Tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh mà ông gọi là “Độc lập Năng lượng”, trước sự chứng kiến của các thợ mỏ và lãnh đạo của các công ty than. Mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump là nhằm đạt được sự độc lập về năng lượng và đưa các thợ mỏ quay lại làm việc ở các mỏ than.
“Việc tôi làm hôm nay sẽ ngăn chặn việc đi quá giới hạn của Chính phủ, lần đầu tiên sau một thời gian dài chúng ta sẽ phục hồi tự do kinh tế, cho phép các doanh nghiệp và công nhân của Hoa Kỳ phát triển, cạnh tranh và tiến tới thành công.”
Mục tiêu chính của sắc lệnh này là Kế hoạch năng lượng sạch của cựu Tổng thống Barack Obama, yêu cầu quốc gia cắt giảm khí thải từ những nhà máy năng lượng theo một thỏa thuận quan trọng được ký tại Paris năm 2015 bởi gần 200 quốc gia.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump cũng bãi bỏ lệnh cấm cho thuê đất liên bang của các công ty khai thác than, bãi bỏ các quy định về việc hạn chế lượng phát thải khí methane trong quá trình khai thác dầu và khí đốt, đồng thời không quá đặt nặng vấn đề biến đổi khí hậu hay phát thải khí carbon trong các chính sách về biến đổi khí hậu và các quyết định hạ tầng cơ sở.
Cách thức của ông Trump đã vấp phải sự phản đối từ phía các chuyên gia môi trường trên toàn cầu, trong đó có ông Martin Hayden, phó chủ tịch công ty luật phi lợi nhuận Earthjustice
“Đây là một ý tưởng hết sức kinh khủng của toàn bộ ngành công nghiệp khí thải, được dựng lên để kéo chúng ta đi ngược lại với tiến trình ứng phó với sự biến đổi khí hậu, chứ không phải đi tới, thay vì thời điểm này là lúc mà cả thế giới cần phải đi tới.”
Sắc lệnh của Tổng thống Trump cũng bãi bỏ lệnh cấm cho thuê đất liên bang của các công ty khai thác than, bãi bỏ các quy định về việc hạn chế lượng phát thải khí methane trong quá trình khai thác dầu và khí đốt.
Trước đây, ông Trump đã gọi hiện tượng trái đất nóng lên là là một ‘trò chơi khăm do Trung Quốc tạo ra’ nhằm khiến ngành sản xuất của Hoa Kỳ trở nên kém cạnh tranh.
Nhưng theo chuyên gia phân tích Bob Deans đến từ Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Quốc gia, ông đã đặt nghi vấn liệu điều này có thực sự có kết quả như Tổng thống đang lạc quan kêu gọi không
“Ngành kỹ nghệ than đá bản thân nó đã cho thấy sẽ không thể tạo ra công ăn việc làm, bởi sự tự động hóa trong ngành này, và bất cứ ngành nào trên khắp đất nước này. Ngành than đá hiện càng ngày càng khai thác được nhiều than hơn với số nhân công ít đi. Chúng ta cần quan tâm đến những người thợ trong mỏ than, cần quan tâm đến những công nhân bằng cách chuyển họ sang làm những công việc sạch sẽ hơn, và cần nhiều trí óc hơn.”
Chuyên gia về biến đổi khí hậu Ajay Gambhir, thuộc đại học Imperial ở Luân Đôn, nói sắc lệnh này gây nghi ngờ về việc liệu Hoa Kỳ có tiếp tục ủng hộ công nghệ sạch hay không.
“Kế hoạch năng lượng sạch đã cho thấy sự thuyên giảm đáng kể lượng khí thải SO2 và NO2, hai loại hóa chất gây muội than và khói bụi. Do đó trong tương lai sẽ có nhiều tác hại liên quan đến ô nhiễm môi trường, những thứ gây nên bệnh hen suyễn, chết yểu và nhiều bệnh khác.”
“Ngành kỹ nghệ than đá bản thân nó đã cho thấy sẽ không thể tạo ra công ăn việc làm, bởi sự tự động hóa trong ngành này, và bất cứ ngành nào trên khắp đất nước này. Ngành than đá hiện càng ngày càng khai thác được nhiều than hơn với số nhân công ít đi," Bob Deans.
Các chuyên gia Úc hiện đang theo dõi sát sao động thái này.
Tiến sĩ Elena Aydos, một giảng viên về luật môi trường tại đại học Newcastle nói rằng, sắc lệnh này đến vào thời điểm rất nhạy cảm trong chính sách về khí hậu của Úc.
“Trong 10 năm qua chúng tôi đã chứng kiến một cuộc tranh luận chính trị xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu. Cuộc tranh luận này được châm ngòi bởi những thông tin sai lệch và sự thiển cận của các chính trị gia. Điều thú vị hiện nay là rất nhiều cổ đông trước đây từng chống lại các hoạt động bảo vệ khí hậu, và thình lình họ nhận ra sự thiếu hụt trong chính sách biến đổi khí hậu là điều rất đáng quan ngại.”
Nhưng tiến sĩ Aydos vẫn thận trọng về khả năng các quốc gia khác sẽ chọn cách không theo Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh giá năng lượng tái tạo đang giảm và Trung Quốc thì đang thúc đẩy việc hướng tới công nghệ sạch
“Kết quả có thể sẽ đi theo hai hướng. Một là Hoa Kỳ sẽ bị mất ảnh hưởng, chẳng hạn về mặt thương mại. Khả năng khác là Hoa Kỳ vẫn sẽ bị thúc giục phải có các hoạt động bảo vệ khí hậu. Do đó chúng ta cần xem xét liệu đất nước có đủ vững mạnh để tạo ra khác biệt hay không.”
Một liên minh gồm 23 tiểu bang của Hoa Kỳ và các chính phủ cấp địa phương đã cam kết sẽ chống lại sắc lệnh này tại tòa án.