Thế giới hoảng loạn khi coronavirus lan rộng hơn 25 quốc gia

Shoppers are few and far between in Beijing, China

Shoppers are few and far between in Beijing, China Source: AAP

"Trong suốt một thời gian dài, thế giới đã vận hành theo một chu trình hoảng loạn và thiếu nghiêm túc. Chúng ta ném tiền vào các ổ dịch và khi chúng kết thúc, chúng ta quên nó ngay và không làm gì để ngăn chặn các bệnh dịch tiếp theo".


Hơn 50 trường hợp tử vong mới do coronavirus vừa được báo cáo tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.

Số người chết tăng lên trong bối cảnh mối lo ngại toàn cầu ngày càng sâu rộng.

Kể từ khi coronavirus xuất hiện tại thành phố Vũ Hán vào cuối năm ngoái, loại virus mới này đã lây nhiễm cho hơn 20.000 người trên khắp Trung Quốc và lan sang hơn 24 quốc gia.

Khi các nhà chức trách đang đấu tranh để ngăn chặn sự lan rộng của coronavirus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra một cảnh báo quan trọng.

"Trong suốt một thời gian dài, thế giới đã vận hành theo một chu trình hoảng loạn và thiếu nghiêm túc. Chúng ta ném tiền vào các ổ dịch và khi chúng kết thúc, chúng ta quên nó ngay và không làm gì để ngăn chặn các bệnh dịch tiếp theo."

Tiến sĩ Ghebreyesus cho biết quyết định của WHO vào tuần trước về việc tuyên bố coronavirus là tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế được thúc đẩy bởi các dấu hiệu lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc, và lo ngại về những gì có thể xảy ra nếu coronavirus lây lan ở một quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn.

Đề cập đến sự bùng phát dịch Ebola đang tiếp tục tàn phá các khu vực ở Tây Phi, ông Ghebreyesus nhấn mạnh mô hình hiện nay về việc đối phó với dịch bệnh toàn cầu là "rất thiển cận và nguy hiểm".

"Ngay trong bối cảnh dịch Ebola hiện tại, mặc dù chúng ta đã có đủ tài chính cho việc ứng phó, nhưng việc tài trợ để chuẩn bị ở các nước xung quanh vẫn không đầy đủ trong suốt đợt bùng phát. Đây là điều khó hiểu, vô cùng thiển cận và thật sự nguy hiểm. Nếu chúng ta không chuẩn bị, chúng ta sẽ nhận lấy thất bại."
Các ca bệnh đang tăng lên mỗi ngày và nhiều bệnh viện đã quá tải. Vì vậy, việc xây dựng một bệnh viện mới trong một thời gian ngắn vô cùng quan trọng để tất cả bệnh nhân có thể được kiểm dịch và được điều trị.
Thông cáo này đưa ra khi Trung Quốc tiếp tục có những nỗ lực lớn nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.

Mười ngày sau khi cô lập Vũ Hán, chính quyền đã áp đặt các biện pháp hà khắc tương tự đối với Ôn Châu, một thành phố ven biển gồm chín triệu người ở tỉnh Chiết Giang, nơi có hơn 660 người bị nhiễm bệnh.

Trong khi đó, một bệnh viện mới vừa được xây dựng ở Vũ Hán hiện đã sẵn sàng để bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân.

Được xây dựng chỉ trong mười ngày, đây là một trong hai bệnh viện được xây dựng mới trong thành phố đang đối mặt với việc điều trị dịch bệnh.

Bà Li Lanjuan, từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, đã hoan nghênh tốc độ xây dựng cơ sở này.

"Các ca bệnh đang tăng lên mỗi ngày và nhiều bệnh viện đã quá tải. Vì vậy, việc xây dựng một bệnh viện mới trong một thời gian ngắn vô cùng quan trọng để tất cả bệnh nhân có thể được kiểm dịch và được điều trị."

Các quốc gia trên toàn thế giới đang bắt đầu hồi hương công dân của họ từ Trung Quốc.

Những người Úc đầu tiên di tản khỏi Vũ Hán đã đáp xuống đảo Giáng sinh, nơi họ sẽ bị cách ly tới 14 ngày.

Hơn 50 công dân Ý cũng đã được hồi hương.

Nhóm này, bao gồm sáu trẻ em, đã đến Rome nhưng dự kiến sẽ được vận chuyển bằng xe buýt đến một căn cứ quân sự để kiểm dịch.

Đài Loan cũng đã di chuyển khoảng 247 người là công dân của nước này ra khỏi thành phố.

Trong khi đó, một người đàn ông Anh đã bày tỏ sự hối tiếc khi lên chuyến bay hồi hương đặc biệt tới Pháp.

Anthony May Smith, người đang tự cô lập tại một bệnh viện ở Oxford, nói rằng anh cảm thấy lo lắng sau khi "thấy một số người bị bệnh" trên chuyến bay của mình.

"Việc chứng kiến một số người bị bệnh trên chuyến bay trở về nhà khiến tôi nghĩ rằng có lẽ là lựa chọn sai lầm khi quay trở lại. Bạn biết đấy, có hơn 230 người trên chuyến bay đến Pháp . Vì vậy, chỉ cần một người trong số đó bị nhiễm bệnh thì có khả năng có 230 người khác sẽ bị nhiễm virus."

Trong khi đó, các quốc gia đang tiếp tục đưa ra các biện pháp cứng rắn để chống lại sự lây lan của virus.

Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố hạn chế đối với tất cả người nước ngoài đã đến thăm tỉnh Hồ Bắc trong 14 ngày qua, bắt đầu từ thứ Ba hôm nay.

Tổng thống Moon Jae-nói rằng biện pháp này là "điều không thể tránh khỏi."

"Việc hạn chế nhập cảnh tạm thời cho tất cả người nước ngoài đã ở hoặc đến thăm tỉnh Hồ Bắc, đồng thời tạm đình chỉ nhập cảnh mà không có visa vào đảo Jeju là những biện pháp không thể tránh khỏi để chúng tôi bảo đảm  an toàn cho người dân của chúng tôi."

Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Israel đã cấm công dân nước ngoài đến các quốc gia này nếu họ đã viếng thăm Trung Quốc gần đây và cảnh báo công dân của họ không đi du lịch đến Trung Quốc.

Trong khi Mông Cổ, Nga và Nepal đã đóng cửa biên giới đất liền.

Share