Vatican tổ chức hội thảo về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em

Justice Peter McClellan and Chrissie Foster receive their awards.

Bà Chrissie Foster và chánh án Peter McClellan được Mề đay Nhân quyền 2018 sau Ủy ban Hoàng gia điều tra về lạm dụng trẻ em của các định chế. Source: Australian Human Rights Commission

Ngày 21 tháng 2, giới chức cao cấp trong Giáo hội Công giáo đến từ khắp nơi trên thế giới sẽ về Vatican tham dự 4 ngày hội thảo về vấn đề các tu sĩ lạm dụng tình dục trẻ em. Tuy nhiên các nạn nhân còn sống sót ở Úc và gia đình nói họ không kỳ vọng gì nhiều vào kết quả của cuộc họp, trừ khi Giáo hội chuyển giao cho cảnh sát sở tại hồ sơ mật của các linh mục đã lạm dụng trẻ em.


Trong suốt nhiều thập niên qua bà Chrissie Foster đã không ngừng đi tìm công lý cho hai người con gái của bà trước đây bị một linh mục tại trường tiểu học Công giáo ở Melbounre xâm hại tình dục nhiều lần.

Một trong hai người con đó, Katie, sau trở thành nghiện rượu và bị tai nạn xe hơi vào năm 1999 khiến bị tàn tật suốt đời. Chín năm sau, em của cô là Emma tự tử chết.

Nay bà mẹ không nghĩ rằng cuộc hội thảo ở Vatican trong tuần này dẫn đến việc Giáo hội Công giáo nhìn nhận trách nhiệm cho những vụ lạm dụng trên toàn cầu dưới tay của các linh mục.

“Tôi không hy vọng có gì chắc chắn xảy ra sau cuộc họp. Gần đây có hai chỉ dấu đến từ Giáo hoàng, khi hồi tháng 10 ông nói Giáo hội đang bị quỹ dữ tấn công."

"Tôi nghĩ nói vậy nghe khôi hài bởi vì anh không thể bắt quỹ dữ đưa ra tòa, trong khi rành rành các linh mục xâm hại tình dục trẻ em nhưng lại không hề bị nhắc đến,” bà Foster nói.

Trong thông điệp Giáng sinh năm 2018, Giáo hoàng Fanxicô yêu cầu các linh mục xâm hại trẻ em hãy tư ra đầu thú. Nhưng bà Foster không nghĩ rằng có ai sẽ làm theo lời Giáo hoàng.

“Tôi tự hỏi có bao nhiêu linh mục đã ra đầu thú. Tôi hoài nghi là có ai. Tôi cảm thấy nếu Giáo hoàng nghiêm túc về chuyện này ông sẽ yêu cầu tất cả các Giám mục hãy công khai hóa các hồ sơ mật của các linh mục đã xâm hại trẻ em, giao nộp các hồ sư đó cho cảnh sát. Làm như vậy mới thực sự có ý nghĩa.”

Theo quy định của Vatican hiện nay thì các giám mục nên trình báo cho cảnh sát theo đúng luật pháp của nước sở tại, nhưng các nạn nhân còn sống sót nói rằng đó là một kẻ hở.

Ông Peter Gogarty người Newcastle bị một linh mục xâm hại tình dục năm ông 11 tuổi, và trong suốt 40 năm qua ông vẫn đang đi tìm công lý cho đến nay.

“Tôi nghĩ rằng tôi là một người lạc quan, tôi vẫn luôn có niềm tin cho những điều tốt đẹp có thể có cho những chuyện đau buồn này, nhưng tôi nghĩ rằng tôi sẽ quá lạc quan nếu tin rằng cuộc hội thảo ở Vatican sẽ dẫn đến cái gì có ý nghĩa. Chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều lần với Vatican và Giáo hội Công giáo nhưng chúng tôi vẫn không thấy hành động gì ý nghĩa cả.”

Hồi tháng 12, ủy ban tổ chức hội thảo đã gởi thơ cho các chức sắc tham dự, yêu cầu họ nói chuyện với các nạn nhân còn sống sót và gia đình của họ trước khi qua Vatican họp.

Nhưng không có ai nói chuyện với cả bà Crissie Foster lẫn ông Peter Gogarty hết cả.

“Tôi không phải là người bênh vực duy nhất cho trẻ em bị lạm dụng ở NSW, hay là ở Úc, nhưng hoàn toàn không có một ai, kể cả vị Giám mục địa phương, không một ai nói chuyện với tôi về mục tiêu của cuộc hội thảo sắp diễn ra ở Vatican."

"Tôi có ý kiến về chuyện này và trong quá khứ tôi đã cố gắng làm việc với Giáo hội Công giáo và cô gắng lạc quan về chuyện này. Vì thế tôi rất thất vọng," ông Gogarty nói.

Hội Đồng Các Giám Mục Úc nói họ thường xuyên gặp các nạn nhân còn sống sót, nhưng những gì trao đổi đều được bảo mật.

Mặc dù cuộc hội thảo về lạm dụng tình dục trẻ em là sự kiện đáng chú ý nhất kể từ lúc lên ngôi nhưng Giáo hoàng Fanxicô cũng không kỳ vọng nhiều kết quả của 4 ngày hội thảo.

Ngài được trích dẫn đã khuyên mọi người đừng quá kỳ vọng bởi các vụ xâm hại trẻ em vẫn tiếp diễn, đó là một vấn đề của con người nói chung.

Bà Chrissie Foster nói vì vậy bà hoài nghi quyết tâm của các chức sắc cao cấp trong Giáo hội.

"Tội ác này đã bị vạch trần từ lâu lắm rồi, nhưng họ cứ hết đổ lỗi cho người này đến người khác, đổ lỗi cho quỹ dữ, đổ lỗi cho các nhà báo, đổ lỗi cho các nạn nhân."

"Bất kỳ lời xin lỗi nào đến từ Giáo hội cũng chỉ vì áp lực của công chúng thông qua truyền thông. Nó không đến từ chính bản thân Giáo hội, nó không phải là họ thay đổi. Họ vẫn hy vọng người ta sẽ quên và rồi họ vẫn tiếp tục," bà Foster nói.

Share