Đưa các lớp pre-school và hoạt động ngoài giờ học lên mạng cho học sinh

Owen and Phoebe Martial Journey students

Owen and Phoebe Martial Journey students Source: SBS

Mặc dù nhiều người không khuyến khích trẻ em nhìn vào màn hình quá nhiều, nhưng vào lúc này, các lớp học online là nguồn hy vọng, giúp cho phụ huynh và học sinh cảm thấy họ không bị cách ly trong cô đơn.


Suốt 40 năm qua, chương trình học pre-school của trường Gymbaroo đã giảng dạy với tôn chỉ nghiêm khắc là không cho các em dưới 3 tuổi tiếp xúc với màn hình, cho đến ngày hôm nay…

‘Trường Gymbaroo xin chào các em, chào mừng các em đến với lớp học online Kindyroo, chúng ta sẽ bắt đầu lớp baby ngày hôm nay… trong túi kho báu của chúng ta là một bản nhạc…’

Cô Helen Woodman là một giáo viên kỳ cựu của trường Gymbaroo, cô đang ngồi trong một lớp học mà ngày bình thường sẽ rất rộn ràng. Trong tay cô cầm một con búp bê và cô biểu diễn một bài thể dục với cả lớp, trước một chiếc máy quay phim.

Vào tháng trước, khi các quy định giữ khoảng cách trong giao tiếp xã hội được áp dụng, trường Gymbaroo đã bắt đầu phát sóng các chương trình học bằng video để gởi đến cho học sinh, từ các em nhỏ dưới 2 tuổi, đến những em chuẩn bị vào lớp 1, thông qua một cổng thông tin online của trường.
Helen Woodman
Helen Woodman Source: SBS
Giám đốc của Gymbaroo, TS. Jane Williams nói các lớp học rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ và không thể bị ngưng lại vì đại dịch.

‘Chương trình học online giúp các em học hành năng động, mang lại cho phụ huynh nhiều ý tưởng và đã giúp xây dựng nền móng phát triển cho trẻ nhỏ, các em rất cần điều nầy khi chúng ta vượt qua đại dịch.’

Trường Gymbaroo có mặt tại tất cả các tiểu bang, chủ yếu là ở những vùng lân cận các thành phố thủ phủ. Trường nay phát sóng chương trình học và bài tập đến hàng ngàn em học sinh và phụ huynh.

Tuy nhiên TS Williams nói, việc đưa chương trình học của Gymbaroo lên mạng sẽ giúp các gia đình sống ở miền quê và các vùng xa xôi của Úc có cơ hội tham gia với trường.

‘Thực tế là chúng tôi có thể hướng đến nhiều gia đình hơn, với mô hình học online này. Mặc dù học online thì không hề hoàn hảo cho một chương trình pre-school, nhưng bù lại chúng tôi có thể mang đến thật nhiều ý tưởng dạy dỗ con cái cho phụ huynh và hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình, nhất là những gia đình trước đây vốn không có cơ hội để cho con mình tiếp xúc với những kinh nghiệm học như thế này’.

Bà nói sự hỗ trợ này là rất cần thiết, nhất là đối với những người mới làm mẹ lần đầu tiên và những phụ nữ bị tổn thương.

Cô Megan Pamenter tham gia chương trình học online hàng tuần với hai con của mình, bé Elizabeth bốn tuổi và William 17 tháng, từ ngôi nhà của họ ở Queensland.

Cô nói việc tham gia lớp học mỗi tuần đã giúp hai đứa con nhỏ của cô hiểu được và vẫn tuân theo khuôn khổ và giờ giấc sinh hoạt khi phải ở nhà.

‘Luôn giữ được giờ giấc sinh hoạt trong ngày cho các con, từ khi Elizabeth học lớp Kindyroo của trường Gymbaroo lúc mới 10 tuần tuổi. Còn bây giờ chương trình hoạt động trong một ngày của mấy mẹ con hầu như trống rỗng, thì việc học online là một điều gì đó khiến các con rất háo hức mong đợi đến giờ học để tham gia’.

Khi Câu lạc bộ Thể dục Nghệ thuật Footscray, thuộc nội ô Tây Melbourne, đóng cửa vào tháng trước, các lớp học online phát qua trang Facebook của câu lạc bộ đã bắt đầu ngay lập tức.

‘Hãy giữ an toàn nhé, chúng ta cùng bắt đầu nào, trước hết là chạy tại chỗ … ‘

Quản lý của câu lạc bộ hoạt động phi lợi nhuận này, cô Tammy Robinson nói cô cảm thấy đau lòng khi phải tạm cho nhân viên nghỉ trong thời gian áp dụng các quy định của chính phủ.

Nhưng cô nói những huấn luyện viên, như anh Thomas Daddow vẫn tự nguyện dạy thể dục nghệ thuật online, anh là một trong những người xung phong trở thành thiện nguyện viên, để được tiếp tục hỗ trợ cho học sinh và những đứa trẻ yêu thích bộ môn thể dục nghệ thuật trong giai đoạn bất định này.

‘Mang đến cho các em cảm giác ổn định, giống như mọi thứ vẫn xảy ra một cách bình thường, các em vẫn nhìn thấy những gương mặt quen thuộc, những hoạt động quen thuộc và làm một điều gì đó thật vui vẻ vào lúc này.’

Em Makayla Gorgioski mới 7 tuổi, nhưng đã đặt ra cho mình mục tiêu tham dự Olympic.
Makayla Gorgioski doing gymnastics at home
Makayla Gorgioski doing gymnastics at home Source: SBS/Abby Dinham
Ngồi trong nhà, em tham gia lớp học online của câu lạc bộ mỗi ngày, trước khi bắt đầu giờ học chính thức với trường mình.

Đây là một phần của cuộc hành trình mà em hy vọng sẽ đưa mình đi theo được bước chân của thần tượng.

‘Con muốn tham gia Olympics và sẽ cố gắng hết sức. Nhà thể dục nghệ thuật mà con yêu thích là Nadia Comaneci vì cô là người đầu tiên giành điểm 10 tuyệt đối trong Olympic Games.’

Còn tại Tây Nam Melbourne, trung tâm Martial Journey chuyên dạy Judo và các môn võ khác đã ngưng các lớp học một tuần trước khi chính phủ tiểu bang ban bố tình trạng khẩn cấp. Trung tâm phát sóng chương trình học online, để giúp học sinh bảo vệ bản thân trước Covid-19.

‘Các em nhớ nhé, đây là tự vệ chứ không phải đánh nhau, hãy bắt đầu với động tác đấm…’

Anh Sensei Chris Oakley đã dạy võ thuật gần 30 năm.

Anh nói chương trình học online giúp các em luôn năng động để có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần mạnh mẽ.

Với cậu bé Owen 9 tuổi, việc tham gia học lớp võ thuật online là hoạt động rất tốt, mỗi khi em nghỉ giải lao giữa giờ học online chính thức với trường mình. Nhưng cậu bé nói học qua mạng vẫn không bằng việc đi đến trung tâm võ thuật.

‘Học võ giúp máu em lưu thông, nhưng em thật sự nhớ các lớp học ở trung tâm, vì ở đó em có thể gặp bạn bè và chào hỏi mọi người.’

Còn bé Phoebe 7 tuổi cũng nhớ những lần giao thiệp bạn bè ở lớp học võ, nhưng em nói dù sao học online vẫn còn tốt hơn là không còn một lớp võ thuật nào để học. 

Chuyên gia nói những lớp học ngoài giờ rất cần thiết vì không chỉ giúp phụ huynh có thời gian nghỉ ngơi khỏi chăm sóc mua vui cho con cái, mà bản thân các em cũng nhận được hỗ trợ về sức khỏe tâm thần rất tốt trong thời gian dịch bệnh.

Tiến sĩ tâm lý học Kimberly O’Brien tại phòng khám Quirky Kids nói những tuần gần đây, cô nhận thấy số lượng người được GP giới thiệu đến phòng khám của cô để điều trị ngày càng tăng lên.

‘Hầu hết các phụ huynh đến với chúng tôi đều hỏi rằng liệu họ có nên đưa con cái đi học lại không, vài người cũng thắc mắc có nên thúc ép con mình học online ở nhà không, vì họ thấy theo chương trình thì chúng phải học rất nhiều trong khi chúng không có vẻ gì là muốn học cả. Chúng tôi đã nhận một số lượng khách hàng đến phòng khám tăng lên tới 50% trong hai tuần qua, chỉ để khám về bệnh lo âu.’

Trong khi đó, những thay đổi trong cuộc sống giữa mùa dịch bệnh đặc biệt gây khó khăn cho những gia đình phải nuôi con bị mắc chứng tự kỷ.

CEO của tổ chức Nhận thức về Chứng tự kỷ Úc, bà Nicole Rogerson nói mỗi đứa trẻ đều khác nhau, và chỉ cần một sự thay đổi giờ giấc sinh hoạt hàng ngày, hay thậm chí là thay đổi một nhãn hiệu đồ ăn cũng sẽ khiến những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ bị buồn bã kéo dài.

‘Nhiều trẻ em bị tự kỷ cần phải đi theo một giờ giấc sinh hoạt rõ ràng, các em bị bối rối không thể hiểu về thế giới chung quanh mình, vì vậy, điều quan trọng là phải giữ được lịch sinh hoạt thống nhất, nhưng trong lúc này thì không ai có thể có được một lịch sinh hoạt rõ ràng, và mọi thứ đều thay đổi’.

Mặc dù nhiều người không khuyến khích trẻ em nhìn vào màn hình quá nhiều, nhưng vào lúc này, các lớp học online là nguồn hy vọng, giúp cho phụ huynh và học sinh cảm thấy họ không bị cách ly trong cô đơn.

Quý vị có thể cập nhật tin tức về coronavirus mới nhất bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus.

Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.

SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại:
Thêm thông tin và cập nhật Like SBS Vietnamese Facebook Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại sbs.com.au/vietnamese

Share