Tạp chí Khoa học (59) Mạng xã hội đã thay đổi ngành truyền thông thế giới như thế nào?

Ngày nay, hầu hết các phương tiện truyền thông đều mang tính toàn cầu, xã hội, có mặt khắp nơi và rẻ tiền.

Source: Pixabay

Truyền thông xã hội khác biệt như thế nào so với các phương tiện truyền thông khác như báo in, radio hay truyền hình. Và làm thế nào để tận dụng hết lợi thế, cũng như nhận thức được những hạn chế của nó?


Ông Clay Shirky là giáo sư trợ giảng của Chương trình Viễn thông Tương tác thuộc Đại học New York. Ông nghiên cứu về việc sử dụng những công nghệ mới như chia sẻ dữ liệu ngang hàng (peer-to-peer sharing), mạng không dây và phát triển mã nguồn mở.

Thông qua những ví dụ về ngành truyền thông trong lịch sử và giai đoạn cận đại, ông Shirky minh họa cách mà Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác đã giúp người dân tường thuật tin tức trong thời gian thực và vượt qua bức tường kiểm duyệt. Ông nói:

“Trong 500 năm qua, chỉ có 4 giai đoạn mà ngành truyền thông thế giới đã thay đổi rõ rệt để tạo nên một cuộc ‘cách mạng’. Cột mốc đầu tiên và nổi tiếng nhất là : những phát kiến về mực in và chữ in rời đã cho ra đời ngành in ấn hiện đại và làm đảo lộn Châu Âu vào giữa thế kỷ 15. Sau đó, khoảng vài trăm năm trước, người ta phát minh ra phương pháp giao tiếp hai chiều: đầu tiên là điện tín, sau đó là điện thoại.

“Và rồi khoảng 150 năm trước, có một cuộc cách mạng trong việc ghi lại dữ liệu: đầu tiên là chụp ảnh, sau đó là ghi âm, rồi tới ghi hình. Cuối cùng, khoảng 100 năm trước, người ta có thể sử dụng các quang phổ điện từ để truyền âm thanh và hình ảnh qua không khí – và thế là radio và TV ra đời. Đây là các phương tiện truyền thông mà chúng ta đã biết vào thế kỷ 20.
Johannes Gutenberg was a German blacksmith, goldsmith, inventor, printer, and publisher who introduced printing to Europe with the printing press.
Johannes Gutenberg was a German blacksmith, goldsmith, inventor, printer, and publisher who introduced printing to Europe with the printing press. Source: Wikipedia
“Thế nhưng có một sự bất đối xứng kỳ lạ ở đây. Những phương tiện truyền thông có khả năng tạo ra những cuộc đối thoại, thì lại không hiệu quả trong việc tạo ra nhóm. Còn những phương tiện có khả năng tạo ra nhóm, thì lại không tốt trong việc tạo ra đối thoại. Khi bạn tham gia một cuộc đối thoại, nghĩa là bạn đang nói chuyện với một người khác. Còn khi bạn muốn truyền thông điệp đến một nhóm, thì bạn sẽ tìm đến một đài phát thanh hoặc một nhà in. Đó là toàn cảnh về ngành truyền thông trong thế kỷ 20.

“Và điều này đã thay đổi. Internet là phương tiện đầu tiên trong lịch sử cho phép chúng ta tạo nhóm và đối thoại cùng một lúc. Trong khi điện thoại cho phép chúng ta giao tiếp giữa một người với một người, truyền hình, truyền thanh, tạp chí và sách vở cho chúng ta giao tiếp giữa một người với nhiều người, thì Internet tạo nên sự giao tiếp giữa nhiều người với nhiều người. Lần đầu tiên, phương tiện truyền thông có thể hỗ trợ những dạng đối thoại này. Đó là thay đổi lớn thứ nhất.
 Facebook booth is seen at the Vivatech, a gadgets show in Paris, France.
The Facebook booth as seen at the Vivatech, a gadgets show in Paris, France. Source: AP
“Thay đổi lớn thứ hai là khi tất cả phương tiện truyền thông đều được số hóa, thì Internet trở thành phương tiện truyền tải của tất cả những phương tiện truyền thông khác. Điều đó có nghĩa là những cuộc điện thoại được chuyển lên Internet, các tạp chí được chuyển lên Internet, và phim ảnh được chuyển lên Internet. Và điều đó có nghĩa là mỗi phương tiện truyền thông đều được đặt cạnh một phương tiện truyền thông khác. Nói cách khác, các phương tiện truyền thông không còn chỉ đơn thuần là một nguồn thông tin, mà còn là một nơi để người ta thảo luận và đối thoại về những gì họ thấy, nghe hoặc xem.

“Và thay đổi lớn thứ ba là những người trước đây vốn đóng vai trò khán giả, giờ đây có thể trở thành những nhà sản xuất nội dung. Mỗi khi một khán giả tham gia vào môi trường truyền thông này, thì đồng nghĩa với việc chúng ta có thể một nhà sản xuất, bởi với cùng một thiết bị như điện thoại hay máy tính, có thể giúp bạn vừa tiêu thụ, vừa tạo ra nội dung. Nó giống như là khi bạn mua một quyển sách và được tặng kèm một nhà in miễn phí, hoặc bạn có thể biến chiếc điện thoại của mình thành một máy nghe đài nếu bạn nhấn đúng nút. Internet đã tồn tại được khoảng 20 năm, và vẫn luôn thay đổi không ngừng với mạng xã hội.
“Trung Quốc có lẽ là nước kiểm duyệt Internet thành công nhất trên thế giới, sử dụng cái mà nhiều người gọi là Vạn lý tường lửa. Vạn lý tường lửa được thiết lập dựa trên 4 quan sát sau: Thứ nhất, nội dung truyền thông được sản xuất bởi những chuyên viên truyền thông chuyên nghiệp; thứ hai, nó đến từ thế giới bên ngoài; thứ ba, nó đến theo từng đợt thưa thớt; và thứ tư, nó đến khá chậm. Dựa trên 4 tính chất này, họ có thể sàng lọc những thông tin ngoại quốc mà người dân có thể tiếp cận.

“Thế nhưng cả 4 tính chất này đều không còn tồn tại trong môi trường truyền thông mới, khi nội dung truyền thông được sản xuất ngay trong nước, bởi những người nghiệp dư, với tốc độ nhanh chóng và khối lượng khổng lồ, đến mức không thể sàng lọc ngay khi nó được tạo ra. Và thế là giờ đây, sau khi kiểm duyệt mạng Internet thành công sau hàng chục năm, chính phủ Trung Quốc đang đứng trước một vấn đề nan giải. Vào dịp lễ tưởng niệm 20 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, chính phủ Trung Quốc đã chặn toàn bộ truy cập vào mạng xã hội Twitter, bởi vì không có cách nào để sàng lọc nội dung cả.
“Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến những người muốn kiểm duyệt nội dung, mà còn ảnh hưởng đến những người muốn truyền tải thông điệp, bởi gì toàn bộ hệ sinh thái truyền thông đã thay đổi. Vấn đề cơ bản của truyền thông trong thế kỷ 20 là làm thế nào một tổ chức có thể truyền tải thông điệp đến một nhóm người thông qua một hệ thống. Và câu trả lời của thế kỷ 20 là ‘đóng gói’ cùng một thông điệp và gửi nó đến tất cả mọi người trên toàn quốc, với số lượng nhà sản xuất ít ỏi và giá thành rất cao, vì thế không có nhiều sự cạnh tranh. Đó là cách tiếp cận khán giả trong quá khứ. Và điều đó không còn nữa.
“Câu hỏi ở đây là: ‘Làm thế nào để tận dụng tối đa môi trường truyền thông này? Ngay cả khi nó đồng nghĩa với việc thay đổi cách chúng ta làm truyền thông’.” - Clay Shirky, Đại học New York
“Chúng ta đang ở trong một môi trường mà truyền thông mang tính toàn cầu, xã hội, có mặt khắp nơi và rẻ tiền. Giờ đây, hầu hết các tổ chức đã quen thuộc với điều này. Khán giả có thể phản hồi lại. Và điều đó có vẻ đáng sợ, nhưng rồi ai cũng quen thôi. Nhưng đó không phải là thay đổi khủng khiếp nhất trong thế giới mà chúng ta đang sống.

“Thay đổi khủng khiếp nhất là: chúng ta không còn biệt lập với nhau, những người tiêu thụ đã biến thành những nhà sản xuất, và khán giả có thể trò chuyện trực tiếp với nhau. Bởi vì có nhiều nhà sản xuất nội dung nghiệp dư hơn là chuyên nghiệp, nên mạng lưới có thể phát triển vô cùng rộng lớn.
“Chỉ mới cuối thập niên trước, hầu hết nội dung truyền thông đại chúng đều do các nhà làm truyền thông chuyên nghiệp sản xuất. Những ngày xưa ấy đã không còn nữa. Ngành truyền thông mà trong đó, những chuyên viên truyền thông chuyên nghiệp truyền tải thông điệp đến người dùng nghiệp dư, đã đi vào quá khứ.

“Trong thế giới mà các phương tiện truyền thông mang tính toàn cầu, xã hội, có mặt khắp nơi và rẻ tiền, trong thế giới mà những khán giả đang trở thành những nhà sản xuất, thì truyền thông không còn là việc gửi đi một thông điệp đơn lẻ đến những cá nhân đơn lẻ, mà là tạo nên một môi trường hỗ trợ cho các nhóm.

“Và đối với bất kỳ ai có một thông điệp muốn truyền đến thế giới, thì lựa chọn của họ không phải là về môi trường truyền thông. Đây là môi trường truyền thông mà chúng ta có. Câu hỏi ở đây là: ‘Làm thế nào để tận dụng tối đa môi trường truyền thông này? Ngay cả khi nó đồng nghĩa với việc thay đổi cách chúng ta làm truyền thông’.”

Share