Tầm quan trọng của sự gắn kết xã hội trong quốc gia đa văn hóa của Úc

Australia's social cohesion is said to have been strained in recent months (AAP).jpg

Credit: Catriona Stirrat

Bạn đã nghe thuật ngữ này rất nhiều lần 'Sự gắn kết xã hội'. Vậy 'Sự gắn kết xã hội' thực sự có nghĩa là gì, và có thể được đo lường được không?


Có vẻ như đây là từ thông dụng được các chính trị gia lựa chọn hiện nay - sự gắn kết xã hội (social cohesion).

Thoạt nhìn, bạn có thể hình dung nó có nghĩa là mọi người hòa thuận với nhau theo cách thuận nhau mà sống, không va chạm không có bất kỳ vấn đề nào.

Chính trị gia Úc đầu tiên sử dụng thuật ngữ này là Gough Whitlam vào năm 1972 - khi ông phát động chiến dịch tranh cử của Đảng Lao động.

Tiến sĩ Hass Dellal là giám đốc điều hành của Quỹ Đa văn hóa Úc và là chủ tịch của cuộc đánh giá khuôn khổ đa văn hóa của chính phủ liên bang cho biết cụm từ này đã trở nên phổ biến vào những năm 90.

"Thực ra là từ giữa những năm 90, mối quan tâm đến động lực của sự gắn kết xã hội đã tăng lên do những lo ngại từ tác động của toàn cầu hóa, những thay đổi kinh tế, nỗi sợ càng tăng mạnh từ cuộc chiến chống khủng bố nảy nở vào thời đó. Thực sự không có định nghĩa thống nhất nào về sự gắn kết xã hội, nhưng các định nghĩa hiện tại nhất là ý thức về sự gắn kết, gắn bó với một nhóm, tham gia vào và tôn trọng các giá trị chung. Thực chất mà nói nó là gắn bó vì lợi ích chung của xã hội."

Có một vài tài liệu trước đó đề cập đến thuật ngữ này.

Một tài liệu từ cuối những năm 1800 cho rằng sự gắn kết xã hội là sự vắng mặt của xung đột xã hội tiềm ẩn và sự hiện diện của các mối quan hệ xã hội mạnh mẽ.

Một tài liệu khác giải thích rằng sự gắn kết xã hội social cohesion là xây dựng các giá trị chung, giảm khoảng cách và bảo đảm mọi người từ các tầng lớp khác nhau đều cảm thấy như họ là một phần của cùng một cộng đồng.

Tiến sĩ Dellal cho biết nền tảng của sự gắn kết xã hội là sự gắn kết.

"Bản sắc và cảm giác được thuộc về là điều cơ bản khiến một cá nhân cảm thấy sự hòa nhập và gắn bó, và đó là nền tảng của sự gắn kết xã hội. Với một xã hội đa dạng về văn hóa như xã hội của chúng ta thì nếu bạn muốn tạo ra mức độ gắn kết thì việc hòa nhập và chấp nhận là rất quan trọng, nó khiến một người cảm thấy mình được tôn trọng đồng thời nó cũng thúc đẩy một quốc gia đi đến thành công."

Vào giữa những năm 2000, Viện nghiên cứu Quỹ Scanlon bắt đầu đo lường sự gắn kết xã hội.

Họ xác định năm lĩnh vực: giá trị, công lý xã hội, sự chấp nhận, sự gắn kết và sự tham gia (worth, social justice, acceptance, belonging, and participation).

Hàng năm, họ tiến hành một cuộc khảo sát và đưa ra Chỉ số gắn kết xã hội Scanlon.

Tổng giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Quỹ Scanlon, Anthea Hancocks, cho biết chỉ số này đang suy giảm.

"Nếu bạn nhìn vào chỉ số chung, nó đang giảm nhẹ, nhưng đó là vì chúng tôi đã chọn một điểm khởi đầu bất chợt. Vì vậy, bạn có thể nói rằng một phần trong những gì bạn thấy đang diễn ra tại lúc này chính là chỉ số đang tự hiệu chỉnh."

Báo cáo đầu tiên vào năm 2007 đặt chỉ số ở mức 100.

Vào năm 2023, điểm số chung là 78, với các lĩnh vực suy giảm lớn nhất là sự hòa nhập xã hội và công lý, cũng như chấp nhận và từ chối.

Trong thời kỳ đại dịch, chỉ số đạt mức cao nhất tính trong thời gian năm năm là 93.

Bà Hancocks cho biết cách chính phủ ứng phó đại dịch đã thúc đẩy điểm số.

"Do họ đã đưa JobKeeper và JobSeeker vào. Và thế là ngay lập tức có cảm giác rằng, có một ngưỡng, và mọi người không muốn mình tụt xuống dưới ngưỡng đó. Và thế là có cảm giác được nâng đỡ, cảm giác rằng chính phủ quan tâm đến người dân và đang làm đúng để lo cho dân. Mà đúng vậy. Sự gắn kết nhất tề tăng vọt. Niềm tin của người dân vào chính phủ cũng tăng vọt nhờ vào điều đó. Còn giờ đây tất cả những điều đó đã biến mất, và mọi người quay trở lại cùng một nơi như trước khi xảy ra đại dịch."

Đối với chính phủ, mối quan tâm về sự gắn kết xã hội đã gia tăng kể từ ngày 7 tháng 10.

Sau khi có nhiều tin tức về tình trạng bài Do Thái và kỳ thị Hồi giáo trong cộng đồng, họ đã bổ nhiệm một Đặc phái viên cho vấn đề này, ông Peter Khalil.

Trong khi các yếu tố toàn cầu có thể tác động đến sự gắn kết xã hội, bà Hancocks cho biết các điều kiện kinh tế là nền tảng cho sự cân bằng.

"Yếu tố chính ảnh hưởng đến sự gắn kết xã hội nói chung là cảm nhận của mọi người về giá trị kinh tế. Tức là, họ có cảm thấy lạc quan về tương lai kinh tế của chính mình hay không, và điều đó có xu hướng hỗ trợ rất nhiều thứ khác tác động đến mọi người và tạo ra những phản ứng của họ."

Nhìn chung thì thái độ của người dân Úc đối với chủ nghĩa đa văn hóa vẫn tích cực.

"Nhìn chung, quan điểm của người Úc về chủ nghĩa đa văn hóa đã vô cùng tích cực trong một thời gian rất, rất dài. Và chúng không thay đổi. Vì vậy, 85% dân số tin rằng chủ nghĩa đa văn hóa có lợi cho Úc. Nó vẫn giữ vững như vậy trong suốt thời gian qua."]]

Tiến sĩ Dellal cho biết một xã hội gắn kết không phải là thứ bạn có thể chỉ thiết lập và quên đi.

"Bạn không thể tuyên bố mình là một quốc gia đa văn hóa thành công chỉ vì bạn đa dạng về mặt dân tộc mà không có chính sách tốt đi kèm. Nhiều quốc gia đã nói rằng chủ nghĩa đa văn hóa ở họ đã thất bại và sự thất bại đó là vì họ không có chính sách xã hội tốt. Bạn không thể chỉ đa dạng và dừng lại ở đó mà không làm gì cả."

Và việc nhận ra những trải nghiệm tiêu cực trong cộng đồng cũng rất quan trọng.

"Đó là cảm giác trung thực, nhưng nó cũng tạo ra cảm giác tin tưởng. Ý tôi muốn nói đó là chúng ta phải thừa nhận rằng dù Úc không phải là một quốc gia phân biệt chủng tộc, nhưng thật không may, chúng ta có những nhóm trong cộng đồng phân biệt đối xử."

Share