Sau chặng New Zealand ông Nguyễn Xuân Phúc, cùng phu Trần Nguyệt Thu và phái đoàn đã đến Canberra mở đầu chuyến thăm chính thức, trước khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Asean-Úc tại Sydney vào cuối tuần này.
Thủ tướng Việt Nam đã được đón tiếp với 19 phát đại bác và hàng binh danh dự (15/3).
Hai bên nhấn mạnh đến sự phát triển trong 45 năm qua trong mối bang giao giữa hai nước.
"Từ 1973 đến nay mối quan hệ Việt Nam và Australia đã phát triển vững mạnh và thực chất trên nhiều lĩnh vực," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Thủ tướng Malcolm Turnbull nói tự do tiếp cận và mở cửa kinh tế, thương mại tư do và mở cửa thị trường, và duy trì sự pháp trị trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế, là vô cùng quan trọng để cho kinh tế thịnh vượng, và chúng ta có an ninh.
"Và dĩ nhiên nhờ sự tương thích sâu xa đó mà chúng tôi đã đóng vai trò lãnh đạo trong để Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương không bị sụp đổ. Và như chúng tôi đã thảo luận với nhau ban nãy, Hiệp định TPP-11 đã được ký kết. Đó là nhờ công lớn của Ngài Thủ Tướng đây."
Hai thủ tướng đã chính thức ký kết nâng quan hệ đối tác toàn diện lên thành đối tác chiến lược nhằm tăng cường hợp tác trong các lãnh vực kinh tế, an ninh, thương mại, đầu tư, phát triển và du lịch.
Trong dịp này hai bên cũng chứng kiến việc ký kết các thỏa thuận trong lãnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu. Việt Nam là một trong những nước Á Châu Thái Bình Dương hưởng lợi từ Kế hoạh Colombo.
Năm ngoái đã có hơn 23 ngàn sinh viên Việt Nam qua Úc du học.
Tháp tùng thủ tướng Việt Nam là một phái đoàn hùng hậu trên dưới 150 giới chức và lãnh đạo doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Asean-Úc vào cuối tuần này ở Sydney.
An ninh siết chặt quanh trung tâm Sydney
Cảnh sát cho biết an ninh sẽ được xiết chặc quanh khu vực Darling Harbour nơi hội nghị thượng đỉnh diễn ra.
Cảnh sát được quyền chặn xét và bắt đi bất kỳ ai tình nghi gây rối trong trung tâm thành phố.
Từ tối hôm qua cảnh sát đã bắt đầu hộ tống các đoàn xe của lãnh đạo Asean đang đến Sydney.
Các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền thúc giục nước chủ nhà cần đưa vấn đề nhân quyền vô nghị trình khi mà đa số các nước trong Asean đều bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Bà Elaine Pearson, Giám đốc Human Rights Watch (HRW) tại Úc nói đây là cơ hội hiếm có cho nước chủ nhà:
"Nếu Úc không chịu nêu các quan ngại về nhân quyền tại hội nghị thượng đỉnh thì đó là một thắng lợi về mặt tuyên truyền cho những lãnh đạo vi phạm nhân quyền nhiều nhất trong Asean, và họ sẽ mạnh tay hơn trong việc đàn áp bất đồng chính kiến, bỏ tù các nhà báo và giải tán những tổ chức dân chủ."
HRW nói rằng nhắm mắt làm ngơ và tăng cường hợp tác thương mại và an ninh với hy vọng các chính phủ đàn áp người dân rồi sẽ tôn trọng nhân quyền là chuyện không bao giờ xảy ra.
Ông Paul Huy Nguyễn, chủ tịch CĐNVTD NSW nói người dân cần lên tiếng nếu thấy chính phủ hợp tác với một nước không tôn trọng nhân quyền.
"Đường lối chính trị và kinh tế của Úc là quyền của chính phủ, người dân như chúng ta có quyền nói lên những ý nguyện của mình, nói lên những gì mình nghĩ là đúng hay là sai."
"Chẳng hạn như là nếu một nước bang giao với một nước thiếu nhân quyền thì chính phủ phải xét lại là nước đó có xứng đáng để chúng ta có mậu dịch hay không, hay là chúng ta có viện trợ cho một nước thiếu dân chủ, đàn áp người dân, đàn áp dân oan, cướp đất của người dân? Đó là những gì chúng tôi muốn nói lên," ông Huy nói.
Các cộng đồng gốc Asean tại Úc, như Việt Nam và Campuchia, cho biết sẽ biểu tình vào thứ bảy này, mặc dù họ chỉ được phép tụ tập cách nơi diễn ra hội nghị 1 cây số.