Như sống trong cảnh nửa sống nửa chết – đó là những gì quý vị có thể hình dung về tình cảnh của một người phụ nữ, mà chúng tôi sẽ gọi cô là Sarah, đang tìm cách thoát khỏi người chồng bạo lực của mình.
Sarahkể: “Ông ấy đã đấm và đá rồi ghì chặt lấy tôi. Tôi bị gãy xương ở cả người và mặt”.
Sarah là một người mẹ trẻ đến Úc cùng chồng và các con, sau khi họ tháo chạy khỏi những bạo lực trong cuộc chiến ở Iraq.
Sarah nói rằng, các dịch vụ và sự hỗ trợ có sẵn tại vùng đất mới đã trao quyền cho cô tìm kiếm sự giúp đỡ.
Cô cho hay : “Tôi đã học được nhiều thứ ở đây, mà trước đây tôi chưa từng biết. Chẳng hạn như, ông ta không được phép đánh tôi – cho dù với bất cứ lý do gì”.
Nhưng cô cũng nói rằng, cô thấy lo bởi tình trạng chiếu khán tạm thời của cô có thể sẽ khiến cô gặp nguy hiểm.
Sarah nói: “Tôi có chiếu khán bắc cầu vào thời điểm đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi ly hôn và chính phủ quyết định đưa tôi trở về lại đất nước của tôi? Chúa ơi, đây sẽ là thảm họa, một thảm họa thật sự với tôi. Tôi sẽ phải kết thúc cuộc sống ở đó”.
Các nhân viên phòng chống bạo lực gia đình cho biết, so với những trường hợp khác, những người phụ nữ với chiếu khán tạm thời gặp nhiều rào cản hơn nếu họ muốn rời bỏ những người phối ngẫu vũ phu của mình. Và một trong những trở ngại ấy của họ chính là mối đe dọa sẽ bị trục xuất khỏi nước Úc và bị chia tách khỏi con cái.
Bà Monique Dam, nhân viên làm công tác phòng chống bạo lực gia đình ở tiểu bang New South Wales, nói rằng, một số người quá lo sợ đến nỗi họ không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ.
“Một trong những nỗi lo lớn nhất và thực ra, đây cũng là rủi ro thực sự mà những người phụ nữ có chiếu khán tạm thời là nạn nhân của bạo lực gia đình và con cái họ đang đối mặt chính là lo ngại rằng, họ có thể sẽ bị trục xuất nếu họ tìm cách từ bỏ một người phối ngẫu vũ phu”- Monique Damcho hay.
Dữ liệu từ cuộc khảo sát quốc gia mới cho thấy, tháng 8 năm nay, đã có ít nhất 387 phụ nữ hiện có chiếu khán tạm thời tiếp cận nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.
"Nhiều phụ nữ trong cộng đồng đang là nạn nhân của bạo hành gia đình rất sợ hãi khi phải đến báo cáo với chính quyền hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ, bởi họ lo lắng về tình trạng chiếu khán của mình" - bà Gabrielle Canny.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy, họ đang rất chật vật để tìm kiếm chỗ ở và nơi cư trú ổn định.
Cứ 10 phụ nữ trong số này thì có 1 người có nguy cơ sẽ vẫn phải sống cùng nhà với người phối ngẫu bạo lực của mình.
Các nhân viên trực tiếp làm việc với những nạn nhân bạo lực gia đình này, chẳng hạn như Giám đốc Trợ giúp Pháp lý của tiểu bang Nam Úc, bà Gabrielle Canny, cho biết, có thể còn có nhiều trường hợp khác nhưng họ đã không báo cáo.
Bà nói: “Thật không may, nhiều phụ nữ trong cộng đồng đang là nạn nhân của bạo hành gia đình nhưng rất sợ hãi khi phải đến báo cáo với chính quyền hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ, bởi họ lo lắng về tình trạng chiếu khán của mình, vốn gắn với bảo trợ của người phối ngẫu”.
Hơn 40 tổ chức của các tiểu bang và liên bang đã đồng tình với những kiến nghị của bản báo cáo này.
Họ xem việc những phụ nữ trong chiếu khán tạm thời thiếu các cơ hội để lựa chọn là một cuộc khủng hoảng quốc gia và kêu gọi chính phủ liên bang cũng như các tiểu bang cần hành động ngay lập tức. Trong đó có việc cần mở rộng các điều khoản liên quan đến nạn bạo lực gia đình và gia tăng các khả năng để có thể tiếp cận các dịch vụ.
Bà Monique Dam giải thích: “Chúng tôi muốn chính phủ Liên bang, các tiểu bang và vùng lãnh thổ hợp tác để hành động theo đúng cam kết của họ, nhằm bảo đảm rằng, những người phụ nữ có chiếu khán tạm thời đang là nạn nhân của bạo lực gia đình sẽ nhận được những hỗ trợ cần thiết mà không sợ bị trục xuất, hay sợ bị tách khỏi con cái của họ”.