Một điều không thể phủ nhận là một phần người Việt sinh sống tại các nước ngoài có khuynh hướng giữ lại nguyên tiếng Việt trước năm 1975 và không chấp nhận cách nói hay viết của của người Việt trong nước, liệu có sự dung hợp giữa hai khuynh hướng nầy không, do căn bản tiếng Việt là một ngôn ngữ sống động nên cũng thay đổi theo thời gian. Một vào thế hệ nữa, có lẽ tiếng Việt cũ sẽ dần dần được thay thế bằng cái mới hay chăng, dĩ nhiên là thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp và thăng hoa cho tiếng Việt, chứ không khiến cho nó đi xuống hay nghèo nàn đi.
Mới đây đề nghị sửa đổi cách viết tiếng Việt theo một biến thể khác của một số cá nhân trong nước, đã gặp sự chống đối mạnh mẽ. Vậy thì cách viết tiếng Việt có cần phải điều chỉnh hay thay đổi gì không? Khó khăn khác là trong khi nhiều người chấp nhận vần abc thì cũng có người gọi là a bờ cờ, liệu khuynh hướng nào được ưa chuộng hơn?
Tại Việt Nam hiện nay, nhiều người có khuynh hướng nói tắt khi gộp nhiều từ lại với nhau, hoặc sử dụng những từ tắt như ‘khủng’ thay vì kinh khủng hay khủng khiếp, cách dùng nầy phổ biến trong nước nhưng hầu như những người sống ở nước ngoài không chấp nhận và dần dần cách gọi tắt cũng bớt đi, chẳng hạn như chẳng ai nói Bộ Giáo Đào mà đó là Bộ Giáo dục và Đào Tạo vân vân.
Ngoài ra một số cách dùng từ thường được lập đi lập lại, nhất là tĩnh từ vốn rất phong phú trong tiếng Việt, thế nhưng thế hệ sau nầy dường như ít biết đến và ít sử dụng khiến cho vốn tĩnh từ nghèo đi. Thí dụ cho việc nầy là từ ‘hoành tráng’, mặc dù đó là một tĩnh từ có sẵn từ trước thế nhưng có nhiều tĩnh từ khác có thể thay thế và phong phú hơn thay vì chỉ dùng một từ duy nhất. Chẳng hạn như nói về một tòa nhà thì không chỉ có từ ‘hoành tráng’, mà còn có nguy nga, sang trọng, vĩ đại, đẹp đẽ, tráng lệ ..vân vân.
Trong khi đó, việc bảo tồn tiếng Việt tại nước ngoài đã và đang được thực hiện qua các lớp dạy tiếng Việt vào cuối tuần. Thế nhưng trong thời buổi đại dịch, các lớp nầy có được tiếp tục nữa hay không, hoặc thực hiện theo hình thức trực tuyến?.
Đó là sơ lược nội dung của tiết mục “Tiếng Việt còn...” mà chúng tôi xin mạo muội được phác thảo như trên. Dĩ nhiên với chủ đề rộng lớn như vậy cần có sự đóng góp của các chuyên gia về ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu và bình luận văn học, các ký giả sử dụng tiếng Việt, những nhà giáo tận tụy trong việc giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ và còn rất nhiều người có thể góp ý vào chương trình nầy.
Người phụ trách xin đa tạ trước và lần lượt chúng tôi sẽ phỏng vấn một số các chuyên gia nghiên cứu về ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt.
Người đầu tiên chúng tôi xin phép được nói đến là Kỹ Sư Nguyễn Cung Thông, chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt.