Trong vai trò Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, bà Victoria Tauli-Corpuz là người chịu trách nhiệm báo cáo và tham vấn trong các vấn đề về tình hình nhân quyền của người Thổ dân trên khắp thế giới.
Theo lời mời từ Chính phủ Úc, bà Tauli-Corpuz đã dành 2 tuần lễ vừa qua để tới Úc thực hiện cuộc điều tra về tình trạng bất lợi và thiệt thòi của người Thổ dân bản địa trên khắp nước Úc.
“Họ không nghĩ rằng mình sẽ có tương lai bởi vì nhiều người trong số họ rồi sẽ lại bị bắt giữ, cần phải đầu tư thêm nguồn lực giải quyết vấn đề này,” Báo cáo viên đặc biệt LHQ, Tauli-Corpuz
Bà cũng đã xem xét các chính sách nhằm giảm thiểu sự bất lợi của người Thổ dân cũng như tìm hiểu các điều kiện về luật pháp cho Thổ dân, tình hình ở các trại giam, tình trạng bạo hành gia đình, quyền sở hữu đất đai bản địa và đặc biệt là thực trạng tách trẻ em ra khỏi gia đình của chúng tại Úc này.
Closing The Gap cần những giải pháp đa dạng
Bà Tauli-Corpuz cho rằng, Chính phủ Úc cần tìm kiếm các giải pháp khác nhau nhằm đạt được mục tiêu Thu hẹp Khoảng cách (Closing the Gap).
“Chính phủ vẫn chưa xem xét một cách nghiêm túc đến các yếu tố văn hóa và xã hội, để giải thích lý do tại sao chúng ta chưa đạt được đa số các mục tiêu đề ra.”
“Bà báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cũng thẳng thắn chỉ trích tình trạng có quá nhiều trẻ em Thổ dân bản địa và dân đảo Torres Strait bị tam giam giữ trong các trung tâm giáo dục trẻ vị thành niên tại Úc,” bà Tauli-Corpuz nói.
Bà cũng cho hay, sau quá trình gặp gỡ các trẻ vị thành niên này, bà nhận thấy có những em chỉ mới 12 tuổi nhưng đã bị giam giữ. Đó là điều khiến bà băn khoăn suy nghĩ nhiều nhất trong chuyến đi này.
“Thật sự là một điều đáng thất vọng. Họ không nghĩ rằng mình sẽ có tương lai bởi vì nhiều người trong số họ rồi sẽ lại bị bắt giữ.”
“Những đứa trẻ đó không đáng bị đẩy vào các trung tâm giam giữ như thế. Tôi nghĩ cần phải đầu tư thêm nguồn lực giải quyết vấn đề này,” bà Tauli-Corpuz nói.
Thanh thiếu niên bị ngược đãi trong trại tạm giam?
Những nhận định của Báo cáo viên đặc biệt LHQ được đưa ra đúng thời điểm cuộc điều tra liên bang của Ủy hội Hoàng gia nhắm vào Trung tâm Tạm giữ và Bảo vệ trẻ em ở Lãnh thổ Bắc Úc, chuẩn bị đưa ra kết quả điều tra.
Thế nhưng, ngay từ bản báo cáo sơ bộ của Ủy hội Hoàng gia cũng đã thấy được một bức tranh u tối về giới trẻ Thổ dân Úc.
Đó là những thanh thiếu niên bị giam giữ ở Lãnh thổ Bắc Úc cáo buộc rằng khi họ rời Trung tâm Thanh thiếu niên thì đa số là trong tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với trước khi họ bước vào cánh cửa trại.
Tưởng cần nhắc lại, Ủy hội Hoàng gia đã được lập ra sau khi truyền hình công bố đoạn phim ghi lại cảnh một thiếu niên bị trùm đầu, trói chặt trên một chiếc ghế trong trại giam giữ thanh thiếu niên, hồi năm ngoái.
Gần 9 tháng kể từ sau ngày đó, nay thiếu niên xuất hiện trong đoạn phim, là Dylan Voller đang chung tay đóng góp vào một chương trình phục hồi dành cho thanh thiếu niên ở Alice Springs.
Không dám tố cáo vì sợ bị trả thù
Dylan chia sẻ trong chương trình The Point của kênh truyền hình NITV rằng cần phải đưa những người có trách nhiệm ra ánh sáng.
“Tôi không nghĩ là có sự công bằng ở đây. Tôi cảm thấy mình gánh chịu lỗi lầm của hệ thống này, những thứ được lên kế hoạch từ trước rồi.”
“Ví dụ, tôi nhận được bản án bị giam giữ 3 tháng chỉ vì tôi đã bóc một chút sơn trên tường, bởi vì tôi đã rời khỏi phòng giam 3 ngày và vì tôi cảm thấy quá buồn chán.”
“Vì vậy, tôi chẳng thấy chút công bằng nào trong cái hệ thống tòa án này cả. Đó là lý do vì sao mà giờ đây nhiều thanh thiếu niên mỗi khi họ bị đánh đập thì họ đều sợ hãi không dám tố cáo người hành hung.”
“Thứ nhất là vì họ cảm thấy sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Thứ hai là vì một khi mà quản giáo phát hiện ra ai đó đang cố tìm cách cáo buộc họ thì người trại viên đó sẽ đối xử rất tệ,” Voller nói.
Cuối tuần trước, Thủ hiến Lãnh thổ Bắc Úc, Mike Gunner cũng đã có phát biểu trên truyền thông sau khi bản báo cáo sơ bộ được công bố.
“Những đánh giá sơ khởi của họ cho thấy một hệ thống giám sát thanh thiếu niên thất bại, hệ thống luật pháp với đối tượng này chẳng giúp được cho ai.”
“Một hệ thống công lý cho thanh thiếu niên khiến người dân Lãnh thổ Bắc Úc thất vọng.”
“Nó không giúp gì được cho việc chăm sóc những đứa trẻ của chúng ta, của người dân Lãnh thổ này, những người xứng đáng được sống trong một cộng đồng an toàn,” ông Gunner nói.
Tỷ lệ tù tội của người Thổ dân đáng báo động
Trở lại với Báo cáo viên đặc biệt của LHQ, bà Tauli-Corpuz mô tả tỷ lệ thanh thiếu niên Thổ dân và dân đảo Torres Strait bị giam giữ đang ở mức báo động.
Bà kêu gọi chính phủ Úc phải đưa ra thêm các giải pháp đến từ chính người Thổ dân Úc và dành cho chính họ.
Khoảng một nửa số trẻ em trong các trại tạm giữ thanh thiếu niên ở Úc là người Thổ dân, vốn chiếm gần 3% dân số nước Úc.
Thanh niên Dylan Voller cũng cho hay việc bị giam giữ đã gây tổn thương tâm lý cho anh nhưng các chương trình phục hồi mà đơn cử là chương trình Bush Mob, làm việc với người Thổ dân, chính là một kinh nghiệm tích cực.
“Tôi nghĩ rằng cần tài trợ thêm cho các hoạt động thanh thiếu niên và các chương trình nhằm ngăn chặn thanh thiếu niên gây ra những hành động dẫn họ đến với đồn cảnh sát.”
“Nếu họ tham gia các chương trình này thì sẽ được giúp đỡ và tình trạng thiếu niên phạm tội sẽ không tiếp tục gia tăng.”
“Có thể thiết lập các trung tâm tá túc tạm thời hay hình thức nào đó tương tự. Đa số thanh thiếu niên phạm tội từ việc ăn cắp xe hơi hay các thứ khác.”
“Lý do là vì họ lang thang trên khắp phố xá, nếu họ có chốn tá túc tạm thời hay một nơi nào đó để tới với hy vọng có chỗ nghỉ và được ăn uống, thì họ sẽ không gây ra những hành động phạm pháp như những gì họ đã từng làm,” Voller nói.
Sau chuyến công tác tại Úc kéo dài 15 ngày của mình, bà Tauli-Corpuz sẽ soạn thảo một báo cáo với các khuyến nghị và trình bày báo cáo này trước Hội đồng Nhân quyền của LHQ vào tháng 9 năm nay.
Trong khi đó, Ủy hội Hoàng gia cũng sẽ công bố báo cáo cuối cùng của mình cùng những kết luận điều tra và các khuyến nghị, vào ngày 1 tháng 8 tới đây.