Hôm thứ Năm 10/3, các lực lượng Nga đã tăng cường bắn phá Mariupol và các thành phố khác khiến hàng trăm nghìn người bị mắc kẹt, thiếu lương thực và nước uống.
Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskyy cho biết hôm thứ Tư 9/3 đã có khảong 35.000 người đã cố gắng thoát khỏi các thị trấn bị bao vây, và nhiều người đang cố gắng trốn thoát ở miền đông và miền nam Ukraine - bao gồm cả Mariupol - cũng như ở các vùng ngoại ô thuộc Kyiv.
Thư ký báo chí Toà Bạch Ốc Jen Psaki nói rằng thế giới cần phải ‘mở to mắt’ trước khả năng, năng lực và mô hình sử dụng vũ khí hóa học và sinh học của Nga khi Nga tiếp tục xâm lược Ukraine.
Nhận định này được đưa ra sau cảnh báo của chính quyền Biden rằng Nga có thể tìm cách sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine. Toà Bạch Ốc cũng bác bỏ các cáo buộc của Nga cho rằng Hoa Kỳ đã phát triển vũ khí hóa học bất hợp pháp ở Ukraine.
Trước đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, không có bằng chứng, cáo buộc Ukraine điều hành các phòng thí nghiệm vũ khí hóa học và sinh học với sự hỗ trợ của Mỹ.
Bà Psaki gọi tuyên bố của Nga là "lời nói dối trắng trợn" và nói rằng Nga chỉ đang kiếm cớ để sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Ukraine.
“Họ có một chương trình vũ khí hóa học và sinh học lớn, vì vậy đó là cách thức mà họ sử dụng và họ cũng có năng lực làm chuyện đó. Mặc dù tôi không đi sâu vào thông tin tình báo cụ thể, nhưng chúng tôi đang xem xét tất cả các yếu tố đó. Và một trong những lý do khiến tôi phải đăng Twitter ngày hôm qua là Nga có lịch sử chuyên phát minh ra những lời nói dối trắng trợn như thế này, khi cho rằng Hoa Kỳ, hay Ukraine, có chương trình vũ khí hóa học và sinh học và đang hoạt động.”
Tuy nhiên, vị thư ký báo chí không nói liệu việc sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học của Nga có tạo thành ‘một lằn ranh đỏ’ và kích hoạt phản ứng quân sự từ Hoa Kỳ hay không.
“Tôi sẽ không đi sâu vào các giả thuyết. Điều chúng tôi đang nói lúc này là họ có năng lực và khả năng. Tôi cũng sẽ không tham gia vào hoạt động tình báo. Nhưng quan điểm của tổng thống trong việc có đưa quân đội Mỹ tham chiến ở Ukraine chống lại Nga hay không sẽ không thay đổi. Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của Tổng thống là an ninh quốc gia và lợi ích của Hoa Kỳ, và Tổng thống cũng đã nói rõ ràng và trực tiếp đối với người dân Mỹ rằng ông không có ý định gửi quân đội Hoa Kỳ đến chiến đấu ở Ukraine chống lại Nga để bắt đầu một cuộc chiến khác, vì đó sẽ là một bước leo thang không có lợi cho an ninh quốc gia của chúng tôi và không có lợi cho NATO.”
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã tập trung vào việc làm thế nào để giúp Ukraine trong cuộc chiến với Nga, nhưng các biện pháp được thảo luận có thể sẽ không thể giúp Ukraine trong việc sớm gia nhập khối.
Các quốc gia EU đã hoàn toàn thống nhất trong việc ủng hộ sự phản kháng của Ukraine bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Nga, nhưng sự chia rẽ đã bắt đầu xuất hiện về việc bao giờ Brussel có thể cho Ukraine gia nhập và liên minh EU gồm 27 quốc gia có thể cắt đứt quan hệ năng lượng với Moscow nhanh chóng như thế nào.
Ông Zelenskyy muốn đất nước của mình nhanh chóng trở thành thành viên EU, nhưng thỏa thuận đó khó mà đạt được trong tuần này.
Việc xét duyệt nhanh chóng cho Ukraine gia nhập EU đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt ở các nước Đông Âu, nhưng đối với các quan chức EU thì nhấn mạnh quá trình này có thể mất nhiều năm, nhận định này cũng được sự nhất trí từ các thành viên hiện tại trong việc cho phép một nước mới tham gia khối.
Trước chuyến đi đến cung điện Versailles, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông đã nói với Tổng thống Zelenskyy rằng việc Ukraine gia nhập EU không thể được đẩy nhanh tiến độ.
“Không có gì gọi là nhanh cả. Tôi nghĩ điều tôi muốn làm trước hết, là tất cả chúng tôi, và Hà Lan là một trong những quốc gia đầu tiên, sẽ hỗ trợ về mặt quân đội, và kêu gọi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ. Chúng tôi, nhìn chung, đã đạt được nhiều kết quả về mặt này và chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa. Tôi muốn tập trung vào những gì chúng tôi có thể làm cho Volodymyr Zelenskyy, còn việc gia nhập EU của Ukraine là chuyện lâu dài. Hiện tại, Ủy ban Châu Âu sẽ đánh giá đơn đăng ký thành viên và sau đó để Hội đồng Châu Âu xem xét về vấn đề này. Có thể mất vài tháng, có thể là nhiều năm.”
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Năm khi trả lời về yêu cầu chính thức của Ukraine về việc gia nhập khối, đã nói rằng, việc đàm phán về tư cách thành viên EU với một quốc gia đang có chiến tranh là không thực tế.
“Tối nay chúng tôi sẽ có một cuộc thảo luận rất quan trọng vì chúng tôi cần gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Ukraine và người dân Ukraine. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng phải cẩn thận. Chúng ta có thể bắt đầu quá trình gia nhập thành viên với một quốc gia đang có chiến tranh không? tôi không nghĩ vậy. Nhưng cũng sẽ là không công bằng nếu đóng cửa với Ukraine. Và chúng ta cũng cần phải cẩn trọng với sự cân bằng trong khu vực.”
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã đem đến cho đại sứ quán của Ukraine ở Washington một vai trò bất ngờ, đó là trở thành một trung tâm tuyển dụng cho những người Mỹ muốn tham gia cuộc chiến.
Các nhà ngoại giao làm việc bên ngoài đại sứ quán, trong một ngôi nhà ở khu Georgetown của thủ đô Hoa Kỳ, đang nhận hàng nghìn lời đề nghị từ những người tình nguyện muốn tham gia chiến đấu cho Ukraine, ngay cả khi họ đang phải giải quyết những vấn đề cấp bách hơn rất nhiều là bảo đảm vũ khí để phòng thủ trước một sự tấn công ngày càng tàn bạo của Nga.
Tùy viên quân sự Ukraine, Thiếu tướng Borys Kremenetskyi, cho biết những người muốn tới Ukraine chiến đấu không phải là lính đánh thuê.
“Nếu người này phù hợp với yêu cầu, chúng tôi cho người liên lạc ở Ukraine, người đó sẽ đến Ukraine và ký hợp đồng với các lực lượng vũ trang ở Ukraine. Vì vậy, đây không phải là những người lính đánh thuê đến để kiếm tiền. Không hề. Đây là thiện chí, những người thiện chí đang đến hỗ trợ Ukraine đấu tranh cho tự do. Chúng tôi sẽ thành lập một Quân đoàn nước ngoài để chiến đấu bảo vệ lãnh thổ.”
Các tình nguyện viên Hoa Kỳ chỉ đại diện cho một nhóm nhỏ những người nước ngoài đang muốn chiến đấu cho Ukraine, và những người này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số viện trợ quốc tế đã đổ vào Ukraine.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không khuyến khích người Mỹ tham chiến ở Ukraine, điều này làm nảy sinh các vấn đề pháp lý và an ninh quốc gia.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc cho biết hiện ước tính có khoảng 2,3 triệu người đã chạy khỏi Ukraine.
Người phát ngôn Stephane Dujarric cũng cho biết có 1,9 triệu người đã phải di tản khỏi Ukraine, theo Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
“Thường dân, dù họ ở lại hay rời đi đều phải được tôn trọng và bảo vệ. Chúng tôi cũng cần một hệ thống liên lạc thường xuyên với các bên xung đột. Về mặt ứng phó, các tổ chức nhân đạo đang triển khai thêm nhân viên trên khắp đất nước và đang làm việc để chuyển nguồn cung cấp đến các kho hàng tại các trung tâm khác nhau trong và ngoài Ukraine.”
Nhiều người hy vọng được phép di tản an toàn thông qua các hành lang nhân đạo đã thỏa thuận hôm thứ Năm, nhưng nhiều nỗ lực đã thất bại trong bối cảnh Nga tiếp tục pháo kích.