Quan ngại về an ninh mạng mới đây lại càng gia tăng khi vào ngày 8 tháng Hai, hệ thống mạng của quốc hội liên bang bị tấn công.
Thủ tướng Scott Morrison xác nhận đó là một vụ xâm nhập rất tinh vi của một chính phủ ngoại quốc.
Báo chí loan tin đó có thể là Trung Quốc, bộ ngoại giao nước này đã lập tức gọi đó là một sự bôi nhọ, nhưng ông Morrison không xác nhận mà cũng không phủ nhận đó có phải là Trung Quốc hay không.
"Trong lúc điều tra chúng tôi biết được hệ thống mạng của ba đảng Tự Do, Lao Động và Quốc gia cũng bị tấn công. Các cơ quan an ninh của chúng ta đã phát hiện kịp thời và hành động ngay tức khắc."
"Tôi không muốn đi vào chi tiết của chiến dịch, nhưng các chuyên gia mạng tin rằng một chính phủ đã đứng đằng sau hoạt động xấu này.”
Ông Morrison cho biết không có bằng chứng gì để nói rằng hệ thống bầu cử của Úc đã bị ảnh hưởng, nhưng chính phủ đã đưa ra các biện pháp ngăn ngừa.
Các chuyên gia tuy vậy cho biết còn quá sớm để biết có bao nhiêu thông tin trong hệ thống mạng của quốc hội liên bang đã bị đánh cắp, và những hậu quả của vụ xâm nhập này.
Cố vấn an ninh mạng quốc gia, ông Alastair MacGibbon cho biết giới hữu trách đang tiếp tục điều tra.
"Chúng tôi biết là chính phủ ngoại quốc đó đã tiếp cận các hệ thống mạng đó. Chuyện này cũng chỉ mới xảy ra thôi, nhưng chúng tôi đã quyết mà tôi tin rằng là đúng trong việc hạn chế rủi ro, đó là công bố chuyện này trước khi chúng tôi đã biết hết mọi thứ."
Thiếu tướng Marcus Thompson, người chỉ huy đơn vị chiến tranh mạng mà Bộ Quốc phòng Úc thành lập hồi giữa năm 2017, cho biết mối đe dọa của các vụ tấn công trên mạng đang gia tăng và đơn vị của ông đang làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn.
"Những gì tôi chứng kiến là sự gia tăng cả về hình sự lẫn hoạt động có chính phủ ngoại quốc đứng đằng sau.”
Tướng Thompson nói điều làm ông các các đồng nghiệp mất ngủ là làm sao để Úc có đủ khả năng chống trả nếu xảy ra một vụ tấn công mạng qui mô.
Đừng tự mời trộm vào nhà
Theo các chuyên gia an ninh mạng, 90% các vụ xâm nhập máy tính bắt đầu từ chỉ một email có chứa hay kết nối với mã độc hại, mà chỉ cần mở ra hoặc nhấp chuột vào đường dẫn là cửa nhà của quý vị đã mở toang hoang cho tin tặc xâm nhập.
Những ai sử dụng internet đều có nguy cơ bị tấn công. Nguy cơ này ở các cơ quan hay công ty lớn càng cao vì có nhiều người nối mạng nhưng không phải ai cũng quan tâm đến các biện pháp giữ gìn an ninh.
Các chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng – tức gần như hầu hết mọi người – là thông tin cá nhân của họ được cất giữ trên mạng, từ tên họ địa chỉ cho đến mã thuế, số bằng lái xe v.v..
Với những thông tin đó kẻ gian có giả danh quý vị để vay tiền khiến chúng ta mất rất nhiều thời gian để giải quyết những món nợ từ trên trời rớt xuống đó.
Đối với các doanh nghiệp, để mất thông tin cá nhân của khách hàng sẽ làm mất lòng tin gây ảnh hưởng cho việc kinh doanh của họ.
Các chuyên gia anh ninh mạng thường xuyên nhắc nhở mọi người phải thường xuyên cập nhật máy tính, thậm chí cài chế độ cập nhật tự động để không quên.
Một biện pháp hữu hiệu khác là không sử dụng chung một mật mã, và cài đặt chế độ kiểm tra chéo mật mã trước khi đăng nhập - có nghĩa là khi nhập mật mã lần đầu thì một tin nhắn sẽ được gởi đến điện thoại của quý vị với một mật mã phụ, mà nếu không có quý vị sẽ không thể đăng nhập email được.
Chính phủ mới đây chi ra 1,3 tỉ đôla để giảng dạy về an ninh mạng cho học sinh trung học từ lớp 7 đến lớp 10. Chương trình này do Học viện Máy tính của Đại học Sydney phụ trách với sự hợp tác của các công ty an ninh mạng.