Úc chuyển hướng viện trợ cho khu vực Thái Bình Dương

Prime Minister Scott Morrison with Fiji’s leader last year

Prime Minister Scott Morrison with Fiji’s leader last year. Source: AAP

Chính phủ Úc vừa tuyên bố cái gọi là "trọng tâm chưa từng có" trong chương trình viện trợ của đất nước nhằm giúp các quốc gia Thái Bình Dương ứng phó với COVID-19. Dòng tiền từ ngân sách hiện tại đang được chuyển hướng, nhưng các cơ quan viện trợ nói rằng cần phải có thêm tiền để đối phó với các tác động của đại dịch ở khu vực Thái Bình Dương.


Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết COVID-19 đã dẫn đến việc suy nghĩ lại về chương trình viện trợ của Úc.

"Chiến lược Phục hồi cho đối tác của chúng tôi đã được phát triển nhằm giúp giải quyết những thách thức chưa từng có về sức khỏe, xã hội và kinh tế. Và chúng tôi đang làm việc với các quốc gia thành viên Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương để duy trì con đường nhân đạo, để bảo đảm rằng các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu có thể di chuyển trong khu vực."

Theo cái được gọi là "trọng tâm chưa từng có" của chính phủ Úc, chiến lược mới đã đưa ra cách tiếp cận cho chương trình viện trợ của Úc trong hai năm tới. Nguồn tài trợ sẽ hướng tới các quốc gia Thái Bình Dương, Đông Timor và Indonesia.

Ít nhất 280 triệu đô la từ số tiền hiện có trong ngân sách viện trợ sẽ được phân bổ lại từ các chương trình, như học bổng và tình nguyện, đã bị hoãn do các hạn chế đi lại của COVID-19. Số tiền đó giờ đây sẽ dành cho nhu cầu y tế và nhân đạo vì COVID-19.

Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương, ông Alex Hawke, nói rằng lợi ích địa chính trị và ảnh hưởng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương không liên quan gì đến chiến lược mới.

"Hôm nay chúng ta đang nói về ngân sách phát triển và việc tái lập ngân sách phát triển - và đó là việc giúp đỡ các đối tác Thái Bình Dương và gia đình Thái Bình Dương của chúng ta. Không phải là cạnh tranh với bất cứ ai khác, chúng tôi không hành động vì lý do đó. Chúng tôi đang hành động như vậy vì COVID đe dọa các nước Thái Bình Dương, giống như nó đã đe dọa chúng tôi. Ngoài các vấn đề về an ninh lương thực, còn có những vấn đề kinh tế sâu sắc xuất phát từ COVID. Và những thách thức về sức khỏe đối với các hệ thống y tế không mạnh và ổn định như ở Úc. Chúng tôi phải bảo đảm rằng sẽ làm hết khả năng để giúp đỡ người dân Thái Bình Dương."

Mat Tinkler, phó giám đốc điều hành của tổ chức Save the Children Australia, nói rằng việc viện trợ cho Thái Bình Dương rất đáng hoan nghênh, nhưng cần phải có thêm kinh phí.

"Đây là một ngân sách viện trợ đã bị cắt giảm khoảng 11 tỷ đô la trong vài năm qua, vì thế nó bị giảm đi rất nhiều. Chúng tôi đã phải giới hạn việc tài trợ gần nhà hơn. Chúng tôi đã phải di chuyển ra khỏi các khu vực như cận Sahara ở châu Phi. Và ít tài trợ đến những nơi như Trung Đông. Sự chuyển hướng này cuối cũng sẽ tác động mạnh đến một đối tượng, và điều chúng tôi muốn nói là chính phủ cần phải gắn kết sự tập trung vào khu vực Thái Bình Dương với việc bổ sung nguồn tài trợ trong vài năm tới, vì cuộc khủng hoảng thực sự chưa từng có. Và các quốc gia này sẽ phải đối phó với các tác động trong một thời gian rất dài."

Tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở các quốc gia Thái Bình Dương là thấp, nhưng ông Tinkler nói rằng các tác động xã hội và kinh tế là rất đáng kể:

"Số ca nhiễm rất thấp, nhưng tác động vẫn rất cao. Vì vậy, hệ thống y tế có thể dễ dàng bị quá tải. Chúng tôi được biết có một số bài viết rằng một số cơ sở chăm sóc bệnh lao đã được chuyển đổi thành khu vực cách ly để ứng phó với COVID. Điều đó có thể khiến những người mắc bệnh lao không nhận được sự hỗ trợ mà họ cần. Chúng tôi cũng biết rằng cuộc khủng hoảng này sẽ đẩy các gia đình vào tình trạng nghèo đói. Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dữ liệu gần đây nói rằng chúng ta sẽ thấy sự gia tăng toàn cầu đầu tiên về nghèo đói trên thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Và trẻ em thường có nguy cơ cao hơn. Trẻ em có nguy cơ rơi vào tình trạng bạo lực ở một số quốc đảo Thái Bình Dương. Và khi ở xa những nơi như là trường học thì trẻ em cũng ít được bảo vệ."
Theo chiến lược viện trợ mới, các lựa chọn đang được xem xét để cho phép nhiều công nhân Thái Bình Dương đến Úc. Việc mở thêm hành lang giao thông và du lịch cũng đang được xem xét. Một lựa chọn khác là cho phép công nhân đi một chiều từ một số đảo ở Thái Bình Dương đến Úc để khắc phục tình trạng thiếu việc làm.
Bà Bridi Rice, từ Hội đồng Phát triển Quốc tế Úc - ACFID - nói rằng việc giúp các quốc gia Thái Bình Dương xây dựng lại nền kinh tế là chiến lược đúng đắn.

"Vì vậy, các sáng kiến như tăng số lượng visa cho các lao động thời vụ, linh động trong các hỗ trợ về kỹ thuật cũng như các khuyến cáo khác ở trong và ngoài khu vực đều được dự tính ở đây. Và chúng tôi thực sự hoan nghênh cách tiếp cận của chính phủ liên bang trong việc đối phó với đại dịch COVID."

Úc đã cấp 2.000 visa một năm cho những người tham gia Chương trình Lao động Thái Bình Dương và Chương trình Lao động Thời vụ. Bà Rice nói rằng ACFID cũng muốn thấy tài trợ bổ sung cho chiến lược viện trợ mới.

"ACFID kêu gọi một lần bơm hai tỷ đô la trong bốn năm từ ngân sách liên bang để tài trợ cho chiến lược này. Chúng tôi nghĩ rằng nước Úc đang đứng trước một cơ hội tuyệt vời để thể hiện vai trò lãnh đạo trong khu vực. Vào năm 2005, chúng ta đã thấy Thủ tướng John Howard công bố gói viện trợ nhân đạo trị giá một tỷ đô la cho Indonesia sau thảm họa sóng thần. Đây là một cuộc khủng hoảng với quy mô chưa từng có mà chúng ta phải đối mặt. Vì thế chúng ta cũng cần một phản ứng chưa từng có tiền lệ."

Và quý vị có thể cập nhật thông tin về coronavirus bằng ngôn ngữ của mình tại sbs.com.au/coronavirus.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share