Các cựu lãnh đạo dịch vụ khẩn cấp và hỏa hoạn, cựu nhân viên quốc phòng, các chuyên gia người Thổ dân và các nhà khoa học về khí hậu để gặp nhau để bàn thảo về một chiến lược quốc gia nhằm ngăn chặn nạn cháy rừng.
Những người tham gia đã khẩn thiết kêu gọi phải có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn việc các đám cháy cứ tái diễn mỗi mùa hè khiến nước Úc bị tàn phá.
Theo ông Greg Muslins, một cựu ủy viên Dịch vụ Cứu hộ và Hỏa hoạn của NSW, chắc chắn không còn gì phải bàn cãi về chuyện cháy rừng là do biến đổi khí hậu.
“Chuyện này giống như nồi nước đang sôi trên bếp lò. Chúng ta không thể cứ mãi hớt nước đang sôi tràn ra, mà chúng ta phải tắt cái lò. Nghĩa là bây giờ chúng ta phải tìm cách giảm nhiệt độ trái đất xuống. Chúng ta làm chuyện này không phải cho chúng ta, mà là cho thế hệ sau này. Tôi có các cháu và hiện tôi đang rất, rất tập trung về vấn đề khí hậu, vì bọn trẻ sẽ thừa hưởng một thế giới mà rất có thể không sống được ở đó.”
Đợt cháy rừng hồi cuối năm 2019 đầu năm 2020 là một trong những trận hỏa hoạn tồi tệ nhất lịch sử, thiêu rụi 17 triệu hecta diện tích, làm thiệt mạng 450 người và ước tính khoảng 1 tỷ thú vật.
Và cháy rừng cũng là chủ đề của cuộc điều tra của Uỷ ban Hoàng gia về Những Thiên tai Quốc gia, được bắt đầu hồi tháng Hai vừa qua.
Nhà khoa học về khí hậu, Lesley Hughes, nói biến đổi khí hậu khiến cho những đợt sét đánh tăng lên, hạn hán kéo dài và nhiệt độ tăng cao, điều đó làm cho hỏa hoạn trở nên trầm trọng hơn.
“Đây là cảnh báo đối với những gì chúng ta đang phải đối mặt. Nguồn lực đổ vào các dịch vụ khẩn cấp đã phải gia tăng rất nhiều vì rất có khả năng chúng ta sẽ có thêm một năm như vậy nữa, và nếu không phải năm nay thì rất có thể là năm sau hoặc năm sau nữa. Chúng ta phải nghĩ rằng mùa hè vừa rồi là một sự kiện không chỉ xảy ra một lần, mà đó là lời cảnh báo cho tương lai.”
Hội nghị cảnh báo, biến đổi khí hậu có thể cản trở khả năng nước Úc chiến đấu với hỏa hoạn vì mùa cháy rừng sẽ trở nên dài hơn và nghiêm trọng hơn.
Bà Cheryl Durrant, cựu Trưởng ban Công tác phòng bị thuộc Bộ Quốc phòng, nói, cơ quan của bà đã nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu suốt một thập kỷ qua. Bà cho rằng biến đổi khí hậu khiến những nguy cơ về an toàn tăng lên rất nhiều lần, có nghĩa là lực lượng quốc phòng chưa được chuẩn bị đủ cho mùa cháy rừng vừa rồi.
Mai – “Thiên tai xảy ra mùa hè vừa qua về căn bản rất khác những gì chúng ta lường trước. Điều khác biệt lớn nhất là thời gian để ứng phó với thiên tai. Thông thường nếu có khủng hoảng như lụt lội hay hỏa hoạn, nó chỉ xảy ra khoảng vài ngày, cùng lắm là vài tuần. Nhưng lần này cháy rừng kéo dài đến vài tháng khi nó lan rộng khắp nước Úc. Và nó tạo rất nhiều áp lực và những tình huống khó khăn cho lực lượng cứu hộ.”
Các chuyên gia đang chỉ trích chính phủ liên bang vì đã không có hành động trong việc giải quyết biến đổi khí hậu.
Giám đốc Hội đồng Khí hậu, bà Amanda McKenzie đã lên tiếng chỉ trích chính phủ không đáp ứng được mục tiêu giảm lượng khí thải 26% - 28%, cho dù bà nói mục tiêu đó cũng vẫn chưa đủ.
Bà đồng thời đang thúc giục chính phủ tiểu bang và vùng lãnh thổ, chính phủ địa phương phải đi đầu trong các chính sách về khí hậu.
“Hầu hết các chính phủ tiểu bang và chính phủ địa phương đã và đang thực hiện thay đổi. Và vấn đề là đã có nhiều phong trào khí hậu trong nhiều năm qua thúc giục chính phủ liên bang phải có hành động, nhưng chúng ta vẫn chưa có kết quả cụ thể nào từ chính phủ liên bang. Do đó chúng ta không thể ngồi trông chờ họ nữa.”
Bên cạnh đó cũng có những lời yêu cầu việc dùng đến những kỹ thuật quản lý đất đai của người Thổ dân để giảm thiểu tác hại của cháy rừng.
Ông Oliver Costello, giám đốc Tổ chức Firesticks Alliance Indigenious, một tổ chức hỗ trợ người Thổ dân, ông nói người Thổ dân có kiến thức về đất đai và kinh nghiệm trong quản lý thông qua việc thay đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh nhiều lính cứu hỏa đã thực hiện viện cháy chặn không chính xác nhiều thế kỷ qua.
"Chúng ta cần phải hiểu về địa hình, cần hiểu sự kết nối của con người với mảnh đất đó, và cần xử lý theo cách thiên nhiên phản ứng lại. Nhưng thực tế chúng ta đã không hiểu được hết thiên nhiên. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều vùng đất bị quản lý sai cách, nhiều nơi bị ô nhiễm và tác động của khí hậu đã dẫn đến các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay.”
Ông Mullins thừa nhận trong suốt sự nghiệp hơn 40 năm làm quản lý dịch vụ khẩn cấp, lính cứu hỏa chưa từng để tâm đến lời khuyên từ người Úc Thổ dân. Ông nói lính cứu hỏa phải được đào tạo để dựa vào kiến thức của các chuyên gia Thổ dân nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.
“Kỹ thuật mà họ có hàng chục ngàn năm vượt xa những gì chúng ta sử dụng trong lực lượng cứu hỏa. Do đó chúng ta cần tìm hiểu về kiến thức đó và thể hiện sự tôn trọng mà chúng ta đã không có trong 200 năm qua. Những người Thổ dân thực sự hiểu về cách kiểm soát vùng đất của họ.”
Các chuyên gia tại cuộc hội nghị thượng đỉnh đang chuẩn bị đưa ra đề xuất vào ngày 29 tháng Bảy mà họ hi vọng Uỷ ban Hoàng gia sẽ cân nhắc.