Bà Rayhangul Abliz đang sống tại Úc nhưng hai năm rồi không nhận được tin tức gì từ cha mẹ ở Tân Cương. Bà lo sợ cha mẹ đã bị đưa vô trại cải tạo.
Lần đầu tiên trả lời báo chí, bà Abliz nói bà mừng là bây giờ thế giới biết Trung Quốc đã làm gì với người Ngô Duy Nhĩ.
"Tôi nhớ cha mẹ tôi mỗi phút. Sau khi mất liên lạc tôi cứ thấy ác mộng. Tôi rất lo lắng cho họ."
Từ hơn 10 năm nay đài SBS đã tường thuật về các trại cải tạo người Ngô Duy Nhĩ, nhưng bây giờ thông tin chỉ rõ ràng hơn nhờ những tài liệu mà đài BBC của Anh và đài Deutsche Welle của Đức có được.
Hồ sơ dày 137 trang liệt kê hơn 300 người bị gởi vào trại cải tạo vì nhiều lý do khác nhau. Ví dụ bởi vì họ làm đơn xin hộ chiếu, có quá đông con, có thân nhân ở ngoại quốc; vô tình vào các trang web ở nước ngoài; hay bởi vì để râu quai nón.
Người cung cấp tài liệu này là học giả Ngô Duy Nhĩ lưu vong, Abduweli Ayup, hiện sống ở Na Uy, người nói ông sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả và đã bị đe dọa đến tính mạng.
"Ngày 8 tháng Một tôi nhận được một cú điện thoại kêu tôi hãy dừng lại bởi chúng tôi có thể tìm đến ông ở bất cứ đâu. Đúng là nguy hiểm nhưng phải có ai đó làm chuyện nguy hiểm, phải có ai đó nói cho thế giới biết chuyện gì đang xảy ra ở đó."
Tài liệu rò rỉ cho thấy người Ngô Duy Nhĩ bị theo dõi như thế nào, sử dụng máy nhận dạng và mạn lưới gián điệp, cùng với những cuộc viếng thăm của an ninh đến thẩm vấn người ta ở nhà riêng.
Rian Thun, người nghiên cứu về chính sách của Trung Quốc đối với người Ngô Duy Nhĩ tại Đại học Nottingham ở Anh cho biết mức độ theo dõi rất qui mô và ông tin rằng những tài liệu rò rỉ là thật.
"Nó chứa đựng vô số những dữ liệu chi tiết của một cộng đồng nhỏ ở Tân Cương cho nên rất khó mà thu thập công khai hoặc giả tạo một hồ sơ như vậy."
Bà Rozinisa Tohti, một người Ngô Duy Nhĩ ở Istanbul vô cùng sốc khi biết em gái út của bà bị đi cải tạo chỉ vì có đông con.
"Tôi rất buồn. Tôi không ngủ được trong mấy ngày liền. Tôi rất sốc và buồn vì tin em tôi bị bắt đưa đi."
Nhà chức trách Trung Quốc quả quyết các trại cải tạo được lập ra để chống lại sự cực đoan và Hồi giáo khủng bố.
Giới chức Trung Quốc cho biết những người có tư tưởng cực đoan được dạy tiếng Hoa và dạy nghề.
Nhưng bà Tohti nói em gái bà không phải là khủng bố và bà rất lo lắng cho sức khoẻ của em mình.
"Tôi nghe nói tình trạng trong tù tệ hại không tưởng tượng nỗi. Thậm chí họ còn không đủ ăn."
Theo tài liệu được tiết lộ, hơn 60 phần trăm cải tạo viên là từ 20 đến 40 tuổi, cho thấy nhà chức trách Trung Quốc đặc biệt nhắm vào giới trẻ Hồi giáo.
Tài liệu dùng những từ như “người đáng lo” hay “người không tin được” để mô tả những ai sinh ra trong khoảng từ thập niên 1980 đến năm 2000.
Một chuyên gia về Tân Cương, Adam Zenz nói với đài BBC, tài liệu này tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc đối với tôn giáo.
"Ý đồ đằng sau chuyện này vốn được tiết lộ một cách chi tiết cũng trùng hợp với quan điểm vô cùng lo sợ tôn giáo."
Báo New York Times tường thuật trong những năm qua, Trung Quốc đã đưa hàng trăm ngàn người thiểu số Hồi giáo đi cải tạo.
Nhưng chuyên gia về Trung Quốc, Giám đốc Học viện Quốc tế, Victor Gao, bênh vực cho chính sách cải tạo người Ngô Duy Nhĩ bởi vì lâu rồi không có vụ khủng bố nào xảy ra ở Tân Cương.
"Khủng bố là một tiến trình, vốn bị chi phối bởi, ví như sự truyền bá sự cực đoan. Không ai phủ nhận được là có sự gia tăng của việc cực đoan hóa ở Tân Cương. Nhiều người không cho con cái đi học, mà ở Trung Quốc đó là phạm tội hình sự rồi."