Tăng lãi suất liên tiếp ở Úc: Chuyện chung và chuyện riêng

Interest Rate

Pencil erasing or reducing mortgage interest rate. House logo created by photographer. Concept for reducing interest rate. Source: Getty Images/-Oxford-

Liên tiếp tăng mỗi tháng trong 3 tháng qua, lãi suất cơ bản nay vọt lên 1,35% và chưa kết thúc cho đến khi lạm phát còn 2-3%, các hộ gia đình đang hy sinh hầu bao và chất lượng sống vì nền kinh tế Úc?


Dù có thể đoán trước, nhưng tuần này người dân Úc có một ngày thật khó được gọi là đẹp và vui khi Ngân hàng Trung ương Úc châu (RBA) công bố quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% tức là lên mức 1,35%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2019.

Đây là lần tăng liên tiếp mỗi tháng trong 3 tháng qua. Trong tháng Năm, lãi suất cơ bản tăng từ 0,1% lên 0,35%. Tháng Sáu tăng tiếp 0,5%, và nay thêm 50 điểm phần trăm để vọt lên 1,35%.

Quyết định nào mà chẳng có lý do của nó. Hội đồng quản trị RBA tuyển bố sử dụng công cụ tăng lãi suất để ghìm lạm phát xuống từ mức cao nhất trong 21 năm là 5,1% trở lại biên độ mục tiêu 2-3%.

Thống đốc Philip Lowe đã trích dẫn lạm phát toàn cầu hiện cũng ở mức cao để phần nào giải thích cho quyết định tăng lãi suất cơ bản.

Ông tin rằng nền kinh tế Úc "vẫn có khả năng phục hồi" khi đối mặt với áp lực kinh tế quốc tế và trong nước.
Thống đốc Phillip Lowe khẳng định việc tăng lãi suất tiếp theo sẽ được đánh giá dựa trên dữ liệu mới và triển vọng thị trường lao động
Chính sách nào mà chẳng có người đặt câu hỏi về nó, dù lớn hay nhỏ.

Hai thắc mắc, có thể chúng ta đã ít nhiều được nghe.

Một, có thể coi là chuyện chuyện chung, tại sao tăng lãi suất giảm được lạm phát tại Úc?

Hai, chuyện riêng của mỗi nhà, tăng lãi suất tác động gì đến chúng tôi, những người vay mua nhà?

Tăng lãi suất, giảm lạm phát tại Úc?

Câu chuyện về kinh tế học chắc chắn sẽ rất dài dòng và mất thời gian của quý vị nếu chúng ta đề cập đến từng khái niệm trong mối quan hệ giữa lãi suất và lạm phát.

Để hiểu nhanh về điều này, có 3 đặc điểm theo kinh tế học, lạm phát và lãi suất có quan hệ chặt chẽ, có tác động qua lại, vừa là nguyên nhân lại cũng là hệ quả.

Ở đây, xin đi thẳng vào câu hỏi “tại sao tăng lãi suất lại giảm được lạm phát tại Úc, cơ chế vận hành thế nào?”

RBA mà chúng ta nghe hàng ngày trên phương tiện truyền thông, chính là Ngân hàng Trung ương Úc châu, chủ thể đưa ra chính sách tiền tệ để tác động vào nền tài chính và kinh tế Úc.

Khi RBA tăng lãi suất hay còn gọi là thắt chặt tiền tệ, thì các Ngân hàng thương mại (ví dụ: NAB, CBA, ANZ, ..) sẽ tăng lãi suất tương ứng đối với các khoản cho vay của mình.

Điều này đương nhiên sẽ làm nhu cầu về tiền giảm xuống. Lý do, thay vì đi vay hay dùng tiền, người dân sẽ thích gửi tiền vào ngân hàng để được hưởng mức lãi suất cao hơn.

Nhu cầu tiêu dùng cũng trở nên thấp đi, làm giảm nguy cơ tăng giá hàng hóa. Giá hàng hóa tăng là điều dễ thấy khi tình hình lạm phát tăng cao. Quý vị chắc còn biết rõ về giá rau củ quả ở các chợ ngày hôm nay, giá đồ ăn, dịch vụ trong tuần này hơn chúng tôi.

Như vậy, lãi suất tăng sẽ làm giảm lượng tiền lưu thông ngoài thị trường, ảnh hưởng tích cực lên đồng tiền của quốc gia đó. Vì vậy lạm phát sẽ thấp đi.

Ví dụ dễ thấy, giá trị đồng tiền Úc với các ngoại tệ mạnh như USD, EUR đang ở mức thấp, nó cho thấy lạm phát cao.

Lãi suất cơ bản sẽ tiếp tục được sử dụng như một công cụ mạnh, trực tiếp.

RBA dự tính lạm phát còn tăng đến 7% trong khoảng cuối năm nay, và điều này có nghĩa là lãi suất sẽ tiếp tục tăng, đến khi đạt được mốc kỳ vọng trở lại được 2-3% trong năm tới.

Thống đốc Phillip Lowe khẳng định việc tăng lãi suất tiếp theo sẽ được đánh giá dựa trên dữ liệu mới và triển vọng thị trường lao động.

Đó là chuyện chung khi đề cập đến việc tăng lãi suất hiện nay tại Úc.

Chúng ta tìm hiểu đến chuyện riêng của mỗi hộ gia đình tại Úc liên quan đến quyết định này.

Tăng lãi suất tác động gì đến người vay mua nhà?

Ngay sau khi có quyết định tăng lãi suất cơ bản từ RBA, lập tức CBA và ANZ đã nâng mức lãi suất cho vay mua nhà linh động của họ tương đương mức tăng mới nhất là 0,5%.

Điều này sẽ nhanh chóng được các hộ gia đình cảm nhận rõ ràng trên từng con số trích ra từ tài khoản trả nợ gốc và lãi vay mua nhà thế chấp của họ.

Tính sơ qua, theo RateCity, nếu ngân hàng tăng lãi xuất 0,5% theo mức cơ bản vào lãi suất linh động, những người sở hữu nhà ở với khoản vay $500.000 và hạn trả nợ còn 30 năm sẽ thấy khoản trả nợ hàng tháng của họ tăng thêm $350.

Với mức thu nhập không thay đổi, khi chưa có dấu hiệu nào rõ ràng về việc tăng lương, hộ gia đình sẽ bắt buộc phải để ra một khoản tương đương cho tiền nhà mỗi tháng.

Với các gia đình từ trung lưu trở xuống, hầu bao chi phí thiết yếu mỗi tháng sẽ phải điều chỉnh lại để đối phó cơn bão lãi suất này.

Theo số liệu từ Nha Thống Kê Úc, trong năm 2020, hai phần ba (66%) hộ gia đình Úc sở hữu nhà riêng của họ, nhà này có hoặc không vay thế chấp.

The Guardian ước đoán, hiện nay khoảng 200.000 hộ gia đình đang vay mua nhà sẽ cảm nhận rõ áp lực từ mức tăng lãi suất 1,35% gần đây.

Bình quân, chủ sở hữu nhà có khoản vay thế chấp đã chi 16% thu nhập của họ cho chi phía nhà ở. Với mức tăng lãi suất hiện nay, con số này chắc chắn phải tăng thêm, khi lương chưa tăng.

Chưa thể chắc chắn hoàn toàn về viễn cảnh tác động của lãi suất đến lạm phát của Úc nhưng sức nóng từ những khoản hoàn trả vay thế chấp mua nhà hàng tháng đã lan tỏa đến các hộ gia đình tại xứ sở Kangaroo.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share