Khi ăn tối tại các chuỗi nhà hàng ở Tokyo, thực khách có thể cảm nhận hương vị độc đáo của miếng thịt bò.
Nhà hàng chuyên về các món bò Ikinari Steak, tạm dịch là món beef steak phục vụ ngay lập tức, đã làm nên tên tuổi tại Nhật Bản, có hơn 350 cửa hàng khắp cả nước.
Cô Yuki Aizawa là Giám đốc về Quan hệ Công chúng tại Ikinari Steak.
‘Chúng tôi muốn biến món bò beefsteak trở thành một món ăn sang trọng nhưng phải chăng với thực khách Nhật Bản. Chúng tôi phục vụ món beefsteak ăn đứng, vì vậy có thể đẩy nhanh số lượng khách ra vào.’
Năm 2018, một trong những nhà hàng của chuỗi Ikinari Steak tại Tokyo đã đạt kỷ lục thế giới Guinness, vì phục vụ nhiều lần món beefsteak nhất trong 24 tiếng.
Mỗi tháng, chuỗi nhà hàng này nhập cảng khoảng 50 tấn thịt bò Úc.
Các doanh nghiệp Nhật Bản như nhà hàng Ikinari Steak quan tâm sát sao tới những cuộc hội đàm có Úc và Ấn Độ tham gia, về một sáng kiến hợp tác xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững.
Sự kiện xảy ra giữa lúc ngày càng nhiều người Nhật lên tiếng về nền kinh tế của họ bị phụ thuộc vào Trung Quốc.
Mới hồi đầu năm, các doanh nghiệp trong khu vực bị dội một gáo nước lạnh khi Bắc Kinh đóng sập mọi cánh cửa trong làn sóng COVID – 19 lần thứ nhất.
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị tê liệt.
Giáo sư Stephen Nagy thuộc trường Đại học Công giáo Quốc tế nói:
‘Ba quốc gia này đang cố gắng tập trung mũi nhọn nhằm xây dựng một mạng lưới cung ứng đối trọng, để bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn hoạt động, khi thế giới hứng chịu một cơn shock khiến chuỗi cung ứng bị tê liệt.’
Hơn hai thập niên qua, Nhật Bản là thị trường xuất cảng lớn nhất cho thịt bò Úc, cho tới năm ngoái 2019, Trung Quốc chiếm chỗ Nhật để trở thành đối tác mua thịt bò Úc lớn nhất.
Chuyên gia cho rằng sáng kiến này sẽ giúp Úc cung cấp thêm nhiều sản phẩm hơn cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Giáo sư Nagy nói việc này là bước đệm để giúp xây dựng hạ tầng cơ sở cho chuỗi cung ứng.
‘Và với một nền kinh tế như Úc, sự thịnh vượng dựa chủ yếu vào việc xuất cảng tài nguyên, tôi nghĩ rằng việc này sẽ giảm bớt sự liên hệ giữa kinh tế Úc và kinh tế Trung Quốc, khiến Úc năng động hơn, linh hoạt hơn, cũng như mang lại cho Úc nhiều cơ hội kinh tế khác trong khu vực.’
Các doanh nhân Úc đang hợp tác với Nhật Bản như ông Edward Mark Stewart cũng mong chờ sáng kiến mới này sẽ mang lại cho công ty của ông nhiều ý nghĩa mới.
Công ty N2 Brunch Club của ông tại Tokyo, khai trương năm 2018, và ở trong một thời gian dài loay hoay tìm kiếm nguồn cung ứng từ Úc.
Thỏa thuận về chuỗi cung ứng toàn cầu này sẽ có hiệu lực vào năm sau, 2021.