Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà đã ra lệnh cho 6 ủy ban quốc hội mở điều tra theo hướng luận tội.
"Tổng thống phải chịu trách nhiệm. Không ai đứng trên pháp luật hết cả," bà Pelosi nói.
Trước đây đã có người trong Đảng Dân Chủ kêu gọi điều tra ông Trump, nhưng giọt nước tràn ly là cáo giác ông đã gây áp lực với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Đảng Dân Chủ cáo buộc ông Trump đã dọa cắt viện trợ 400 triệu Mỹ kim viện trợ nốu Ukraine không điều tra tham nhũng đối thủ của ông Trump là Joe Biden và con trai của ông này.
"Tổng thống đã thú nhận là ông yêu cầu tổng thống Ukraine mở điều tra vốn sẽ có lợi cho ông về mặt chính trị. Hành động của tổng thống cho thấy ông đã phản bội lời tuyên thệ của tổng thống, vi phạm an ninh quốc gia, và làm suy suyển sự chính danh của bầu cử dân chủ," bà Pelosi nói.
Ông Trump viết trên Twitter đây là một cuộc săn lùng chính trị, nhưng nhìn nhận ông có nói chuyện điện thoại với ông Zelensky, như là một người trong ngành tình báo đã tố cáo.
"Đảng Dân chủ nói đây là tin do một người tiết lộ. Nhưng chỉ là nghe lại mà thôi chứ không nghe được cuộc điện đàm. Tôi có bằng chứng tốt hơn. Chúng tôi có bản ghi chép cuộc điện đàm, vốn sẽ được công bố. Đó là một cuộc điện đàm đầy kính trọng. Chứ không như ông Biden. Đó là một cuộc điện đàm hoàn hảo. Ukraine cũng đã lên tiếng, hoàn toàn không có áp lực nào lên họ cả," ông Trump nói.
Tiến sĩ David Smith là chuyên gia về Hoa Kỳ thuộc Đại học Sydney cho biết bà Pelosi đã rất lưỡng lự trước đây.
"Có những người trong đảng Dân Chủ đã thúc giục bà hãy tiến hành luận tội vì đã cản trở công lý trong cuộc điều tra sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống, rồi các công ty của gia đình ông vẫn kinh doanh tốt sau khi ông lên làm tổng thống, tức kiếm lợi từ vị trí tổng thống. Nhưng nay thì có lý do rõ ràng hơn, và nếu chứng minh được thì là một lỗi rất nặng."
Quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia sẽ ra trước ủy ban tình báo của quốc hội vào ngày mai và ông phải tiết lộ toàn bộ những gì người tố cáo đã nói. Người này cũng phải ra điều trần trước ủy ban.
Tiến sĩ Smith nói cuộc điều tra có lẽ sẽ dài trong suốt năm tới, cho đến bầu cử tổng thống vào tháng 11.
"Nếu như sau khi điều tra đa số trong Hạ viện biểu quyết đồng ý luận tội tổng thống, thì sẽ có một phiên xử trên Thượng viện. Nếu hai phần ba Thượng viện bỏ phiếu đồng ý, thì tổng thống sẽ bị cách chức, nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra," Giáo sư Smith nói.
Từ trước đến nay chưa có tổng thống Mỹ nào phải từ nhiệm vì bị luận tội. Tiến sĩ Smith cũng nghĩ chuyện đó khó mà xảy ra với ông Trump.
"Khó mà Thượng viện bỏ phiếu cách chức ông Trump cho dù Thượng viện có tìm thấy ông đã phạm tội nghiêm trọng. Đó là vì Thượng viện hiện nằm trong tay Đảng Cộng hòa, cho nên đương nhiên họ sẽ không chống lại tổng thống của đảng. Điều chúng ta sẽ thấy là một cuộc luận tội, không khiến ông Trump bị cách chức, nhưng có thể sẽ ảnh hưởng rất xấu đến cá nhân của ông."
Tin quốc hội điều tra tổng thống Trump nổ ra khi thủ tướng Scott Morriosn đang viếng thăm Mỹ, và ông đã tái cam kết củng cố mối bang giao giữa hai nước. Tuy nhiên Tiến sĩ Smith nói chuyện của ông Trump sẽ không ảnh hưởng gì đến mối bang giao đó.
"Cho dù ông Morrison có vẻ thân thiết với ông Trump, nhưng các thủ tướng Úc thường đều đối xử như vậy với các tổng thống Mỹ. Tôi không nghĩ chuyện ngoại giao chi phối quyết định của cử tri ở Úc, miễn là chúng ta không tham chiến cùng với Mỹ trong một cuộc chiến toàn diện nào đó," Giáo sư Smith nói.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden bác bỏ cáo buộc có hành vi sai trái và cũng ủng hộ quyết định luận tội tổng thống.
Tuy nhiên ông nói luận tội ông Trump sẽ là một thảm kịch nhưng là một bi kịch do chính ông ta gây ra.
Ứng viên tổng thống của Đảng Dân Chủ, Joe Biden hiện đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc vào tháng 11 năm 2020.