Trước toà nhà Reichstag ở Berlin, nơi đặt trụ sở của Quốc hội Đức, hàng ngàn thanh niên Đức đang tập trung trên các sân khấu.
Một trong số đó là Theresa Crone, vốn đã quen với việc tổ chức các cuộc biểu tình vì khí hậu, nhưng giờ đây cô đang nhận thấy một mối đe doạ mới đối với tương lai của cô.
“Khi còn là những đứa trẻ, chúng tôi đã được nói rằng Châu Âu là nơi an toàn. Chúng tôi đang sống trong hoà bình, chúng tôi được bảo đảm an toàn, thế nhưng mọi việc đang thay đổi qúa nhanh.”
Kinh hoàng trước những cảnh tượng đang diễn ra ở Ukraine, nước Đức đang bắt đầu thay đổi những quan điểm cũ.
Đám đông biểu tình đang cầm những lá cờ hai màu vàng và xanh của Ukraine.
Họ là một phần của thế hệ người Đức mới đang tham gia nhiều hơn vào chính trị.
Họ nhìn thấy có mối liên hệ giữa các hành động của Tổng thống Putin tại Ukraine, biến đổi khí hậu với dầu khí của Nga.
Họ muốn cả hai phải dừng lại, và chiến tranh đã khiến nước Đức thay đổi sâu sắc.
Cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã buộc Đức phải thay đổi lập trường và thực hiện một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cho dừng một đường ống quan trọng mà hầu như đã sẵn sàng để dẫn khí đốt từ Nga.
Vũ khí đang được chuyển đến Ukraine và thêm 100 tỷ euro sẽ được rót vào để nâng cấp quân đội.
Trong nhiều thập kỷ qua, Đức đã phải đối mặt với những lời chỉ trích cho rằng vai trò mà nước này thể hiện trên trường quốc tế chưa tương xứng với quy mô của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Đức từng bị cho là xem nhẹ những mối quan tâm địa chính trị khi theo đuổi các cơ hội kinh tế.
Kể từ những năm 1990, nước Đức đã tin rằng bằng việc xây dựng mối quan hệ kinh tế và chính trị, họ có thể làm đối tác với Nga.
Bà Julia Friedrich đến từ Viện Chính sách công toàn cầu ở Berlin nói rằng những ngày tháng đó đã qua rồi.
“Chúng tôi đã từng có niềm tin rằng miễn là chúng tôi giữ vững ngoại giao và miễn là chúng tôi tiếp tục quan hệ với Nga, thì họ cũng sẽ tham gia với chúng tôi và sẽ kiềm chế không có hành động quân sự, không đe dọa trật tự an ninh châu Âu. Thế nhưng tôi cho rằng niềm tin đó giờ đã tan vỡ.”
Những đứa trẻ đang chơi bóng ở tượng đài Anhalter Bahnhof - đó là mặt tiền còn sót lại của một nhà ga xe lửa khổng lồ đã bị đổ nát, nơi mà trong thời kỳ Holocaust, người Do Thái đã được chuyên chở để đi đến chỗ chết.
Tại Berlin, ký ức về các cuộc chiến tranh thế giới mà nước Đức gây ra hiện hữu khắp mọi nơi.
Nước Đức hiện đại từng nghĩ chiến tranh là dĩ vãng.
Ông Wolfgang Ischinger, một nhà ngoại giao và chủ tịch Hội nghị Bảo an Munich, cho biết nước Đức đã phát triển một cách thoải mái, thịnh vượng, nhưng những thứ chắc chắn để làm nền tảng cho điều đó đã không còn nữa.
Ông nói rằng sức mạnh kinh tế và chính trị của Đức sẽ là trung tâm của một Liên minh châu Âu quyết đoán hơn
“Điều này có nghĩa là phải có một phương thức dựa trên chính sách đối ngoại thực tế hơn, chứ không phải dựa trên tầm nhìn, ước mơ và khát vọng. Và tôi nghĩ đó không phải là điều xấu đối với nước Đức trong thời kỳ toàn cầu và châu Âu đầy biến động này. Điều đó tốt cho chúng tôi. Tôi nghĩ nó tốt cho Châu Âu.”
Vào tối qua, có một cuộc biểu tình khác ủng hộ Ukraine diễn ra bên ngoài văn phòng Thủ tướng.
Các cuộc thăm dò cho thấy hơn 2/3 người Đức ủng hộ việc thay đổi chính sách.
Có những người tỏ ra khó chịu với việc Đức tái đầu tư vũ khí.
"100 tỷ là quá nhiều. Tôi nghĩ vậy”
Tuy nhiên, những người khác cho rằng chính sách như vậy vẫn chưa đủ.
“Những thay đổi cho đến nay vẫn ổn, nhưng là quá ít, quá chậm. Bạn phải nhớ rằng những người này ở Ukraine hiện đang chiến đấu và hi sinh cho các giá trị của chúng ta.”