Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến các trẻ em ở các đảo quốc Thái Bình Dương mà hậu quả của nó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của các em nhiều năm sau này.
Với việc biên giới đóng cửa gần 2 năm qua, thì nền kinh tế ở các đảo quốc Thái Bình Dương đã thực sự lâm vào tình trạng nghèo khổ.
Các tác nhân từng giúp tăng trưởng nền kinh tế khu vực như du lịch, nông nghiệp, lao động tự do, nay tất cả đều đã ngưng trệ.
Và kết quả là, theo lời của giám đốc Tổ chức World Vision tại Vanuatu, bà Kendra Derousseau, thì quốc gia này đang đối mặt với việc thiếu hụt việc làm trầm trọng.
“Nền kinh tế của Vanuatu phụ thuộc lớn vào nhập khẩu và du lịch, nhưng biên giới đóng cửa đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng việc làm của tầng lớp trung lưu đang tăng lên ở Vanuatu.”
Và các tác động không chỉ dừng lại ở đó.
Đã có nhiều trường hợp, cả gia đình lớn phải phụ thuộc vào nguồn thu nhập của một hoặc hai cá nhân trong gia đình.
“Việc mất đi việc làm trong tầng lớp trung lưu có nghĩa là một người lao động trong gia đình giờ phải hỗ trợ cả một gia đình lớn, và điều đó đang âm ỉ tác động đến toàn bộ nền kinh tế.”
Khảo sát của World Vision trên 750 hộ gia đình ở Papua New Guinea, Vanuatu, quần đảo Solomon và Đông Timor, đã nhấn mạnh đến cái gọi là “dư chấn” sau đại địch, tác động đến toàn bộ các lĩnh vực từ việc làm, cho đến khả năng mua thức ăn, nước uống và y tế.
Khảo sát phát hiện có 60% người dân đã mất việc, hoặc mất nguồn thu nhập chính.
Một nửa số người khảo sát cho biết họ đã không thể chi trả nổi để mua thức ăn cho gia đình, và 8% số trẻ em đang bị cắt giảm xuống chỉ còn 2 bữa ăn một ngày hoặc thậm chí ít hơn.
Giám đốc của World Vision Daniel Wordsworth nói ông lo ngại trẻ em có thể gặp phải vấn đề bị suy dinh dưỡng trong dài hạn.
“Trẻ em tại những nơi này đã không được ăn uống đầy đủ trong một thời gian dài, và chuyện này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Chúng ta thường hay nói là bọn trẻ bị còi cọc, nhưng đó chính là kết quả của việc thiếu ăn. Và điều đó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và thay đổi cả cuộc sống của bọn trẻ.”
Theo phúc trình, COVID-19 đã trở thành mối đe doạ đối với trẻ em vùng Thái Bình Dương. Ngoài nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thì trẻ em lại còn phải đi làm để hi vọng có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Theo phúc trình thì cứ 7 gia đình lại có một gia đình phải cho con em mình ra ngoài làm việc, và điều này có nghĩa là các em phải nghỉ học.
“Những gì chúng ta đang thấy là nhiều gia đình đang không thể trả nổi học phí tối thiểu mà trường học yêu cầu, và vì thế nhiều trẻ bắt đầu bỏ học cho đến chừng nào cha mẹ có thể đóng học phí.”
Và ngoài ra vấn nạn bạo hành đối với trẻ em cũng đang gia tăng. Cứ 10 gia đình thì có 1 gia đình xảy ra chuyện trẻ bị đánh đập.
"Nạn bạo hành gia đình và bạo hành đối với trẻ em vốn dĩ đã xảy ra nhiều tại các quốc gia ở Thái bình Dương, và khi áp lực và tài chính và tinh thần gia tăng thì vấn nạn này càng xảy ra nhiều hơn.”
Úc gần đây đã có những hoạt động củng cố vị thế đối với các đảo quốc Thái Bình Dương, nhằm gia tăng ảnh hưởng đối với Trung Quốc.
Nhưng Tổ chức World Vision thì nói chính phủ Úc phải có hỗ trợ dài hạn.
“Chúng tôi không nói đến chuyện gia tăng sức ảnh hưởng, mà chúng tôi đang nói về việc hỗ trợ. Chính phủ Úc phải có một kế hoạch để kích cầu các hoạt động kinh tế cho cả khu vực, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. Cần phải có tiến trình tái xây dựng cho ngành du lịch và tôi cho rằng chính phủ Úc có thể giúp được.”
Trả lời SBS News, Bộ trưởng Úc về vấn đề Thái Bình Dương, Zed Seselja, đã cam kết một khoản hỗ trợ trị giá $304.7 triệu. Khoản hỗ trợ này nhằm giúp các đảo quốc láng giềng giảm nhẹ khủng hoảng tài chính, duy trì các dịch vụ y tế trọng yếu, củng cố kết nối ngành hàng không và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.
Ngoài ra tỷ lệ chủng ngừa cao cũng được xem là cột mốc quan trọng đầu tiên để phục hồi kinh tế, thế nhưng để đạt được điều này vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước khi đơn cử như Papua New Guines mới chưa đầy 1% dân số được chích ngừa.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại