Bạch thư phác họa những vụ mua sắm lớn lao, trong đó có cả tàu chiến mới và một số tàu tuần duyên viễn dương.
Liên đảng cho biết ủng hộ các cam kết của cựu Thủ tướng Tony Abbott, qua việc chi tiêu hơn 2 phần trăm của Tổng lợi tức quốc gia GDP cho quốc phòng, vào năm 2024.
Còn Lao động hiện theo một đường lối thận trọng trước văn kiện chiến lược nói trên và nói rằng cần biết thêm nhiều chi tiết, trước khi đưa ra bất cứ sự ủng hộ nào.
Bạch thư quốc phòng của chính phủ liên bang được chờ đợi từ lâu, vạch ra mục tiêu gia tăng 5 ngàn binh sĩ, trong lực lượng quốc phòng.
Bạch thư cũng cam kết, việc chính phủ tôn trọng lời hứa năm 2013, theo đó gia tăng chi tiêu quốc phòng lên 2 phần trăm tổng sản lượng quốc gia, trong vòng 10 năm.
Liên đảng cũng dự định theo đuổi kế hoạch mua 12 tàu ngầm, được xem là một phần trong các biện pháp.
Thủ tướng Malcolm Turnbull nói rằng, an ninh quốc phòng tùy thuộc một kỷ nghệ quốc phòng vững mạnh.
Ông cho Quốc hội biết rằng, Bạch thư đề ra một phần quan trọng, từ chỗ di chuyển việc bùng nổ trong xây dựng hầm mỏ, sang một nền kinh tế đầy sáng tạo.
"Bạch thư quốc phòng sẽ được xây dựng và hoàn toàn bao gồm các sáng kiến khoa học quốc gia, cùng việc đầu tư vào nền kỷ nghệ quốc phòng của chúng ta, với những kỷ thuật tân tiến".
"Đó là điều thiết yếu cho nền an ninh của chúng ta cho tiến trình canh tân, bảo đảm sự an toàn và thịnh vượng trong nhiều thập niên tới".
Ông nói rằng, tài liệu nầy cung cấp các chi tiết với đầy đủ phí tổn, về lý do vì sao cần phải gia tăng đáng kể trong các chi tiêu về quốc phòng.
"Chúng ta phải đảo ngược ý niệm là ngân sách quốc phòng chỉ là để mua sắm các thiết bị, tàu chiến và phi cơ từ ngoại quốc".
"Nền an ninh của chúng ta phải dựa trên một kỷ nghệ quốc phòng vững mạnh".
Phe Lao động đối lập cho biết, họ cần có thời gian để xem xét chi tiết bản Bạch thư, trước khi cam kết việc ủng hộ ca8c biện pháp.
Lãnh tụ đối lập Bill Shorten đặt nghi vấn về thời điểm ban hành bản Bạch thư, khi ghi nhận rằng việc nầy đã trễ mất 12 tháng.
"Chúng tôi muốn thấy liệu có cam kết để xây dựng 12 tàu ngầm tại Úc hay không, vốn là những tiềm thủy đỉnh trong tương lai của nước Úc".
"Chúng tôi muốn thấy nếu có những hứa hẹn trong việc nầy, tôi muốn nói là sau mọi hứa hẹn trước cuộc bầu cử trước đây và trong thời gian 2 năm rưỡi vừa qua, chúng ta chứng kiến các công tác đóng tàu và công việc chế tạo phụ tùng, đã rời khỏi các nơi trên nước Úc, bởi vì chính phủ không thể giữ lời hứa".
"Vì vậy trong Bạch thư quốc phòng được ban hành, chúng tôi muốn thấy chính phủ cam kết duy trì các công việc cho người Úc".
"Trong vòng hai thập niên tới, phân nửa số tàu ngầm thế giới và ít nhất phân nửa chiến đấu cơ của thế giới sẽ hoạt động trong vùng Thái bình Dương và đó là khu vực của chúng ta, dù đó là biển Nam Trung hoa, bán đảo Triều Tiên hay những nơi xa hơn. Chúng ta có một quyền lợi mạnh mẽ và thiết yếu trong việc duy trì hoà bình, ổn định và tôn trọng luật pháp". Thủ tướng Malcolm Turnbull.
Còn dân biểu độc lập Tasmania là ông Andrew Wilkie, chỉ trích việc gia tăng tiềm năng quốc phòng của Úc.
"Chúng ta không kham nổi mức độ của lực lượng quốc phòng vào lúc nầy và chúng ta không cần gia tăng mức độ binh sĩ Úc hiện nay".
"Chắc chắn là ông Malcolm Turnbull cảm thấy chú ý đến vài phần tử trong chính phủ và trong đảng của ông, cũng như ông muốn tỏ ra mạnh mẽ trong vấn đề quốc phòng".
"Đây là một cơ hội cho ông để khẳng định vai trò lãnh đạo chính phủ và nói rằng, vâng, người tiền nhiệm là ông Tony Abbott đã hứa hẹn như đóng 12 tàu ngầm, nhưng mọi việc nay đã thay đổi".
"Mối đe dọa thay đổi, ngân sách cũng thay đổi và nay là lúc thay đổi kế hoạch".
Thượng nghị sĩ đảng Xanh là ông Scott Ludlam cho rằng, bản Bạch thư không có ý nghĩa khi cho thấy, dường như là đây là một mục tiêu cố tình để chi tiêu về quốc phòng, trong khi chính phủ hiện cắt giảm chi tiêu cho y tế và giáo dục.
"Ý tưởng là chúng ta trở lại sự cân bằng khá kỳ lạ, khi chúng ta phải chi tiêu 2 phần trăm G.D.P cho quốc phòng, không cần biết chuyện là nó tương đương với 1 ngàn tỷ đô la trong 20 năm tới".
"Việc nầy có thể khởi động và khiến cho cuộc chạy đua võ trang trong vùng, lại càng thêm tệ hại".
"Đó là một cách thức hết sức lạ lùng, mà lẽ ra là những cuộc thảo luận êm dịu hơn về quốc phòng và về chính sách an ninh quốc gia".
Thủ tướng Malcolm Turnbull nói rằng, chính phủ cam kết gia tăng đáng kể trong chi tiêu quốc phòng, là do những thách thức trong khu vực, cũng như những đe dọa về thay đổi khí hậu và khủng bố, trong số những vấn đề khác.
Yếu tố thay đổi khí hậu, không được dự liệu dưới thời chính phủ Abbott, ông nói:
"Trong vòng hai thập niên tới, phân nửa số tàu ngầm thế giới và ít nhất phân nửa chiến đấu cơ của thế giới sẽ hoạt động trong vùng Thái bình Dương và đó là khu vực của chúng ta, dù đó là biển Nam Trung hoa, bán đảo Triều Tiên hay những nơi xa hơn".
"Chúng ta có một quyền lợi mạnh mẽ và thiết yếu trong việc duy trì hoà bình, ổn định và tôn trọng luật pháp".
Ngôn ngữ trong bản Bạch thư vạch ra việc thừa nhận rằng, nước Úc cần gia tăng tiềm năng và tính nhanh nhẹn của quân đội Úc, trước sự gia tăng thịnh vượng và quyền lực tại Á châu, cộng với căng thẳng chiến lược đã gia tăng giữa Trung quốc và Hoa kỳ.
Trước khi công bố Bạch thư quốc phòng, Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết dưới thời Lao động, chi tiêu quốc phòng thấp nhất trong GDP, kể từ năm 1938.
Nước Úc tiếp tục việc hỗ trợ về quân sự cùng với Hoa kỳ, vốn được thẩm định vẫn là siêu cường trong vòng hai thập niên tới.
Bạch thư nhắm vào việc Úc liên kết sâu xa với Mỹ, bao gồm việc di chuyển một viễn vọng kính tình báo của Mỹ, được biết là một viễn vọng kính quan sát không gian, được chuyển về vùng Exmouth ở Tây Úc.
Đại sứ Mỹ tại Úc là ông John Berry, mô tả Bạch thư là đường hướng xem xét toàn diện và cẩn thận, khi đề cập đến các thách thức về an ninh trong 2 thập niên tới.