả lời.”
Scamwatch cũng khuyên bạn nên cân nhắc và kiểm tra cẩn thận trước khi gửi tiền cho bất kỳ ai và suy nghĩ kỹ trước khi nhấn vào các liên kết trên mạng, ngay cả khi chúng có vẻ đến từ một doanh nghiệp hoặc người mà bạn tin tưởng.
Để giữ an toàn cho tài khoản của bản thân, Scamwatch khuyên bạn nên sử dụng mật khẩu mạnh, thường xuyên cập nhật phần mềm bảo mật và bật chế độ xác thực đa yếu tố (multi-factor authentication).